Từ ngày 1/7/2015, Luật Giáo dục nghề nghiệp (tên gọi chính thức của Luật Dạy nghề sửa đổi) có hiệu lực sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường nghề. Trước hết, luật cho phép học sinh tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề có thể thi liên thông ngay lên cao đẳng, đại học. Người tốt nghiệp cao đẳng được công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành. Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng đưa ra nhiều hình thức thu hút học nghề đối với những người tốt nghiệp THCS như: đổi mới thời gian đào tạo trung cấp, chỉ còn từ 1 đến 2 năm và không phải học văn hóa THPT; những kiến thức, kỹ năng mà người học tích lũy được trong quá trình học tập sẽ được công nhận mà không phải học lại như trước đây. Người học chỉ học văn hóa nếu có nhu cầu học liên thông lên cao đẳng, đại học. Luật cũng quy định nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút người học như miễn 100% học phí cho các đối tượng chính sách xã hội, tốt nghiệp THCS học trình độ trung cấp, những người học nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có yêu cầu, những nghề đặc thù… Bên cạnh đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng đòi hỏi các trường cao đẳng nghề đổi mới về chương trình đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tự chủ xây dựng chương trình đào tạo dựa trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề. Điều này sẽ tạo điều kiện để các trường cao đẳng nghề mạnh dạn áp dụng các chương trình đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia phù hợp với nhu cầu việc làm tại địa phương. |
Cơ hội cho các trường dạy nghề
(Baonghean) - Thời gian qua, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng việc thực hiện phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT vào học nghề vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Thực tế tuyển sinh đào tạo nghề của các trường trên địa bàn tỉnh cho thấy, chỉ có khoảng 2 - 3% học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề và phần lớn học sinh THPT xem các trường nghề là sự lựa chọn “bất đắc dĩ”…
Trầy trật phân luồng
Là con út trong một gia đình công chức khá giả ở TP. Vinh, năm 2012, Hồ Trường An (SN 1994) tốt nghiệp THPT không thi đại học mà lựa chọn đăng ký lớp học bếp trưởng điều hành tại một trường dạy nghề ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, Trường An đã trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau và nhờ khẳng định được năng lực của mình, An được mời về làm bếp trưởng của We Pub - nhà hàng - Bar mang phong cách Âu đầu tiên tại Thành phố Vinh.
Tuy nhiên, số học sinh tốt nghiệp THPT chủ động lựa chọn học nghề như Hồ Trường An không nhiều. Hầu hết, các trường nghề thường tuyển học viên sau mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng, nghĩa là chỉ tuyển được những người… trượt đại học.
Có một số em sau một thời gian học đại học cảm thấy ngành nghề mình lựa chọn không phù hợp với năng lực hoặc khó có cơ hội tìm kiếm việc làm nên chuyển sang học nghề. Như trường hợp Nguyễn Thị Loan (SN 1995, trú tại xã Nghi Đức, TP. Vinh) - cựu học sinh trường THPT Lê Viết Thuật (TP. Vinh) thi vào Khoa Sử Đại học Vinh và đậu Thủ khoa. Sau một học kỳ, Loan chuyển sang học nghề Nhà hàng tại Trường Cao đẳng nghề Du lịch - Thương mại Nghệ An. Loan cho biết: “Học sư phạm một thời gian, em mới nhận ra cơ hội để mình tìm được một công việc phù hợp sau khi ra trường là rất thấp nên em mới chuyển sang học nghề. Nếu như được hướng nghiệp từ trước thì đã có sự lựa chọn phù hợp, đỡ mất công và chi phí thi đại học”.
Từ những tâm sự của Hồ Trường An, Nguyễn Thị Loan, có thể thấy công tác phân luồng học sinh hiện nay còn có nhiều bất cập. Có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng vẫn là nhận thức của gia đình, xã hội và học sinh về vai trò của học nghề chưa thấu đáo. Bên cạnh đó, những bất cập trong công tác đào tạo nghề hiện nay cũng dẫn đến việc phân luồng học sinh vào học nghề gặp không ít khó khăn. “Kế hoạch tuyển sinh của các trường còn thụ động, thiếu sáng tạo. Các trường thiếu thầy giỏi, chậm đưa nghề mới vào giảng dạy...; và đặc biệt là Luật Dạy nghề được ban hành năm 2006 cùng những chính sách ưu đãi về đào tạo nghề của Trung ương và của tỉnh đã lạc hậu. Do đó, ngoài việc xây dựng, đổi mới chương trình giáo dục hướng nghiệp cho các trường phổ thông phù hợp để các em có nhận thức đầy đủ về việc chọn nghề phù hợp thì cũng cần có những chính sách đảm bảo về việc làm, cơ hội thăng tiến, khả năng tiếp tục học cao lên cho các em” - ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định.
Cơ hội cho các trường nghề
Theo số liệu khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo vào cuối tháng 3 vừa qua cho thấy, khoảng hơn 11.500 học sinh khối 12 (chiếm khoảng 35%) đăng ký dự thi THPT Quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp, và con số này có thể còn tăng lên. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều hơn những học sinh chủ động chọn trường nghề làm đích đến tiếp theo sau 12 năm học phổ thông.
Là một trong những trường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn đầu tư trọng điểm, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc hiện đào tạo 11 nghề khác nhau, trong đó có các nghề đang được đầu tư đạt chuẩn cấp độ ASEAN và quốc tế như: Điện tử công nghiệp, Cơ khí chế tạo, Công nghệ hàn, Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí... Trường có mối liên hệ khăng khít với doanh nghiệp, ký kết đào tạo với nhiều công ty như Fomusa Hà Tĩnh và một số tập đoàn như Samsung, Hyundai…
Thầy Nguyễn Duy Nam - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc cho biết: “Vài năm gần đây, một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đặt quan hệ liên kết đào tạo và tuyển dụng nhân sự nhưng số lượng sinh viên hàng năm ra trường không đáp ứng đủ. Với những quy định mới của Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ khuyến khích học sinh vào trường nghề và nhà trường đã sẵn sàng để áp dụng những điểm mới của Luật Giáo dục nghề nghiệp khi luật này chính thức có hiệu lực; đồng thời tăng cường quảng bá về trường trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thời gian tới, trường sẽ phối hợp với các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp xây dựng trường giai đoạn 2012 -2020 có tổng giá trị 7,6 triệu USD do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ để tăng quy mô và chất lượng đào tạo”.
Trước mùa tuyển sinh năm nay, Trường Đại học Công nghiệp Vinh tổ chức một cuộc hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực, tập trung trao đổi các vấn đề về đào tạo để làm sao công tác đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong nước cũng như nhu cầu thực tế của địa phương. Bắt đầu từ năm học này, trường sẽ tập trung một phần lớn để đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp và hiện đã ký kết với nhiều đơn vị như: Tổng công ty 28 - Bộ Quốc phòng, Khách sạn Mường Thanh Sông Lam, Tập đoàn Tin học Hồng Cơ, Công ty dịch vụ trò chơi giải trí Thỏ Trắng, Công ty thiết bị PCCC, Viện Công nghệ và Kinh tế năng lượng…
Gắn đào tạo với nhu cầu xã hội
Để thu hút học sinh sau khi tốt nghiệp THPT vào các trường nghề thì các trường dạy nghề cần đổi mới về cơ cấu đào tạo, trong đó tập trung đổi mới về ngành nghề, gắn đào tạo với nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu của xã hội. Thực tế cho thấy, hiện hệ thống trường cao đẳng nghề, trường nghề ở Nghệ An có đến hơn 60 trường, nhưng ngành nghề đào tạo còn chồng chéo khá nhiều. Ngược lại, một số nghề đang có nhiều triển vọng phát triển lâu dài, gắn với điều kiện của địa phương như nghề mộc, nghề thủ công mỹ nghệ, nghề chế biến đá lại không có giáo viên, không tuyển được học sinh. Bên cạnh đó, cũng cần phân khúc đào tạo, trường cao đẳng thì chỉ tập trung đào tạo cao đẳng nghề, trường trung cấp thì nên đào tạo hệ trung cấp để chuyên sâu vào chất lượng, không tuyển sinh ồ ạt, không chạy theo số lượng…
Theo dự báo, hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ với tốc độ khá nhanh, nhu cầu xây dựng tăng nhanh, do đó phát triển các ngành như Hàn cốt thép, Điện công nghiệp, Cơ điện tử… sẽ tạo điều kiện cho học sinh dễ tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Bên cạnh đó, là tỉnh có diện tích rừng lớn, độ che phủ rừng hơn 46% cung cấp nguồn gỗ dồi dào, tuy nhiên ngành chế biến gỗ còn nhiều hạn chế, nhất là chế biến gỗ cao cấp, do đó, cần phát triển nghề các nghề mộc, điêu khắc gỗ. Một trong những hướng đi mới nữa mà tỉnh đang rất mong muốn các trường nghề chú trọng đào tạo, đó là phát triển nghề nông nghiệp theo hướng công nghiệp cao để tập trung đưa kỹ thuật, giống cây trồng, công nghệ vào phát triển khu vực miền Tây của tỉnh. Ngoài ra cũng cần phát triển những nghề có nhiều cơ hội việc làm, đem lại thu nhập tốt hiện nay như: Nấu ăn, Quản trị du lịch, Lái tàu biển, Thủy thủ tàu, Kỹ thuật máy nông nghiệp…
Bà Hồ Thị Châu Loan - Trưởng phòng Đào tạo nghề - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội bày tỏ quan điểm: “Mỗi trường nghề cần phải nỗ lực chuyển biến trong đào tạo để thu hút học sinh; phải chủ động tiếp cận học viên bằng cách tăng cường tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh, gửi thông báo tuyển sinh về các địa phương, các trường THPT và không chỉ đợi đến mùa tuyển sinh mới bắt đầu các hoạt động trên mà phải làm thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, các trường cũng cần phối hợp với các doanh nghiệp để tổ chức ngày hội việc làm, vừa tạo thêm cơ hội tìm việc cho học viên, vừa mở rộng thêm một “kênh” giới thiệu về trường qua thông tin đánh giá từ phía đơn vị sử dụng lao động”.
Minh Quân - Mỹ Hà