Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy một ngôi sao lùn đỏ từng lướt qua hệ Mặt Trời cách đây 70.000 năm ở khoảng cách gần.
 
images1132709_3.jpgMô phỏng ngôi sao lùn đỏ từng bay qua hệ Mặt Trời cách đây 70.000 năm. Ảnh: University of Rochester
 
Ngôi sao này có tên WISE J072003.20-084651.2, hay Scholz. Nó hiện cách chúng ta khoảng 20 năm ánh sáng, thuộc chòm sao Monoceros (Kỳ Lân).
 
Theo nhóm chuyên gia Đại học Rochester, nó cùng "bạn đồng hành" là một ngôi sao lùn nâu lướt qua Mặt Trời cách đây 70.000 năm, di chuyển qua các sao chổi ở vòng ngoài của đám mây Oort (bao quanh hệ Mặt Trời). Ngôi sao xuất hiện ở khoảng cách 0,8 năm ánh sáng, vị trí tiếp cận gần nhất mà giới khoa học từng ghi nhận.
 
"Các phép đo vận tốc xuyên tâm cho thấy nó dường như đã chạy ra từ vùng lân cận của Mặt Trời. Chúng tôi nhận thấy rằng trước đây, ngôi sao này chắc hẳn từng bay qua rất gần", NBC News dẫn lời Eric Mamajek, người đứng đầu nghiên cứu, nói.
 
Scholz được cho là rất mờ nhạt nên không quan sát được bằng mắt thường từ Trái Đất. Tuy nhiên theo Mamajek cùng cộng sự, tổ tiên của loài người ở châu Phi có thể từng nhìn thấy hiện tượng tóe lửa do từ trường gây ra.
 
Các nhà khoa học quan tâm đến quỹ đạo của ngôi sao sau khi phát hiện nó di chuyển với tốc độ cao. Họ tính toán chuyển động tương đối cuả Scholz dựa trên kết quả quan sát từ kính thiên văn đặt tại Nam Phi và Chile.
 
 
Theo VnExpress