Phát huy tiềm năng, vị thế của một đô thị loại I, Vinh đang từng bước vươn lên, khẳng định vai trò đầu tàu của tỉnh Nghệ An và tiến tới trở thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ.
Thành phố Vinh ngày nay nằm chủ yếu trên vùng đất Vĩnh Yên và Yên Trường, tổng Ngô Trường, huyện Chân Lộc, trấn Nghệ An xưa. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước. Cách đây tròn 230 năm, vào năm 1788, trên đường hành quân thần tốc hướng về Kinh đô Thăng Long đại phá 29 vạn quân Thanh, khi đi qua trấn thành Nghệ An, dưới con mắt của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ, Vinh là nơi: “Hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn để xây dựng kinh đô mới”.
Có thể nói vùng đất giữa núi Dũng Quyết và núi Kỳ Lân là vùng đất thiêng, có đủ long, ly, quy, phượng, cận thủy tựa sơn, có núi cao, sông rộng làm thành lũy tự nhiên, là vùng đất lý tưởng để xây dựng kinh thành. Từ đó, Vua Quang Trung đã ra chiếu chỉ cho La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp về việc xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô. Tiếc rằng, mọi việc còn đang dang dở thì Quang Trung lâm bạo bệnh qua đời. Dẫu vậy, với sự kiện Hoàng đế Quang Trung xây dựng Trung Đô Phượng Hoàng thành đã mở ra một dấu mốc quan trọng trong sự hình thành và phát triển của thành phố Vinh.
Qua những chặng đường xây dựng, phát triển và trưởng thành, thành phố Vinh đã khẳng định là một trong những đô thị phát triển nhanh, bền vững của cả nước. Những năm đầu thế kỷ XX, Vinh đã là một thành phố công nghiệp lớn của xứ Trung kỳ. Ngày 10/12/1927, toàn quyền Đông Dương ra nghị định hợp nhất thị xã Vinh, thị xã Bến Thủy và thị xã Trường Thi thành thành phố Vinh - Bến Thủy. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhưng không lâu sau đó, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam. Vinh đã trải qua những lần “tiêu thổ kháng chiến” để đánh thắng Pháp, Mỹ.
Sau Hiệp định Pa-ri (1973), đồng chí Đỗ Mười, lúc đó là Phó Thủ tướng Chính phủ đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng lại thành phố. Sau 20 năm xây dựng và phát triển, ngày 13/8/1993, thành phố Vinh được công nhận là đô thị loại II. Ngày 30/9/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 239/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ”. Đến ngày 5/9/2008, thành phố Vinh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nghệ An. Xác định vị trí quan trọng của Nghệ An và thành phố Vinh trong sự phát triển của vùng Bắc Trung bộ nói riêng và cả nước nói chung, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Quyết định số 2468 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị và Chính phủ đối với Nghệ An và thành phố Vinh - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Sau 10 năm là đô thị loại I, 5 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 2468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Vinh đã đạt được những kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,63%; giá trị gia tăng tăng 11,38%, chiếm khoảng 24,6% tổng giá trị gia tăng của tỉnh; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 22,2 triệu đồng (năm 2007) lên 85 triệu đồng năm 2018; thu ngân sách thành phố năm 2017 đạt 2.494,8 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Thành phố đã sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới; bước đầu hình thành các vùng kinh tế nông nghiệp sản xuất công nghệ cao tại các khu vực ngoại thành. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, thu hút đầu tư. Hạ tầng giao thông, cảng hàng không, giao thông đối nội, đối ngoại được nâng cấp; nhiều tuyến đường mới được xây dựng, tạo điều kiện phát triển kinh tế và mở rộng không gian đô thị. Các khu đô thị mới, các tòa chung cư, văn phòng, khách sạn cao tầng, siêu thị, các tổ hợp công trình nhiều chức năng... được hình thành đã làm thay đổi diện mạo đô thị Vinh khang trang, hiện đại.
Thành phố luôn là đơn vị dẫn đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục với nhiều thành tích cấp tỉnh và quốc gia. Có 63/82 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 76,8%. Công tác chăm sóc sức khỏe từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Toàn thành phố hiện có 285 cơ sở y tế (10 bệnh viện tuyến tỉnh, 1 bệnh viện tuyến thành phố, 9 bệnh viện tư nhân, 1 trường đại học y, 252 phòng khám chuyên khoa và các loại hình khác). Đời sống người dân được nâng cao, nếp sống văn minh đô thị từng bước được hình thành. Chính sách thu hút lao động, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được chú trọng. Đến nay một số lĩnh vực đã có các yếu tố trung tâm vùng như dịch vụ, tài chính, thương mại, y tế, giáo dục - đào tạo,…
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội sôi nổi, sáng tạo, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố, các phong trào văn nghệ, thể thao ngày càng phát triển.
Để thành phố ngày càng phát triển nhanh và bền vững hơn nữa, trong thời gian tới Đảng bộ và nhân dân thành phố tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Hai là, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phê duyệt và quản lý quy hoạch. Mở rộng không gian đô thị, kết nối Vinh với Cửa Lò theo hướng trở thành đô thị biển. Khẩn trương hoàn thành quy hoạch phân khu các phường, xã, quy hoạch và các kế hoạch sử dụng đất... Chuẩn bị cơ sở dữ liệu để xây dựng Quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2021-2030 khoa học, thực tiễn và phát triển bền vững.
Ba là,tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Phối hợp tốt với các cơ quan Trung ương và tỉnh trong thu hút đầu tư để hoàn thành từng giai đoạn hệ thống cụm cảng Cửa Lò; mở rộng và nâng cấp Sân bay Vinh, mở rộng các đường bay quốc tế; chuẩn bị các điều kiện để triển khai đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Nghệ An - Viêng Chăn qua thành phố Vinh. Kêu gọi đầu tư các dự án về thương mại, trung tâm mua sắm, khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, khu đô thị sinh thái cao cấp, các nút giao thông và hạ tầng kỹ thuật ngầm hiện đại...
Bốn là, tăng cường xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; nâng cao dân trí, ý thức cộng đồng; xây dựng chiến lược con người Vinh trong giai đoạn mới theo hướng hiện đại, văn minh, hiếu khách, thân thiện. Đẩy mạnh đào tạo nhân lực, thu hút, trọng dụng và bảo vệ nhân tài. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục, ngành Giáo dục thành phố phải là trung tâm khởi nghiệp cho thanh niên; tăng cường liên kết quốc tế trong hoạt động giáo dục - đào tạo. Nâng cao chất lượng công tác an sinh xã hội, đảm bảo tiến bộ, công bằng, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân.
Năm là, tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, tạo môi trường chính trị, xã hội ổn định để phát triển. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới chính quyền điện tử, “Thành phố thông minh”. Toàn hệ thống chính trị và nhân dân nỗ lực xây dựng thành phố Vinh văn minh, giàu đẹp, đáng sống.