(Baonghean) - Thời nào cũng vậy, người làm công tác tuyên truyền luôn được cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đặt ra những yêu cầu rất cao. Thậm chí, có người còn cực đoan cho rằng, việc bố trí cán bộ ở đâu có thể chưa đúng, chứ đối với công tác tuyên truyền thì tuyệt đối không thể bố trí sai. Và tâm lý này có thể gặp ở nhiều nơi: Ai nói sao thì nói, chứ cán bộ tuyên truyền đã nói là phải nói đúng! Ai viết gì thì viết, chứ cán bộ tuyên truyền, đã viết là phải viết đúng!
 
Rõ ràng, khi xuất hiện tâm lý như vậy, có nghĩa là mọi người đã giành cho công tác tuyên truyền và người làm công tác tuyên truyền vị trí rất trang trọng. Điều đó hoàn toàn xứng đáng, bởi người làm công tác tuyên truyền chính là người đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Theo lối nói giàu hình ảnh, đó là người “đầu đội chủ trương, tay cầm đường lối”. Đó chính là người giữ cầu nối của Đảng với dân, dân với Đảng. Là người đi trước để dẫn đường, đi cùng để cổ vũ và đi sau để tổng kết, đúc rút kinh nghiệm và bổ sung lý luận. 
 
images1022795_ghi_l_i_h_nh__nh_c_c_chi_n_s____o_tr__ng_sa___nh_tr_n_h_i.jpgRa với Trường Sa. Ảnh: Trần Hải
 
Do đó, sẽ là không quá khi nói rằng, người làm công tác tuyên truyền phải là người hội tụ đầy đủ nhất và cao nhất về tính Đảng, đòi hỏi phải là người có sức hội tụ và lan tỏa những phẩm chất  ưu tú, ưu việt nhất của người cán bộ Đảng, mà trước hết là về thanh danh, uy tín, trí tuệ, phẩm chất. Và có lẽ ở đâu cũng vậy, cán bộ, đảng viên và quần chúng rất phấn khởi và tin tưởng khi công tác tuyên truyền được giao cho người có phẩm chất, trí tuệ vượt trội, có quá trình rèn luyện và hoạt động cách mạng sôi nổi, trong sáng đảm nhiệm. Bởi, chỉ những người như thế mới xứng đáng với tư cách để truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng - những nội dung được cho là kết tinh của tính khoa học, tính cách mạng và tinh thần nhân văn.
 
Đất nước càng hội nhập, xã hội càng phát triển, thông tin càng đa dạng và phong phú, dân chủ càng được mở rộng, thì vai trò định hướng thông tin và dư luận đặt ra đối với công tác tuyên truyền lại càng cao và vị trí của người làm công tác tuyên truyền lại hết sức quan trọng. Đặc biệt hơn, khi vấn đề chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia bị đe dọa, thì người làm công tác tuyên truyền lại tiếp tục ở vị trí đứng mũi chịu sào với trọng trách nặng nề và vẻ vang hơn. Chưa bao giờ, đồng loạt các binh chủng thông tin - tuyên truyền có tính truyền thống và phi truyền thống như hệ thống tuyên truyền miệng, các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, các mạng xã hội… đã cùng lúc tham gia một cách trực tiếp, sâu sắc và hiệu quả đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc như thời gian vừa qua!
 
Lúc này, công tác tuyên truyền không chỉ là phải xuất hiện đúng lúc và luôn có mặt ở tuyến đầu, đương đầu và đẩy lùi ý đồ phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam, mà còn phải tấn công vào những thành trì: trì trệ, bảo thủ, hẹp hòi, ích kỷ, níu kéo, bệnh vô cảm, vô trách nhiệm, thói lãng phí, tệ quan liêu, nạn tham nhũng… Những thói hư, tật xấu, những tệ nạn nói trên như những căn bệnh đang tàn phá sức mạnh đất nước, đòi hỏi người làm công tác tuyên truyền không thể đứng ngoài cuộc. Chính lúc này, người làm công tác tuyên truyền càng phải tỏ rõ sức mạnh của ý chí, trí tuệ và bản lĩnh, phải thực sự mưu trí và dũng cảm, quả cảm và cương quyết để chiến thắng nội xâm và ngoại xâm, chiến thắng kẻ thù và chiến thắng chính bản thân mình. Đó chính là sứ mệnh cao cả của công tác tuyên truyền trong thời kỳ mới, cũng là yêu cầu mà cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân kỳ vọng, gửi gắm vào người làm công tác tuyên truyền hiện nay!
 
 
Đức Dương