(Baonghean) - Hành tinh Đỏ chưa bao giờ khiến con người hết ngạc nhiên. Mới đây, trong một ẩn phẩm được công bố trên Tạp chí Science, các nhà khoa học của NASA cho biết, cách đây rất lâu, sao Hỏa từng tồn tại một đại dương rộng tương đương với Bắc Cực.
Từ lâu, các nhà khoa học vẫn luôn tin rằng sao Hỏa từng là một hành tinh ẩm ướt khi mới hình thành. Bề mặt của sao Hỏa lúc ấy có những khu vực chứa nước với độ sâu lên đến 137m. Tuy nhiên, có vẻ như những nghiên cứu gần đây còn khiến nhiều người ngạc nhiên hơn khi biết hành tinh Đỏ từng tồn tại một đại dương bao phủ gần một nửa bán cầu bắc với những nơi có mực nước sâu đến tận 1,6 km. Dựa trên cấu tạo địa chất ở khu vực bán cầu Bắc ở sao Hỏa, các nhà khoa học cho rằng khu vực này là nơi thích hợp nhất để đại dương từng tồn tại. Theo tính toán, đại dương này chiếm đến 19% bề mặt hành tinh tức lớn hơn Đại Tây Dương – đại dương lớn thứ 2 và chiếm 17% bề mặt Trái Đất.
Bằng cách sử dụng kính viễn vọng Keck 2 với kính hồng ngoại của NASA đặt ở Hawaii và một kính thiên văn khuếch đại của châu ÂU ESO đặt tại Chile, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu phân tích 2 hình thức nước khác nhau có trên sao Hỏa gồm: nước thường (H2O) và nước nặng (D2O). Nhờ việc so sánh tỷ lệ nước nặng có trong nước thường, các nhà khoa học đã tính ra được lượng nước biến mất khỏi hành tinh Đỏ. Được biết, công việc này tiến hành liên tục trong 6 năm trong đó có 3 năm thực hiện trên sao Hỏa.
Mặc dù hiện nay, bề mặt sao Hỏa chỉ còn là một sa mạc rộng lớn nhưng các nhà khoa học vẫn đặc biệt quan tân đến khu vực gần các cực – nơi được cho là tìm thấy các hồ nước lớn nhất ở hành tinh Đỏ. Các nhà khoa học tin rằng, hiện ở khu vực này vẫn tồn tại nước nhưng chúng đang tồn tại dưới dạng băng. Ông Michael Mumma – một nhà khoa học của Trung tâm Goddard của NASA và cũng là đồng tác giả của nghiên cứu trên nhấn mạnh việc cách đây rất lâu sao Hỏa từng rất ẩm ướt nhưng sau đó nó đã bị mất quá nhiều nước. Nhờ các thông số trên, các nhà khoa học đã tính được sao Hỏa bị mất đến 87% lượng nước có trên bề mặt của mình.
Từ các nghiên cứu, thời kỳ nóng ẩm được các nhà khoa học đặt tên là “Noachian” ở trên sao Hỏa đã kết thúc từ cách đây 3,7 tỷ năm. Các nhà khoa học cũng không loại trừ khả năng trong quá khứ sao Hỏa từng chứa nhiều nước hơn với những mạch nước ngầm nằm dưới bề mặt. Qua đó, các nhà khoa học ngày càng có hy vọng tìm ra được các nguồn nước ngầm thông qua các bảng đánh giá về tỷ lệ 2 loại nước hay qua các thông số về biến động của lượng nước có trong bầu khí quyển của hành tinh Đỏ .
Chu Thanh
Theo Le Monde 6/3