(Baonghean) - Nằm trong tốp đầu của tỉnh về công tác phát hành và sử dụng báo Đảng, từ đó nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã áp dụng những cách làm hay từ đọc báo đảng, đặc biệt là báo Nghệ An.  
 
Những cách làm hay
 
Báo cáo từ Bưu điện cho thấy hầu hết các đơn vị đã đặt đủ báo đảng theo quy định, trong đó một số Đảng ủy ngoài việc đặt mua đủ cho các chi bộ, còn trích kinh phí đặt thêm để cấp cho các chức danh, trưởng đầu ngành và các đồng chí Thường vụ như: Đảng bộ Quỳnh Thanh có 5 chi bộ đặt 15 số báo; Quỳnh Tân 21 chi bộ  đặt 29 số báo; Quỳnh Hoa 14 chi bộ đặt 18 số báo; Quỳnh Thọ 10 chi bộ đặt 16 số... Một số Đảng ủy còn hướng dẫn và khuyến khích các bí thư chi bộ thực hiện việc điểm tin tức thời sự từ bản tin nội bộ của Tỉnh và huyện, báo Nghệ An và Tạp chí cộng sản để kỳ sinh hoạt chi bộ hàng tháng dành thời gian 30 phút thông tin cho đảng viên biết. Tiêu biểu như xã Quỳnh Tân, các trưởng ngành đã cập nhật tin tức từ báo đảng, chắt lọc thông tin  những điển hình kinh tế để hướng dẫn cho các hội viên.
 
 
images1441076_raumau.jpgNhờ đọc báo Đảng mà nhân dân Quỳnh Lưu đã bíiết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên cùng đơn vị diện tích.
Chi hội trưởng phụ nữ Hồ Thị Thoa, xóm 14 được cấp một số báo Nghệ An, hàng ngày chị đọc báo, đánh dấu những chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước liên quan đến lợi ích của chị em để đến kỳ sinh hoạt phổ biến. Nhất là những bài viết vì sự tiến bộ của phụ nữ, điển hình về công tác dân số, làm kinh tế giỏi để tuyên truyền cho chị em trong chi hội được biết. Bản thân chị cũng nhờ đọc báo đảng nên đã vận dụng, làm theo những mô hình điển hình trong phát triển kinh tế giỏi báo nêu. Chị đã mạnh dạn bàn bạc với chồng áp dụng cách làm phù hợp để phát triển kinh tế trang trại. Hiện traing trại của chị có rừng keo, ao nuôi cá, hàng trăm con lợn thịt và 2000 con gà thả vườn, tính ra mỗi năm chị lãi ròng khoảng 300 triệu đồng. Không chỉ biết áp dụng cho riêng mình, chị còn hướng dẫn cho chị em cách đầu tư phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của gia đình... Nhờ  vậy đến nay, chi hội của chị có 7 hội viên phụ nữ đã học tập, áp dụng có hiệu quả mô hình phát triển kinh tế  với mức thu nhập xấp xỉ từ 80 - 150 triệu đồng/năm.
 
Cũng như chị Thoa, ông Lê Đức Huệ - Trưởng thú y của xã là người áp dụng và đúc rút cho mình những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế trang trại từ những điển hình ở báo đảng. Trong chuồng luôn có từ 40 - 60 con lợn thịt, 10 con nái và ao cá 3,8 ha với mức thu nhập trên 200 triệu đồng một năm, ông đã đầu tư mua xe ô tô giường năm trị giá 2,6 tỷ cho con trai thứ hai chạy tuyến Quỳnh Lưu - thành phố Hồ Chí Minh. Chia sẻ bí quyết làm kinh tế, ông Huệ cho biết 5 năm làm phó bí thư chi bộ xóm 6, ông được cấp tờ tin của huyện, báo Nghệ An. Không ngày nào ông quên đọc “tài liệu”, thấy mô hình nào hay ông cất riêng để khi có thời gian đọc kỹ hơn. Đặc biệt đối với những bài viết về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản hay các mô hình trang trại tổng hợp lớn ông đều nghiên cứu và áp dụng. Có thâm niên 21 năm là nhân viên kỹ thuật của Trạm giống chăn nuôi huyện, nên khi đầu tư chăn nuôi, ông áp dụng rất thành công. 
 
 
Một góc cánh đồng rau xóm 5, xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu.
Ở xã Quỳnh Hoa báo đảng được xem là tài liệu quý, giúp lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Đơn cử từ tháng 5/2014, xuất hiện một số người lạ ở các xóm 4,5,7, hàng ngày nườm nượp ô tô, xe máy của các cá nhân từ những địa phương khác đến nhà các ông Nh.A, ông L.B, ông C.M ...cùng bàn bạc thảo luận về một tà đạo lạ. Một số bà con nghe theo, sao nhãng công việc gia đình, đồng áng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xóm làng, gây tư tưởng hoang mang trong nhân dân. Qua báo Nghệ An, biết rõ đây chính là tà đạo Thiên long, một tà đạo trái phép đang hoạt động rải rác ở nhiều địa phương mà báo Nghệ An đã vào cuộc, viết loạt bài tuyên truyền. Đảng ủy và chính quyền xã phối hợp của Công an huyện, phòng văn hóa cùng vào cuộc tuyên truyền cho người dân biết về tà đạo này là trái phép, mang tính chất mị dân, bà con cần tỉnh táo không được mù quáng nghe theo. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát giấy tờ khi có người lạ đến không có mục đích rõ ràng, sau 6 tháng từ khi manh nha hoạt động, việc truyền đạo và những hoạt động trái phép đã chấm dứt.
 
Là xã giáo toàn tòng, Đảng ủy xã Quỳnh Thanh xác định công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước phải đặt lên hàng đầu. Đảng ủy mua cấp  báo cho 5 chi bộ, thêm 7 số cho các Thường vụ, Mặt trận, tuyên giáo, các trưởng đoàn thể. Chỉ đạo các chi bộ chắt lọc, tổng hợp thông tin quan trọng để báo cáo trước toàn thể đảng viên trong chi bộ, đặc biệt tuyên truyền hiệu quả các mô hình, điển hình làm kinh tế  giỏi để người dân học tập, làm theo...
 
Kênh tuyên truyền hữu ích
 
Đánh giá công tác phát hành và sử dụng báo đảng trên địa bàn, đồng chí Lê Thành Nhân - Phó Bí thư Thường trực Quỳnh Lưu cho biết: “Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ cơ sở đặt mua và sử dụng báo Nghệ An nói riêng, báo đảng nói chung ở các cơ sở. Phải coi đây là tài liệu để sử dụng trong sinh hoạt theo Chỉ thị 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng thời đưa việc đặt mua và sử dụng báo Nghệ An là một tiêu chí quan trọng để xếp loại thi đua hàng năm. Chỉ đạo Ban Tuyên giáo thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở Đảng ủy các xã, thị trấn, các đoàn thể: Thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân, công đoàn sử dụng báo và bản tin nội bộ của tổ chức mình đến tận các chi hội...Hàng năm tổ chức tổng kết công tác phát hành, sử dụng báo đảng và công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng, khen thưởng những đơn vị làm tốt, phê bình những đơn vị chưa hoàn thành chỉ tiêu được giao...Bên cạnh đó, giao Ban Tuyên giáo phối hợp với Phòng Giáo dục kiểm tra, đôn đốc không để các trường học cắt báo dịp nghỉ hè. Bưu điện huyện thường xuyên cập nhật số liệu để kịp thời chỉ đạo những đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc..., vì vậy không chỉ phát hành tốt, sử dụng có hiệu quả mà Quỳnh Lưu còn là đơn vị có số lượng phát hành ổn định nhất hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Đạm Phương