Thành lập trạm y tế lưu động, điều trị F0 tại nhà
Ngày 4/1/2022, UBND tỉnh Nghệ An có Văn bản số 12/UBND-VX “về việc triển khai mô hình trạm y tế lưu động trên địa bàn thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò để quản lý, chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà”. Theo văn bản, Quỹ Bảo hiểm y tế thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Ngân sách tỉnh thực hiện hỗ trợ các loại kinh phí, gồm: thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế thiết yếu trực tiếp phục vụ điều trị; kinh phí xử lý rác thải, phun khử khuẩn; xét nghiệm cho các đối tượng cách ly... Chế độ, chính sách cho bệnh nhân và lực lượng trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân theo quy định. Các chi phí có liên quan khác phát sinh trong quá trình điều trị bệnh nhân.
Ngân sách thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò đảm bảo chi phí có liên quan khác còn lại gồm đảm bảo cơ sở vật chất của trạm y tế lưu động; chế độ cho lực lượng hỗ trợ tham gia các nhiệm vụ phòng, chống dịch của trạm y tế lưu động (ngoại trừ đối tượng trực tiếp điều trị bệnh nhân); chi phí vận chuyển… Người dân tự chi trả các chi phí tiền ăn, chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày điều trị tại nhà (nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác).
UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội tỉnh, UBND thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò trong việc triển khai mô hình trạm y tế lưu động trên địa bàn thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò để quản lý, chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 5/1, Sở Y tế Nghệ An đã ban hành Hướng dẫn số 60/HD-SYTNVY hướng dẫn tạm thời triển khai mô hình trạm y tế lưu động trên địa bàn thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò. Theo hướng dẫn: Mỗi xã, phường tại thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò phải bố trí 1 trạm y tế lưu động; thực hiện trưng dụng 1 - 2 phòng của trạm y tế xã, phường để bố trí nơi làm việc cho trạm y tế lưu động.
Nhân lực khởi điểm của trạm y tế lưu động có 2 nhân viên y tế, trong đó có ít nhất 1 bác sỹ, chăm sóc từ 1 - 20 trường hợp mắc Covid-19. Khi tăng thêm từ 1- 10 trường hợp mắc Covid-19 thì tăng thêm 1 nhân viên y tế. Ngoài nhân lực làm công tác chuyên môn, UBND xã, phường thành lập Tổ chăm sóc người mắc Covid-19. Tổ ít nhất có 2 người, mỗi tổ quản lý từ 10-20 người mắc Covid-19 được điều trị tại nhà. Khi tăng thêm từ 1 - 10 người mắc Covid-19 thì tăng thêm 1 người. Tổ trưởng có thể là Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân cư hoặc Trưởng ban Quản lý tòa nhà, khu chung cư.
Những F0 được điều trị tại nhà là những người có độ tuổi từ ≥ 3 tháng đến ≤ 49 tuổi; chưa phát hiện bệnh lý nền; đã tiêm đủ liều vắc-xin; sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường. Người chăm sóc cho đối tượng mắc Covid-19 dưới 16 tuổi hoặc không có khả năng tự sinh hoạt nếu có nguyện vọng… Những F0 không được điều trị tại nhà là phụ nữ mang thai; trẻ em dưới 16 tuổi có nguyện vọng nhưng không có người chăm sóc hoặc người chăm sóc đang mắc các bệnh lý nền.
Cơ sở vật chất để các F0 được điều trị tại nhà phải đáp ứng yêu cầu: Nhà ở riêng lẻ; căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư mà người mắc Covid-19 đăng ký thường trú, tạm trú; có phòng hoặc nhà riêng và khu vệ sinh riêng dành cho người mắc Covid-19... Trong phòng bệnh nhân, trước cổng nhà phải có thùng đựng chất thải màu vàng. Nhà không được dùng điều hòa trung tâm, phải có đồ dùng ăn uống riêng cho người bệnh...
Phù hợp, hiệu quả và thuận lợi cho người bệnh
PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Việc triển khai mô hình trạm y tế lưu động trên địa bàn thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò để quản lý, chăm sóc người mắc Covid-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ tại nhà là rất phù hợp, hiệu quả trong tình hình hiện nay. Điều này giúp nâng cao năng lực ứng phó, sẵn sàng đáp ứng tại chỗ; tạo điều kiện thuận lợi cho người mắc Covid-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ được cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà; góp phần giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế, an ninh, trật tự, an toàn của gia đình, cộng đồng và xã hội; góp phần giảm tải cho các cơ sở cách ly, điều trị Covid-19… Trước mắt, việc điều trị cho người mắc Covid-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ tại nhà chỉ áp dụng tại 2 địa phương thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò - nơi có đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực.
Sau khi các văn bản được ban hành, ở thời điểm này, thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò đã ban hành các quyết định thành lập trạm y tế lưu động tại các phường, xã. Một số phường, xã trên địa bàn đã kích hoạt trạm y tế lưu động, đi vào thực hiện chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 như Trạm Y tế lưu động xã Nghi Phú, phường Hưng Dũng (thành phố Vinh).
Ông Hà Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Nghi Phú cho hay: Ngay sau khi có hướng dẫn xã đã bố trí thiết lập trạm y tế lưu động đặt tại trạm y tế xã; UBND thành phố Vinh có quyết định thành lập trạm y tế lưu động. Ngày 9/1, khi nhận được tin có các ca bệnh trên địa bàn, UBND xã đã chỉ đạo triển khai thực hiện quy trình xử lý người mắc Covid-19 tại cộng đồng, bao gồm: kích hoạt trạm y tế lưu động; thiết lập đường dây nóng; tiếp cận hộ gia đình; thẩm định, đánh giá các điều kiện cách ly tại nhà; gắn biển cảnh báo tại nhà có người mắc Covid-19 cách ly; Ban hành Quyết định áp dụng biện pháp cách ly người mắc Covid-19 tại nhà; Phân công nhân lực địa phương đảm bảo công tác an ninh, trật tự, tuân thủ cách ly y tế tại nhà; thành lập, chỉ đạo triển khai hoạt động Tổ chăm sóc người mắc Covid-19; thực hiện đảm bảo công tác hậu cần các cơ sở quản lý người mắc Covid-19; tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân được biết và giám sát… Nhìn chung, việc triển khai trạm y tế lưu động và chăm sóc người bệnh đang diễn ra thuận lợi.
Ở thời điểm này, Trạm Y tế lưu động xã Nghi Phú có 4 nhân lực, bao gồm 2 cán bộ trạm y tế và 2 sinh viên năm cuối Trường Đại học Y khoa Vinh được tăng cường. Trạm đang thực hiện chăm sóc điều trị cho 5 bệnh nhân mắc Covid-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ trên địa bàn.
Y sĩ Trần Thị Giang Lam - Trưởng trạm Y tế xã Nghi Phú, phụ trách trạm y tế lưu động chia sẻ: Mỗi ngày, cán bộ trạm y tế lưu động thực hiện thường trực 24/7 để tiếp nhận thông tin từ người bệnh, người ở cùng nhà, tổ chăm sóc người mắc Covid-19; theo dõi, cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe người mắc Covid-19 qua điện thoại; thực hiện hướng dẫn, tư vấn sức khỏe cho người mắc Covid-19, người chăm sóc; trong các trường cần thiết thì thực hiện hỗ trợ trực tiếp người mắc Covid-19; lập hồ sơ khám, chữa bệnh của người mắc Covid-19 để thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh…Trạm y tế lưu động đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ phân công. Người nhà và người bệnh rất thoải mái khi được chăm sóc, điều trị ngay tại nhà.
Thông tin từ các trạm y tế lưu động phường, xã, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn đó một số băn khoăn, tồn tại trong quá trình triển khai trạm y tế lưu động và chăm sóc người bệnh cần sớm được giải quyết, đó là: Cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế của trạm y tế lưu động còn chật hẹp, thiếu thốn, các cấp. ngành liên quan cần sớm thực hiện đầu tư, hỗ trợ thêm. Nhân lực của trạm y tế lưu động theo văn bản của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Y tế chưa được đảm bảo. Vẫn còn vấn đề tư tưởng e ngại trong việc chăm sóc, điều trị người bệnh tại nhà. Quy trình xử lý rác thải cần được tính toán kỹ, đặc biệt khi dịch lan rộng, có nhiều người bệnh thực hiện điều trị tại nhà…/.