Các nhà thiên văn học đã phát hiện một "vòng lửa" bí ẩn trong không gian nhờ thuyết tương đối của thiên tài vật lý Albert Einstein.
Vòng lửa tọa lạc cách Trái đất 12 tỉ năm ánh sáng, là ảo ảnh do sự sắp thẳng hàng ngẫu nhiên của 2 thiên hà xa xôi tạo ra. Theo các chuyên gia, cấu trúc hình tròn ấn tượng này là một biểu lộ hiếm gặp của hiện tượng thấu kính hấp dẫn mà Albert Einstein đã phỏng đoán trong thuyết tương đối chung của ông.
Giả thuyết của Einstein cho rằng, các ảnh hưởng của lực hấp dẫn của thiên hà gần hơn sẽ uốn cong ánh sáng của thiên hà xa hơn. Kính viễn vọng không gian Alma ở Chile đã có thể ghi lại được tác động này trong các bức ảnh có độ phân giải cao nhất của đài thiên văn, thông qua quan sát ánh sáng tương đối rực rỡ do bụi vũ trụ phát tỏa trong thiên hà xa xôi.
Trong trường hợp đặc biệt trên, thiên hà có tên gọi SDP.81 và một thiên hà tác động đã xếp thẳng hàng hoàn hảo tới mức ánh sáng từ thiên hà xa hơn hình thành một vòng tròn gần như hoàn hảo, nếu nhìn từ Trái đất.
SDP.81 do đài quan sát không gian Herschel phát hiện và là một thiên hà hình thành sao đang hoạt động ở cách xa hành tinh chúng ta gần 12 tỉ năm ánh sáng. Nó chịu ảnh hưởng thấu kính của một thiên hà to lớn, cách xa gần 4 tỉ năm ánh sáng.
"Hiện tượng thấu kính hấp dẫn được sử dụng trong thiên văn học để nghiên cứu vũ trụ thuở sơ khai, ở rất xa, vì nó tăng sức mạnh cho các kính viễn vọng không gian của chúng ta một cách ấn tượng. Với mức độ chi tiết ấn tượng trong những bức ảnh mới của Alma, các nhà thiên văn học hiện sẽ có thể tập hợp các thông tin chứa đựng trong hình ảnh bị bóp méo thành vòng tròn lửa như chúng ta thấy và phục dựng hình ảnh chân thực của thiên hà xa xôi", nhà khoa học Catherine Vlahakis, phó phụ trách chương trình Alma nói.
Theo Daily Mail