Thời gian qua, tổ chức Công đoàn nói chung và Công đoàn Nghệ An nói riêng đã tạo dựng được niềm tin, trở thành chỗ dựa vững chắc cho công nhân lao động trên địa bàn. Qua những quyền lợi được ghi trên thỏa ước lao động tập thể, những lần đấu tranh bảo vệ quyền lợi người lao động, những kinh nghiệm trong giải quyết đình công, những cuộc đối thoại với chủ sử dụng lao động, những chương trình hỗ trợ, động viên đoàn viên, lao động có hoàn cảnh khó khăn... có thể thấy vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích công nhân lao động của tổ chức công đoàn đã được làm rất tốt.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc với các công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, ông Vương An Nguyên - Chủ tịch Công đoàn KKT Đông Nam chia sẻ: “Một số hạn chế phổ biến của công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp là tính đại diện cho người lao động không cao, quỹ thời gian dành cho hoạt động công đoàn còn hạn hẹp, việc phân công nhiệm vụ trong BCH công đoàn chưa hợp lý khiến khối lượng công việc của Chủ tịch CĐCS quá nhiều... Cũng theo chia sẻ của ông Nguyên, lý do chính dẫn đến những hạn chế này là vì cán bộ công đoàn thường kiêm nhiệm, họ cũng là người làm thuê trong doanh nghiệp, tiền lương, việc làm phụ thuộc vào doanh nghiệp nên thời gian, vị thế, tiếng nói của cán bộ công đoàn cơ sở bị phụ thuộc. Bên cạnh đó, phần lớn cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có tuổi đời trẻ, nhiệt tình, sáng tạo, năng nổ nhưng kinh nghiệm đàm phán, đối thoại, kỹ năng phân chia quản trị công việc còn hạn chế.
Nhận định của Chủ tịch Công đoàn KKT Đông Nam cũng là trăn trở của rất nhiều chủ tịch công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp. Chị N.C – Chủ tịch công đoàn một doanh nghiệp có đông công nhân lao động tại KCN Nam Cấm thổ lộ: “Rất nhiều lần tôi đề xuất lên lãnh đạo công ty về việc tăng kinh phí cho bữa ăn ca của công nhân nhưng đều bị gạt đi, thậm chí là bị chỉ trích. Bản thân tôi cũng là người làm thuê, cũng cần giữ công việc của mình nên không thể quyết liệt trong đòi hỏi quyền lợi cho người lao động được”.
Ngoài những khó khăn, hạn chế trên, ông Phạm Đức Cường - Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu còn cho rằng, một số cán bộ công đoàn không thực sự tâm huyết với hoạt động công đoàn, đảm nhận chức vụ cán bộ công đoàn chỉ để lấy danh mà không có cống hiến thực chất. Điều này dẫn đến vai trò mờ nhạt của tổ chức công đoàn tại cơ sở.
Hiểu rõ tầm quan trọng của cán bộ công đoàn, tại Đại hội XVIII, Công đoàn Nghệ An đã xác định một trong ba khâu đột phá là "Nâng cao chất lượng, trình độ của đội ngũ cán bộ công đoàn". Ông Kha Văn Tám - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An nhận định: “Xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi tổ chức Công đoàn cần phải đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ CĐCS tại doanh nghiệp. Cán bộ CĐCS chính là cánh tay nối dài, là gương mặt đại diện của tổ chức công đoàn, gần gũi nhất với người lao động. Lực lượng này có nhiệt thành, tâm huyết, năng lực, hiểu biết thì mới có thể tham gia đóng góp với đơn vị, từ đó xây dựng nhiều chính sách chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, người lao động thông qua thỏa ước lao động tập thể, phúc lợi đoàn viên, đối thoại... Khi cán bộ CĐCS thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ cho người lao động thì sẽ thu hút, tập hợp được người lao động đến với tổ chức của mình”.
Trong năm 2020, tổ chức công đoàn Nghệ An đã tổ chức 102 lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động công đoàn cho gần 17.000 lượt cán bộ công đoàn chuyên trách và các công đoàn cơ sở với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng. Nội dung tập huấn chủ yếu tập trung vào Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII; Bộ luật Lao động 2019 sửa đổi; Luật Công chức viên chức sửa đổi; hoạt động nữ công; hoạt động Ủy ban Kiểm tra; hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; nghiệp vụ tài chính; công đoàn với chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động... Đội ngũ giảng viên kiêm chức của LĐLĐ tỉnh thường xuyên được cập nhật kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu tập huấn nâng cao kiến thức mọi mặt cho cán bộ công đoàn cấp cơ sở.
Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, công tác đào tạo sẽ tiếp tục được LĐLĐ tỉnh quan tâm, tập trung nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở và có văn bản hướng dẫn thực hiện cho từng cấp công đoàn. Theo đó, 3 nhóm nội dung chính được triển khai sẽ là: Nâng cao chất lượng nắm bắt và hiểu biết pháp luật, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng hoạt động của cán bộ công đoàn cơ sở; Nâng cao kỹ năng đối thoại, phát huy vai trò chủ động, tích cực của công đoàn cơ sở trong tổ chức thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, hội nghị dân chủ và hội nghị người lao động; Tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn cơ sở tiến hành đàm phán, thương lượng tiền lương cho người lao động năm 2021, phát huy vai trò của đoàn viên công đoàn trong đề xuất nội dung, thực hiện nhiệm vụ và giám sát hoạt động công đoàn cơ sở và BCH công đoàn cơ sở.
Là một trong những đơn vị được đánh giá cao trong công tác nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn cơ sở, những năm gần đây, công đoàn huyện Diễn Châu đã có xây dựng được vị thế quan trọng trong lòng người lao động, có sức ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Ông Phạm Đức Cường chia sẻ: “Các lớp tập huấn kiến thức về pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hoạt động công đoàn mà LĐLĐ huyện tổ chức hàng năm đều bám sát đề án của LĐLĐ tỉnh, có nội dung cụ thể, gắn với nhu cầu, phù hợp với đối tượng và triển khai theo hướng cầm tay chỉ việc. Chúng tôi cũng thường xuyên đề xuất với cấp ủy, lãnh đạo cơ quan đơn vị tạo điều kiện cho CBCĐ được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị...”.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình trong nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, ông Vương An Nguyên cho biết thêm: “Bên cạnh các lớp tập huấn, chúng tôi còn tạo điều kiện để các CĐCS chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Hơn hết, công đoàn cấp trên cơ sở cần phải thường xuyên bám sát cơ sở, kịp thời động viên, hướng dẫn, tư vấn công đoàn cơ sở giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh. Vì cán bộ công đoàn cơ sở, đặc biệt khối doanh nghiệp thường xuyên biến động, thay đổi nên công đoàn cấp trên cần hỗ trợ việc kiện toàn ban chấp hành công đoàn cơ sở phù hợp yêu cầu thực tiễn”.