Kết nối nhận thức và hành động, tạo đồng thuận xã hội
Từ tháng 2 năm 2020, huyện Quế Phong đã hoàn thành việc điều chỉnh địa giới hành chính. Theo đó, thị trấn Kim Sơn được mở rộng địa giới hành chính với việc sáp nhập 11/16 bản thuộc xã Mường Nọc và 2 bản thuộc xã Tiền Phong. 5 bản còn lại của xã Mường Nọc là: Luống, Ná Phí, Đỏn Chám, Ná Phày, Mướng Mừng và một phần của bản Na Ngá được nhập vào xã Quế Sơn thành xã Mường Nọc. Việc sáp nhập diễn ra thuận lợi nhờ công tác tuyên truyền đi trước một bước, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Nhất là ở xã Quế Sơn, thời điểm sáp nhập thì cấp ủy, chính quyền và người dân vừa làm lễ đón nhận xã nông thôn mới được 1 tháng và đây cũng là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Quế Phong.
Nay nhập vào 5 bản của xã Mường Nọc thì Quế Sơn sẽ không còn tên và phải tiếp tục xây dựng lại nông thôn mới, vì đây đều là 5 bản khó khăn. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tư tưởng thông qua đội ngũ TTV ở các thôn, bản, nhân dân các dân tộc trên địa bàn đồng sức, đồng lòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền tiếp tục xây dựng nông thôn mới.
Là địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn, cấp ủy, chính quyền xã Thông Thụ cũng rất chú trọng đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về ý thức chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của địa phương, quy ước, hương ước thôn bản. Bởi như Bí thư Đảng ủy Thông Thụ Lương Ngọc Huân chia sẻ thì “có nhận thức tốt mới có hành động tốt”. Cùng với “dân vận khéo”, đội ngũ TTV nòng cốt cũng được quan tâm, xây dựng. Hiện, ngoài đồng chí Bí thư Đảng ủy là báo cáo viên cấp huyện, trên địa bàn có 13 TTV, trong đó có 8 TTV ở các chi bộ thôn, bản đều là những người có uy tín, trách nhiệm, có kỹ năng tuyên truyền miệng.
Như ông Quang Thanh Hoài - Bí thư Chi bộ bản Mường Phú, người có đóng góp lớn trong tuyên truyền nâng cao nhận thức, thực hiện công tác đối ngoại, kết nghĩa với người dân bản bên kia biên giới. Theo đó, bản Mường Phú kết nghĩa với bản Nậm Táy (thuộc cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ) của nước bạn Lào từ năm 2013 và duy trì tốt mối quan hệ cho đến nay.
Hằng năm, chính quyền và nhân dân hai bên ký kết thực hiện tốt quy chế biên giới và thường xuyên giao lưu qua lại trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị tạo sự ổn định về chính trị xã hội. Không chỉ riêng đối ngoại nhân dân, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, những năm gần đây, Thông Thụ có chuyển biến tốt trên nhiều lĩnh vực, nhất là nuôi trồng thủy sản. Hiện toàn xã có 90 lồng cá phát huy hiệu quả ở lòng hồ Thủy điện Hủa Na. Tổng sản lượng đánh bắt cá lòng hồ năm 2019 ước đạt khoảng 80 - 85 tấn, tăng nguồn thu nhập đáng kể cho nhân dân.
Quế Phong là huyện nghèo, trình độ dân trí không đồng đều, thu nhập thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn (tỷ lệ hộ nghèo còn 29,49%); cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tuyên truyền ở cơ sở vẫn chưa thực sự đảm bảo. Những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn đã quan tâm ban hành nhiều chủ trương, giải pháp đối với công tác tuyên truyền miệng. Nhờ vậy, hoạt động của đội ngũ BCV, TTV từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
Nhờ đó, nhiều chủ trương, đề án lớn của huyện đã đi vào hiệu quả như Đề án Sản xuất một số loại nông sản hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn, trong đó có việc triển khai vùng sản xuất lúa chất lượng cao với mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo thơm Japonica thành một sản phẩm mang tính vùng miền, đặc sản của địa phương; Đề án trồng chè hoa vàng - cây dược liệu tự nhiên cho giá trị kinh tế cao; mô hình chanh leo ở xã Tri Lễ và ở một số xã khác; vùng sản xuất rau, củ, quả tại các xã Châu Kim, Mường Nọc, Tiền Phong, Châu Thôn, Quang Phong, Hạnh Dịch, Đồng Văn, Thông Thụ...
Nâng chất lượng theo hướng tinh, gọn
Để kiện toàn, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, từ năm 2016, Huyện ủy Quế Phong đã ban hành Đề án 02 ĐA/HU về “tăng cường đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ BCV, TTV giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo” với 3 nhóm, 22 chỉ tiêu cơ bản. Qua hơn 4 năm thực hiện đã tạo ra những chuyển biến tích cực.
Ngoài thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động BCV, TTV tại cơ sở; tổ chức các Hội thi BCV, TTV giỏi các cấp để lựa chọn nhân tố nòng cốt. Huyện chú trọng đến các giải pháp bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ BCV, TTV.
Từ năm 2016 năm 2019 đã mở được 300 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, quản lý nhà nước với 23.810 lượt người tham gia. Cấp ủy các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho BCV, TTV về trang thiết bị, các loại báo chí cần thiết, các tài liệu tuyên truyền có tính chuyên đề của Trung ương, của tỉnh và huyện nhằm phục vụ tốt công tác tuyên truyền, đưa thông tin về cơ sở. Chế độ chính sách cho báo cáo viên, tuyên truyền viên cũng được thực hiện nghiêm túc theo quy định.
Nhìn chung, đội ngũ BCV, TTV đã được củng cố, kiện toàn đảm bảo về cơ cấu, số lượng và chất lượng ngày càng được nâng lên. Năm 2019 có 198/437 người xếp loại khá, giỏi, tăng 12,4% so với năm 2016. Nội dung, phương thức tuyên truyền của BCV, TTV được đổi mới theo hướng nhanh, nhạy, bám sát tình hình thực tế ở cơ sở; tăng cường công tác trao đổi, đối thoại giữa BCV với cán bộ, đảng viên và nhân dân; quan tâm việc tiếp nhận thông tin nhiều chiều từ dưới lên, từ trên xuống và ứng dụng công nghệ thông tin, máy chiếu phục vụ công tác tuyên truyền.
Mặt khác, để làm phong phú thêm nội dung tại hội nghị BCV, ngoài thông tin thời sự, BTV Huyện ủy đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện tham gia tuyên truyền kết quả hoạt động của các ngành, lĩnh vực, các chủ trương, chính sách mới... Định kỳ, Thường trực Huyện ủy trực tiếp báo cáo chuyên đề về tình hình phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng của huyện. Từ năm 2016 đến nay, có 177 chuyên đề được báo cáo tại hội nghị báo cáo viên cấp huyện.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Ngọc Quế - Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Quế Phong: Việc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng được đổi mới theo hướng lựa chọn nội dung và hình thức phù hợp sát với từng nhóm đối tượng. Cụ thể, huyện đã triển khai việc học tập theo các khối (đảng, đoàn thể; khối kinh tế; khối văn hóa và nội chính) giao trách nhiệm cho ủy viên BTV Huyện ủy phụ trách trực tiếp quán triệt.
Đối với các xã, thị trấn, ngoài hình thức tập trung, còn triển khai học tập theo cụm Chi bộ; chủ động mời báo cáo viên cấp huyện về quán triệt nghị quyết. Nhiều địa phương, đơn vị số lượng đảng viên, cán bộ tham gia học tập, quán triệt nghị quyết chiếm tỷ lệ rất cao (đạt 96,8%). Một số đơn vị cơ sở đã duy trì được hội nghị báo cáo viên cấp cơ sở mỗi tháng 01 lần, có chất lượng như các Đảng bộ: Thị trấn Kim Sơn, Thông Thụ, Đồng Văn, Mường Nọc, Cắm Muộn...
Tuy nhiên, trong 22 chỉ tiêu cơ bản của Đề án 02, hiện vẫn còn 07 chỉ tiêu chưa đạt, trong đó có chỉ tiêu trình độ LLCT cao cấp của BCV cấp huyện, ngành, đoàn thể, cơ sở; trình độ chuyên môn Đại học của BCV cơ sở, số lượng kỳ sinh hoạt của CLB thời sự cấp huyện chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, năng lực, phương pháp công tác của một bộ phận BCV, TTV còn hạn chế. Chất lượng hoạt động tuyên truyền miệng ở một số cơ sở chưa cao. Công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, thông tin, dư luận xã hội của BCV, TTV, các cộng tác viên dư luận xã hội có lúc chưa kịp thời...
Do vậy, Huyện ủy Quế Phong xác định: Các cấp ủy đảng, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm xây dựng, quản lý và chỉ đạo hoạt động của đội ngũ BCV, TTV của đơn vị, địa phương, ngành mình. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này theo hướng tinh, gọn nhằm phát huy vai trò “cầu nối” giữa ý Đảng và lòng dân, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương./.