(Baonghean.vn) - Tôi  xin bắt đầu bài viết này bằng câu chuyện của những trò nhỏ trường Phan, Phan Bội Châu, nơi cất lời cho bài hát in dấu của không chỉ một thế hệ học trò "Trường Năng khiếu Phan Bội Châu, tung đàn chim âu bay xa...". 
 
 
Theo lệ xưa, nếp cũ thì "Mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy. Cụm từ gói gọn ba ngày tết thiêng liêng nhất dành để cho 3 người trân quý, quan trọng nhất trong đời mỗi người. Ngày mồng Một Tết - ngày đầu tiên của một năm mới, một mùa Xuân mới - thì ở nhà cha lo thắp nén tâm nhang trên ban thờ gia tiên, tưởng nhớ các bậc tiên liệt của gia tộc. Và cùng với đó, thưa câu chúc tụng sức khỏe và mọi sự an lành tới ông bà, cha mẹ, người mang nặng đẻ đau, sinh thành ra mình. Việc phải làm ý nghĩa nhất của ngày mồng một Tết là thế. Ngày mùng Hai diễn ra ở bên nhà ngoại. Có cha (có bên nội) phải có mẹ (có bên ngoại) thì mới có cuộc đời mình, đó là cái lẽ tất yếu của tự nhiên. 
 
Còn "Mồng Ba tết thầy" dành riêng cho những người đã nâng đôi cánh cho mình từ thủa còn trứng nước, đặng cứng cáp dần mà tự bay cao, bay xa tìm lẽ sống cho riêng mình. Ơn nghĩa đấng sinh thành, nguồn cội rưng rưng là điều đành lẽ, lòng tri ân với bậc dạy làm người, vì vậy cũng đâu thể lãng quên. Nét đẹp hồn Việt xưa tự ngàn năm đã định vậy, và đó cùng là điều để hun đúc sức trường tồn cho dân tộc qua thăng trầm bất biến thời gian.
 
Còn nhớ lần đầu tiên khi tôi được mẹ đưa đi "Tết thầy", khi ấy tôi mới học tiểu học. Chiều mùng Ba Tết mẹ mặc cho tôi bộ quần áo mới, rồi tự tay dẫn đến tận nhà thầy học của tôi... Còn lễ vật mà mẹ tôi mang theo để dâng kính thầy thì chẳng có gì là cao sang hay giá trị về vật chất là mấy cả. Lễ thầy thuở ấy hoàn toàn vô tư, trong trẻo lắm. Đó là một nải chuối chín vàng ươm mà tôi dâng nặng trĩu đôi tay.
 
Ngược lên hướng đường QL48, gặp thầy Trần Bá Dương (GV môn Thể dục tại trường THCS xã Tiền Phong) huyện miền núi Quế Phong. Thầy bảo "Tết năm nay, trường đã cố gắng đảm bảo cho các trò người Mông, người Thái một mùa Xuân Ất Mùi an vui. Mỗi em đều có chiếc bánh chưng ăn Tết, thầy cô ấm lòng anh ạ!". Tận cùng đường QL7A, Thầy Nguyễn Công Danh - Hiệu trưởng trường PTDT bán trú Nậm Típ (Kỳ Sơn) trò chuyện " Năm nay, cơ bản các học trò người Mông, người Thái đã có chế độ ăn Tết, học hành. Gia đình tôi, vì thế cũng vui lây". 
images1132991_5.jpgThăm thầy Nguyễn Hoàng Thảo, giáo viên trường THPT Phan Bội Châu
 
Trở lại trường tôi, mái trường Phan lặng lẽ và khiêm nhường. Nhưng  nơi chốn nhỏ này, nhiều thế hệ đã cất cánh bay cao. Tôi nhớ, trường cũ gắn cùng các thầy cô xưa. Cô Đinh Thị Ngọc Việt, (hôm gặp lại nhân dịp 40 năm của trường), cô nói " Em không đến nhận gạo cho cô nữa à?". Ngày đó, cô Việt làm ở bộ phận cấp dưỡng. Cô nhắc lại, mà đã gần 30 năm rồi cô ạ!. Lòng trò chùng lại, không biết nói sao. Nhớ ơi là nhớ, mái trường của chúng em.
 
 
Thăm thầy Nguyễn Cảnh Củng, giáo viên trường THPT Phan Bội Châu
 
 
Rồi những thầy cô thân thiết dấu yêu của chúng em đã bảo ban, răn dạy để chúng em lớn dậy thành hôm nay. Trò còn nhớ thầy Lê Đức Kiêm, người cho chúng em biết về môn Sử, đã dắt tay dẫn em ra tận vườn hoa Tam Giác. Hai thầy trò ngồi bên vòi phun nước. Thầy kể : "Em à! Vinh xưa, hào hoa mà quyến rũ lắm. Vinh có những con đường nhỏ chạy lan man như hoài niệm. Thầy nhớ, Vinh hồi đó có những ông cu - lít (cảnh sát công lộ), lững thững đi bởi không có việc để làm. Hồi đó, Vinh đơn sơ mà quyến rũ. Vinh một thời gọn gàng, phong quang, ngăn nắp lắm. Tuy nhỏ thôi, nhưng thành phố cũng đã có dáng nét hiện đại, văn minh, trên vỉa hè không có hàng quán lấn chiếm, đường sá thảnh thơi trong tiếng nhạc ngựa kính coong. Chiều chiều nắng nhạt, các cô tiểu thư áo dài tân thời cổ cao, tay xách ví đầm thướt tha trên hè phố bên mấy chàng trai tập quyền Anh ngực nở, đầu bốc hoặc bên mấy cậu tú, cậu cử nho nhã. Họ đi nhẹ nhàng, nói năng nhỏ nhẹ, lịch sự. Thi thoảng có cô cậu trích một vài câu văn hay nào đó của nhà văn Pháp thay cho ý nghĩ “khó diễn và kín đáo” của mình với bạn đi cùng. Vinh ngày ấy chỉ có dăm ba cái ô tô, xe đạp chỉ tính số chục, xe môtô thì hầu như vắng bóng. Đấy là Vinh ngày ấy. Còn Vinh hôm nay, như Bác Hồ đã dặn là phải “gấp mười ngày nay” (năm 1966). Ta đã làm như Bác bảo, nhưng mới chỉ to, rộng, chưa thực sự được văn minh, trật tự như Bác muốn.
 
Đại lộ Quang Trung đã rộng gấp cả chục lần so với đường Maréchall Foch xa xưa, đã có nhiều khách sạn cao tầng, lắm sao. Hàng hoá tràn ngập, đầy đủ, từ cái kẹo cuđơ truyền thống đến những salon ôtô đời mới bóng lộn. Người dân thành Vinh đã chạy những chiếc xe trị giá hàng trăm ngàn Mỹ kim. Quảng trường, vườn hoa cũng đã mọc lên làm Vinh thêm hiện đại, chuyện này cũng chưa có trong giấc mơ của các vị thượng thư một thủa, ngay với các quan Tây cũng chỉ là ảo vọng. Tuy vậy cũng thành thật mà nói thì đại lộ Quang Trung bây giờ còn thiếu nhiều cây xanh cho một thành phố nhiều gió, lắm nắng. Hình như ngày Bác Hồ về thăm quê cũng đã ân cần dặn kỹ điều này, và Bác còn gửi cả hạt giống cây xanh về cho thành phố nữa thì phải. Thế mà Đại lộ Quang Trung nói riêng và Vinh nói chung vẫn thiều nhiều bóng mát cho khách nghèo đi bộ. Ai đi xuyên Việt cũng hầu hết đều qua Quang Trung, đường phố chính, một phần bộ mặt thành Vinh hôm nay".
 
Lời thầy Lê Đức Kiêm, em giữ như là một mối tình, mối tình của trò với thầy. Em nhớ, thầy xách nước lên cho cô Diệp gội đầu, vất vả bao nhiêu, thầy ơi!. Thầy Hoành, phụ trách môn Văn của chúng em. Có hôm thầy bị đau đầu, các trò  hôm đấy được nghỉ. Mà thầy ôm đầu vì đau, bây giờ, qua gần 30 năm mới biết. Thầy ơi! Trò cùng các  bạn xin tạ lỗi cùng. Thầy kể " Tớ mất chiếc dép, ai đi tìm cho tớ với"?. Lớp trưởng Tôn Mạnh cùng bí thư Đoàn Thanh niên Tôn Nữ Lan Oanh tìm không được thầy ạ. Thầy đau đầu, lũ trò nhỏ cũng chỉ biết lặng yên.
 
Trên facebook tôi còn đọc được chương trình của trò trường Phan. Chương trình ấy mang một cái tên xúc động, thực sự xúc động, là "Chuyến tàu về tuổi thơ". Theo đó, nickname Nguyễn Thanh Sơn đã viết "Chuyến tàu Tuổi thơ số 1. Chuyến Tết Ất Mùi: " Nối toa, tiếp nhiên liệu ta cùng về quê ăn Tết, cùng ghé thăm các thầy cô giáo cũ khắp mọi miền đất nước...để báo cáo thành tích với thầy cô, để thăm hỏi động viên và góp chút niềm vui cho người già, lại cũng để học thêm những điều thầy cô chưa kịp dạy". 
 
 
Mang cùng niềm vui đó, chúng tôi đi trên những dặm dài. Tổ quốc vào Xuân! 
 
 
Công Mạnh