Gắn bó với cây chè hàng chục năm nay, giá chè lên xuống thất thường theo từng vụ, song liên tục từ năm 2020 đến nay, do tác động của dịch Covid-19 việc xuất khẩu chè gặp khó nên giá chè búp tươi có thời điểm “chạm đáy”, có vụ gia đình anh Lương Văn Viên ở xã Thanh Mai (Thanh Chương) chấp nhận thua lỗ. Thế nhưng, mấy ngày gần đây, hiện giá chè đang bật tăng trở lại nên anh rất phấn khởi.
Anh Viên cho biết: “Gia đình có gần 10 ha chè đang vào kỳ thu hoạch. Trước đó, giá chè xuống thấp, chỉ 2.500 - 2.700 đồng/kg, trong khi giá phân bón, xăng dầu tăng cao, giá nhân công cũng tăng nên người trồng thua lỗ. Nay, giá chè đang trên đà tăng, chúng tôi thấy phấn khởi khi trước mắt là gỡ vốn và bắt đầu có lãi. Hy vọng, thời gian tới, thị trường xuất khẩu khởi sắc, đầu ra ổn định, người dân yên tâm bám đồi chăm sóc cây”.
Vụ chè xuân năm nay, chè được mùa, giá thu mua đang trên đà tăng, nông dân đang tích cực bám đồi thu hoạch chè đúng lứa, đảm bảo chất lượng.
Ông Bùi Tuấn Đại - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Mai (Thanh Chương) cho biết: “Chè là cây trồng chủ lực của người dân Thanh Mai. Hiện toàn xã có 346 ha chè đang cho thu hoạch, theo ước tính, vụ chè xuân năm nay, sản lượng chè toàn xã đạt 5.540 tấn chè búp tươi. Trên địa bàn xã có 8 xưởng chế biến, thu mua chè búp tươi cho bà con. Hiện nay, giá chè đang được các xưởng thu mua dao động từ 3.500 - 4.100 đồng/kg (tùy loại). Với mức giá này, người trồng chè mới có lãi trong bối cảnh giá vật tư, phân bón tăng cao”.
Hiện, người dân các vùng trồng chè nguyên liệu ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông… đang vào vụ thu hoạch chè xuân. Trên khắp các vùng đồi, người dân đang tích cực thu hái, xe tải vào tận nơi thu mua, người dân thu hái chừng nào bán hết chừng đó. Hiện giá chè ở các vùng trồng ở huyện Thanh Chương đang dao động từ 3.500-4.100 đồng/kg; các vùng khác như Anh Sơn, Con Cuông dao động 3.200 – 3.600 đồng/kg. Với mức giá này, người dân đã bắt đầu có lãi.
Ông Nguyễn Đức Phàn ở thôn 6, xã Hùng Sơn (Anh Sơn) cho biết: “So với vụ chè xuân năm ngoái và đầu vụ năm nay thì giá chè đã nhích lên 500 đồng/kg. Nhưng giá phân bón liên tiếp tăng, giá xăng dầu tăng nên tiền thuê máy thu hoạch cũng tăng, đẩy giá thành sản phẩm tăng theo. Giá chè búp tăng không kịp so với giá cả vật tư. Do đó, người dân vẫn chưa có lãi nhiều. Giá chè đạt mức 3.500 đồng trở lên thì nông dân mới đảm bảo có lãi”.
Dù chưa tăng mạnh, giá chè chưa như kỳ vọng nhưng đó cũng là tín hiệu đáng mừng, giúp người dân yên tâm đầu tư cho cây chè. Cùng với đó, các xưởng chè cũng đã có nhiều hỗ trợ nhằm “chia khó” cùng người dân trong giai đoạn giá chè đang còn nhiều bấp bênh như hiện nay. Cụ thể là hỗ trợ người dân ứng trước tiền vốn để tái đầu tư cho cây chè; lên kế hoạch hỗ trợ tiền dầu để người dân đầu tư tưới chè trong mùa khô hạn sắp tới… Nhiều địa phương phối hợp cùng với các tổ liên kết trồng chè, các cơ sở thu mua, chế biến động viên người trồng bám đồi chăm sóc, thu hoạch; hỗ trợ vốn vay thông qua các kênh ủy thác… để người dân ổn định diện tích chè nguyên liệu, tiếp tục trồng mới diện tích chè.
“Hiện tại, thị trường các nước đang rất khắt khe trong việc nhập khẩu chè khô, nhiều xưởng chè đang thu mua chè búp theo các mức giá khác nhau, theo hướng phân loại chè. Nếu chè chăm sóc theo hướng hữu cơ, đạt các tiêu chí về sạch, an toàn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thấp sẽ thu mua với giá cao; còn chè không đảm bảo chất lượng sẽ không thu mua. Đây là tín hiệu tích cực để người dân chuyển đổi tư duy sản xuất.
Huyện sẽ đồng hành với người dân trong việc xây dựng vùng trồng chè an toàn như: tập huấn quy trình trồng, chăm sóc cây chè theo hướng VietGAP, quy hoạch vùng trồng; phối hợp với các doanh nghiệp, xưởng chế biến tạo đầu ra ổn định cho cây chè VietGAP; tìm kiếm đối tác tiêu thụ, chế biến sâu các sản phẩm từ chè xanh…”, ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Chương cho biết.