(Baonghean) - Trong thời đại bóng đá kim tiền hiện nay, tất cả đều phụ thuộc vào nhà tài trợ - hay nói chính xác phụ thuộc vào đồng tiền và sự ngẫu hứng của các ông bầu. Vì trên thực tế, bất kỳ một doanh nghiệp nào khi đầu tư vào lĩnh vực bóng đá đều không có suy nghĩ kiếm tiền từ đây, mà chủ yếu chấp nhận thua lỗ để đổi lấy những mối quan hệ khác… Đến khi không còn “yêu” bóng đá nữa, họ sẵn sàng rút lui.
Mới đây nhất, sau 4 năm gắn bó với V.League, Ngân hàng Eximbank chính thức rút lui khỏi cuộc chơi để lại bao âu lo cho lãnh đạo VFF trong việc tìm kiếm nhà tài trợ thay thế. Hiện tại, một số doanh nghiệp lớn đã từ chối lời mời “cộng tác”, nên VFF đang tính kêu gọi nhiều doanh nghiệp cùng chung tay san sẻ gánh nặng... nhưng chưa mấy khả quan. Trong khi đó, nhìn sang nước láng giềng Thái Lan, mặc dù Giải ngoại hạng Thai-League của họ ra đời muộn hơn chúng ta và cũng định hình giải chuyên nghiệp theo mô hình giải Ngoại hạng Anh, nhưng cách làm của họ rất tốt để phát triển thương hiệu. Bằng chứng là họ chưa bao giờ phải lo lắng trong việc kêu gọi tài trợ, ngược lại, các nhà tài trợ xếp hàng dài và chen chân để được ký hợp đồng đầu tư với Thai-League. Đây có lẽ là hệ luỵ trong cách làm bóng đá ăn xổi của chúng ta, khi chỉ chăm chăm vào việc kiếm tiền, hay làm sao để có tiền chứ không nghĩ đến việc biến V-League thành sản phẩm tốt để các đối tác, khách hàng hăm hở xin tài trợ, như cách mà Thai-League đang vận hành rất thành công.
V-League hiện vẫn còn nhiều những CLB “ăn đong từng mùa”, nhiều đội bóng rã đám vì thiếu tiền, mới đây là Đồng Tháp cũng đã nộp đơn xin giải tán khi Tập đoàn Cao Su rút lui, nhưng may mắn được cứu thoát ở những phút cuối, khi một doanh nghiệp “dang tay cứu giúp”. Hiện nay, trong 14 đội tham dự V-League 2015, có quá nửa trong số đó có thể “dừng thở” bất cứ lúc nào nếu như các ông bầu, doanh nghiệp “rút ống thở”. Ngay cả đội bóng giàu truyền thống bậc nhất SLNA cũng không nằm ngoài guồng quay kim tiền đó, họ phải chịu cảnh “giật gấu vá vai” và “ăn đong từng mùa”. TGĐ Nguyễn Hồng Thanh từng tâm sự: “Bây giờ các ông bầu vừa có tâm, vừa có tầm với bóng đá rất hiếm. Nhiều doanh nghiệp họ có vốn, có chiến lược kinh doanh, nhưng lại không mặn mà với bóng đá. Còn có những doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá kiểu chụp giật vì lợi ích riêng, khi đạt được mục đích, họ sẵn sàng rút lui. Bây giờ các đội bóng Việt Nam nên học theo cách làm đầu tư bóng đá của Bình Dương hoặc Thanh Hoá, thì mới gọi là sống khoẻ được. Bên cạnh đó, cần phát huy được nội lực, xây dựng hệ thống đào tạo trẻ tốt để duy trì nguồn kế cận, và chơi hết mình vì khán giả, kéo khán giả đến sân để lấy thu bù chi, thì khi đó đội bóng mới tồn tại được”.
Đại Nghĩa