(Baonghean)-Thời đại công nghệ phát triển, việc sử dụng intenet trở nên phổ biến, ai cũng có thể dễ dàng vào mạng để đọc báo, ai cũng có thể lập trang thông tin cá nhân thì những câu chuyện vỉa hè, chuyện “rỉ tai” càng có điều kiện phát tán nhanh và có xu hướng biến tướng phức tạp.
Nhất là những ngày này, khi càng tới gần Đại hội XII của Đảng, các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết bình phẩm, đưa ra những thông tin nhiễu loạn về vấn đề nhân sự, cùng với đó là nhiều thông tin bịa đặt, tin đồn ác ý, xúc phạm tới cá nhân nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước...
Với cách suy diễn, thủ thuật cắt ghép tư liệu, hình ảnh gắn với tên tuổi vị cán bộ hưu trí này, đảng viên lão thành kia, rồi còn chi tiết cả các cuộc điện thoại, tin nhắn đến từng phút, từng giây… để chứng tỏ chuyện mình viết là chính xác, những thông tin kiểu này đã đánh đúng vào tâm lý hiếu kỳ của những người ngồi không rỗi việc, khiến họ như lạc vào mê hồn trận thông tin, rồi vô tình trở thành cái loa tuyên truyền cho những kẻ có ý đồ xấu.
Lâu nay, nhiều người cho rằng thông tin trên mạng xã hội là không chính thống, nên không quan tâm, không chấp, không tranh luận. Nhưng bây giờ, quan niệm ấy có lẽ đã không còn phù hợp. Bởi những thông tin liên quan đến cá nhân một vị lãnh đạo cấp cao nào đó luôn là vấn đề rất nhạy cảm, luôn được mọi người quan tâm. Thực tế cho thấy, dù là thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt nhưng không thể phủ nhận rằng tình trạng này đang tác động rất lớn tới thái độ, tình cảm, niềm tin của không ít người dân. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, giải quyết đến nơi đến chốn thì những thông tin độc hại, ác ý kiểu này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, gây tâm lý hoài nghi trong xã hội.
Thông tin xấu, thông tin độc hại cần phải được ngăn chặn. Cần chặn thông tin độc hại ngay trong ý thức của mỗi người, thông qua việc tự trang bị cho mình kiến thức để phân biệt thật giả, đúng sai, để không mắc phải âm mưu của các thế lực thù địch và phần tử xấu.
Về phía cơ quan chức năng, cần chủ động đối diện với từng luồng thông tin để có biện pháp ứng phó kịp thời. Nếu đó là những thông tin bịa đặt, vu khống thì cần phải cương quyết xử lý, bác bỏ.
Mặt khác, trong khi những thông tin bịa đặt, xuyên tạc trên các trang mạng xã hội được chia sẻ tràn lan mà chúng ta lại không có bất cứ một thông tin phản bác lại, hoặc nói rõ đúng sai, thì mặc nhiên chúng ta đã bỏ mặc trận địa cho cái xấu hoành hành. Vì vậy, rất cần các cơ quan hữu quan chủ động cung cấp thông tin đầy đủ; cần những thông tin chuẩn xác từ phía cơ quan chức năng để các trang mạng xã hội lành mạnh ở Việt Nam và các cơ quan báo chí lấy đó làm căn cứ đối thoại, làm rõ trắng đen, phản bác những thông tin xuyên tạc, sai sự thật, giúp người dân có đủ thông tin, có ý thức để bảo vệ sự thật, giữ vững niềm tin cho mình.
Cùng với quyền được thông tin, công dân còn có quyền được sống trong một môi trường thông tin lành mạnh. Thế trận lòng dân là đỉnh cao của nghệ thuật giữ nước. Nghệ thuật ấy cần được tiếp tục phát huy mạnh mẽ để Đảng mãi mãi là Đảng của dân, vì nước, vì dân tận tâm phục vụ!
Vân Thiêng