Sáng 30/3, tại huyện Đô Lương, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo mô hình “phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non”.
Kế hoạch triển khai mô hình “Phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở GDMN giai đoạn 2020-2025” bắt đầu được triển khai từ năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non trong toàn tỉnh.
Vượt lên khó khăn, việc triển khai mô hình đã đem lại nhiều kết quả thiết thực, nhất là trong việc xây dựng cơ sở vật chất, môi trường cho trẻ hoạt động, công tác bán trú, đảm bảo an toàn cho trẻ, giáo dục kỹ năng sống, tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số và chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng.
Đặc biệt, việc triển khai phối hợp đã góp phần giúp bậc học mầm non hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn khi dịch bệnh bùng phát và nhiều trường học học sinh không thể đến trường.
Cụ thể, trong thời gian trẻ em không thể đến trường, nhiều giáo viên đã sáng tạo trong việc phối hợp hướng dẫn cha mẹ sử dụng các nguyên vật liệu, đồ dùng, đồ chơi sẵn có trong nhà hoặc xung quanh nhà để vui chơi cùng con. Bên cạnh đó, đã làm video tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ chia sẻ đến phụ huynh hướng dẫn thực hiện tại nhà thông qua ứng dụng công nghệ thông tin: zalo, viber…
Nhờ vậy, tỷ lệ phụ huynh tham gia tương tác và phản hồi bằng các clip cho trẻ thực hiện tại nhà khoảng 60-70%; 100% cơ sở giáo dục mầm non đã phối hợp trạm y tế, gia đình trẻ để khám sức khỏe, theo dõi biểu đồ sức khỏe cho trẻ và làm tốt việc phối hợp phụ huynh, cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn phụ huynh chăm sóc trẻ tại nhà.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục mầm non đã tích cực tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền vận động các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ, phối hợp xây dựng cơ sở vật chất, môi trường giáo dục cho trẻ hoạt động tại nhà trường và cộng đồng.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đơn vị cũng đã có nhiều tham luận chia sẻ về kinh nghiệm triển khai mô hình phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non.
Trong đó tập trung vào các nội dung như công tác phối hợp trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phát huy vai trò của các tổ chức, xây dựng cơ sở vật chất, tạo môi trường cho trẻ hoạt động, hoạt động trải nghiệm của trẻ trong các ngày hội lễ, việc phối hợp với phụ huynh thực hiện chương trình giáo dục mầm non trong thời điểm trẻ nghỉ ở nhà trong phòng chống dịch Covid – 19, hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học trong bối cảnh dịch…
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Khoa khẳng định, mô hình phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dạy học ở các nhà trường và phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên để mô hình có thể được nhân rộng và có sự tham gia phối hợp của các ban, các ngành đoàn thể thì các nhà trường phải làm tốt công tác xây dựng kế hoạch sát với tình hình thực tế với địa phương với nhà trường. Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác vận động, tuyên truyền để cho cha mẹ trẻ và cộng đồng hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa và vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.
Thời gian tới, để tăng cường công tác phối hợp, các địa phương và nhà trường cần kịp thời biểu dương các tổ chức, cá nhân, gia đình có đóng góp hiệu quả; đồng thời nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo. Bên cạnh đó, cần nhìn thẳng vào những khó khăn và đề xuất các kiến nghị để cùng tháo gỡ và tìm giải pháp triển khai hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.