Các loại án xâm hại trẻ em, cố ý gây thương tích cho trẻ em, sử dụng trẻ em làm việc trong điều kiện nặng nhọc vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả.

images1484052_ac_1452656855622.jpg

Theo thống kê của Bộ Công an, mỗi năm có khoảng 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Đáng báo động, tình trạng trẻ em bị xâm hại trong những năm gần đây ngày càng có xu hướng gia tăng.

Trong 5 năm (2011 - 2015) cả nước xảy ra gần 9.100 vụ xâm hại trẻ em (tăng gần 1 nghìn vụ so với giai đoạn 2006 - 2010). Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chiếm hơn 70% số vụ, số trẻ em ít tuổi bị xâm hại tình dục tăng. Các loại tội phạm khác như mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, tổ chức cho trẻ em sử dụng trái phép chất ma túy, tổ chức mại dâm trẻ em có diễn biến phức tạp. Các loại án giết trẻ em, cố ý gây thương tích cho trẻ em, sử dụng trẻ em làm việc trong điều kiện nặng nhọc vẫn chưa được ngăn chặn một cách hiệu quả.

Đại tá Trần Mười, Trưởng  phòng Xã hội, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, đến nay, Cục Cảnh sát hình sự đã chủ trì và phối hợp với công an một số tỉnh, thành phố triển khai mô hình "Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng". Đồng thời, tập huấn kỹ năng sống, bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em; trợ giúp hướng nghiệp dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cho người chưa thành niên...

“Chúng tôi phải làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em, bắt trẻ em lao động sớm, trẻ em làm nô lệ… Chúng tôi cũng tham mưu cho lãnh đạo cấp trên ban hành các chủ trương, giải pháp, biện pháp để làm tốt công tác này. Đồng thời, chỉ đạo công an các địa phương thực hiện tốt, nhất là đối với các vụ mà trẻ em bị bắt cóc, mua bán ra nước ngoài phải hết sức quan tâm và phải điều tra triệt để, xử lý nghiêm minh” – Đại tá Trần Mười nói./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN