(Baonghean.vn) - Cách mạng Tháng Tám thành công (1945), nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nền ngoại giao của Việt Nam từng bước hình thành và phát triển.
Cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao của Nhà nước, đối ngoại nhân dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặc biệt quan tâm tổ chức và xây dựng, nhằm tập hợp đoàn kết, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhất là nhân dân Liên Xô và các nước XHCN đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Sau khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Liên bang cộng hòa XHCN Xô Viết (Liên Xô) thiết lập quan hệ ngoại giao (30/1/1950), ngày 23/5/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Hội Hữu nghị Việt - Xô và cử đồng chí Tôn Đức Thắng - Phó Chủ tịch nước làm Chủ tịch Hội.
Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô (sau này là Liên bang Nga) luôn bên cạnh Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng CNXH. Riêng tại Nghệ An, sau năm 1954 miền Bắc hoàn toàn giải phóng, hàng chục nhà máy, xí nghiệp sản xuất công nghiệp, chế biến hiện đại được Liên Xô viện trợ xây dựng đã ra đời như: Nhà máy điện Vinh công suất 8.000 kw, lò cao luyện gang thép Núi Quyết, Nhà máy giấy Sông Lam, Nhà máy cơ khí Vinh, Nhà máy dệt Minh Khai… Hàng trăm cán bộ quản lý, kỹ thuật của Liên Xô được cử sang Việt Nam và vào Nghệ An để giúp đỡ xây dựng, lắp đặt máy móc, thiết bị, đào tạo và hướng dẫn cán bộ, công nhân tiếp nhận, vận hành máy móc, thiết bị… Sau những năm 1965 đến 1995, Nghệ An có khoảng trên 4.500 cán bộ, công nhân đã được đào tạo, lao động tại Liên Xô/Nga; trong đó có khoảng 1.500 cán bộ tốt nghiệp đại học và trên đại học về công tác trong các ngành kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế của tỉnh và khoảng 3.000 lao động, học nghề tại Liên Xô/Nga về lao động trong các công ty, xí nghiệp nhà máy của tỉnh.
Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác; tranh thủ sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên quê hương Nghệ An, đầu năm 1957, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã quyết định thành lập Hội Hữu nghị Việt - Xô và cử đồng chí Đặng Thai Mai, Thường trực Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Xô chỉ đạo việc tổ chức xây dựng Hội Việt - Xô Nghệ An.
Như vậy, kể từ ngày có quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và với vai trò cá nhân của đồng chí Đặng Thai Mai, Hội Hữu nghị Việt - Xô tỉnh Nghệ An, một tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trên lĩnh vực đối ngoại nhân dân đầu tiên của tỉnh đã ra đời. Trong gần 60 năm qua, dù phải trải qua nhiều biến động, thăng trầm của lịch sử chính trị ở Liên Xô, Hội Hữu nghị Việt - Xô (sau này là Hội Hữu nghị Việt - Nga) vẫn không ngừng được củng cố và phát triển; luôn đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thiết thực làm cầu nối, vun đắp tình đoàn kết hữu nghị truyền thống Việt - Xô/Nga trên quê hương Nghệ An.
Trong suốt gần 60 năm qua, bám vào các mốc son lịch sử quan hệ giữa hai nước Việt - Xô như: Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (30/1), ngày giải phóng miền Nam Việt Nam (30/4) kết hợp với ngày chiến thắng phát xít Đức (9/5), kỷ niệm Cách mạng XHCN tháng Mười Nga (7/11)… Hội Hữu nghị Việt - Xô và Hội Hữu nghị Xô - Việt luôn phối hợp tổ chức hoạt động kỷ niệm các sự kiện trọng đại này. Đáng chú ý là thông qua các hoạt động nói trên, Trung ương Hội Hữu nghị Xô - Việt và Hội Hữu nghị Việt - Xô đã tăng cường công tác trao đổi đoàn. Tháng 10/1967, đồng chí Lê Nhu - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Xô, được Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Xô mời tham gia đoàn đại biểu Việt Nam sang Liên Xô tham dự kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Mười Nga tổ chức trọng thể tại Thủ đô Matxcơva.
Để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa chính quyền và nhân dân hai tỉnh Nghệ An, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ulianov quê hương V.I Lênin, cuối năm 1979, đồng chí Nguyễn Văn Giản - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An sang thăm tỉnh Ulianov, chuyến đi này đã mở đầu cho sự kiện kết nghĩa hai nước vào năm 1980. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Matxcơva (tháng 8/1990) do Hiệp hội hữu nghị với nước ngoài Liên Xô (SSOD) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô tổ chức, đồng chí Ngô Xuân Phùng lúc đó là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt - Xô, Giám đốc Công ty dệt xuất khẩu Nghệ An, được Trung ương hội mời tham gia đoàn đại biểu Việt Nam do đồng chí Đặng Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Xô dẫn đầu sang dự lễ.
Gần đây tháng 11/2013, chuyến thăm và làm việc của đồng chí Tô Hồng Hải, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Khoa giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga Nghệ An, được Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Nga mời tham gia đoàn Việt Nam sang Liên bang Nga tham dự các hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Hội Hữu nghị Liên bang Nga - Việt Nam (31/7/1958 - 31/7/2013). Đặc biệt cuối tháng 9/2014, đoàn cán bộ cấp cao Nghệ An, do đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đã sang thăm và làm việc với tỉnh Ulianov để tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và sự hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai tỉnh; chuẩn bị cho kết nghĩa Thành phố Vinh (Nghệ An) với Thành phố Ulianov (tỉnh Ulianov).
Ngược lại, trong gần 60 năm qua, Hiệp hội hữu nghị với nước ngoài Liên Xô (SSOD), Trung ương Hội Hữu nghị Xô - Việt, chính quyền và các tổ chức Chính trị - xã hội của các nước cộng hòa (thuộc Liên Xô) như: Ucraina, Mondova, Aizec Baizan và lãnh đạo tỉnh Ulianov, Thành phố Ulianov, Thành phố Lêningrat… Cũng đã nhiều lần sang thăm và làm việc tại Nghệ An. Trong các chuyến thăm thắm tình hữu nghị anh em và để lại nhiều dấu ấn là chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu tỉnh Ulianov, Thành phố Ulianov (Liên bang Nga) do Thống đốc tỉnh dẫn đầu sang Nghệ An dự lễ kỷ niệm 90 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và dự Lễ kết nghĩa Nghệ An – Ulianov (tháng 5/1980) tại Thành phố Vinh.
Đáng nhớ nhất là chuyến thăm đầy tình hữu nghị của đoàn đại biểu Liên Xô, do Thiếu tướng, anh hùng phi công vũ trụ, Chủ tịch Hội Hữu nghị Xô - Việt Ghecman Titov dẫn đầu, sang Nghệ An tham dự kỷ niệm và tham dự Hội thảo 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 5/1990) được tổ chức tại Thành phố Vinh. Nhân dịp kỷ niệm 140 năm Ngày sinh V.I Lênin (22/4/1870 - 22/4/2010) và 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2010); lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã quyết định chọn đại lộ lớn nhất từ trung tâm thành phố ra hướng Sân bay Vinh, đặt tên đường Lênin; ngày khánh thành cắm biển tên “Đường Lênin” đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh và Thành phố Ulianov đã sang dự lễ và chứng kiến sự kiện quan trọng này trước đông đảo các vị đại biểu Trung ương, tỉnh, thành phố và hàng nghìn nhân dân Thành phố Vinh tham dự.
Đầu những năm 1990, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tan rã. Hội Hữu nghị Việt - Xô tỉnh Nghệ An được đổi thành Hội Hữu nghị Việt - Nga (ngày 13/5/1996). Tiếp nối truyền thống đoàn kết hữu nghị của Hội Hữu nghị Việt - Xô, Hội Hữu nghị Việt - Nga không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Thường xuyên theo dõi những diễn biến khó khăn của đất nước và nhân dân Nga sau biến động chính trị. Cuối năm 1990, một trận động đất lớn đã xảy ra ở vùng Acmenia (Liên bang Nga), Hội Hữu nghị Việt - Nga Nghệ An đã phối hợp với một số cơ quan hữu quan của tỉnh, đón nhận 25 cháu vào Thị xã Cửa Lò điều trị và nghỉ dưỡng, thời gian gần 1 tháng. Ngoài những hoạt động in đậm dấu ấn đoàn kết hữu nghị nói trên, Hội Hữu nghị Việt - Nga còn đẩy mạnh các hoạt động kết nối Nghệ An - Liên bang Nga, Nghệ An - Ulianov. Tháng 7/2012, một “Chương trình kết nối” được ký kết giữa Hội Hữu nghị Việt - Nga Nghệ An với cộng đồng người Việt ở tỉnh Ulianov. Mối quan hệ kết nối giữa hai hội, Hội Hữu nghị Việt - Nga Nghệ An và Hội cộng đồng người Việt ở tỉnh Ulianov đang không ngừng được củng cố và phát triển, làm cầu nối vun đắp cho tình đoàn kết hữu nghị Việt - Nga giữa hai tỉnh trong thời kỳ đổi mới.
Là tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Nghệ An. Hội Hữu nghị Việt - Xô trước đây và sau này là Hội Hữu nghị Việt - Nga đã tập hợp gần 500 hội viên, sinh hoạt trong 8 chi hội; ở nhiều lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Với phương châm: “Chủ động - Linh hoạt - Sáng tạo - Hiệu quả”, Hội Hữu nghị Việt - Nga ngày nay đã và đang không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động; góp phần tích cực vào công tác đối ngoại nhân dân của tỉnh Nghệ An trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Với những thành tích hoạt động nổi bật, Hội Hữu nghị Việt - Nga Nghệ An đã nhận được Bằng khen của Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam năm 2011; Bằng khen “Đơn vị 5 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2006 - 2011” của Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng; Cờ thi đua: “Đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2012” của Chủ tịch UBND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2013 vì: “Đã có nhiều thành tích trong công tác góp phần vào chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Nhìn lại gần 60 năm hình thành và phát triển, Hội Hữu nghị Việt - Xô sau này là Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Nghệ An luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị quan tâm về các mặt; Hội thực sự đã có nhiều đóng góp quan trọng vào công tác đối ngoại nhân dân tỉnh Nghệ An qua các giai đoạn cách mạng; không ngừng vun đắp tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt - Nga nói chung và nhân dân hai tỉnh Nghệ An - Ulianov nói riêng.
Ngô Xuân Phùng
(Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Nghệ An)