(Baonghean) - Gần 22/12, “Đừng kể tên tôi” của cô gái xứ Nghệ - Phan Thúy Hà xuất hiện như một “hiện tượng”. Cuốn sách viết về thân phận những người lính đã trải qua chiến tranh tàn khốc và những nỗi đau, những kỷ niệm họ giữ lại mãi ám ảnh. 

Đừng gọi tôi là nhà văn

Một lần, khi phỏng vấn ý kiến Hà cho một bài viết, tôi gọi chị là nhà văn, chị phản ứng gay gắt. “Đừng gọi nhà văn Phan Thúy Hà. Tôi không phải nhà văn”. Dù rằng, Hà có nhiều tác phẩm in trên các báo Trung ương, Hà đang dự tính ra một cuốn sách viết về người thật việc thật quê mình. Quan trọng, văn của Hà có phong cách – thứ mà rất nhiều nhà văn hiện nay không có được. 

1514103381302.jpgPhan Thúy Hà tặng sách cho nhân vật.


Phan Thúy Hà từng là biên tập viên lâu năm của Nhà xuất bản Phụ nữ. Đột ngột, chị nghỉ việc ở nhà chăm con và viết văn, viết báo. Những ngày hè của con, chị quyết không để smartphone và những chương trình học thêm học nếm “đánh cắp”. Ba mẹ con đi tàu từ Bắc vào Trung, vào tận miền Nam, ngược sang Tây Nguyên, ròng rã hàng tháng trời. Đi để mẹ có thêm chất liệu cho những trang viết, cho con học được những kỹ năng giao tiếp, sẻ chia… từ chính người thật, việc thật, cuộc đời thật. Có lần, tôi đùa chị, “nhà có điều kiện”. Chị cười: “Điều kiện chi em. Chị vào nhà những đồng hương, những bác người quen, nghe câu chuyện của họ, ở nhờ nhà họ, gửi tiền cơm nước… Xác định “đi thực tế” để có chất liệu cho trang viết.”

Hà luôn tự nhận mình chỉ là người nghe và viết lại câu chuyện. Bản thân nhân vật mới là người kể chuyện. Chị chia sẻ, đầu tiên, cũng rất khó để hỏi, vì chưa quen, nhiều bác không muốn nói. Nhưng khi một bác đã kể, và khi đã quen cả làng, thì người nọ gọi điện cho người kia để kể. Kể xong, mà chẳng biết bao giờ mới xong, những dòng hồi ức liên miên, nhưng kể xong rồi, lại có khi ngần ngại “Đừng kể tên tôi”. Đó cũng là tên tập sách đầu tay của Hà, mang tinh thần chung của nội dung cuốn sách. 

Bản thân Hà là con gái của một người lính, chị đồng cảm với những câu chuyện chiến tranh từ chính câu chuyện của bố, của những người làng mình. Chỉ một xã ở quê Hà có tới hơn 100 liệt sỹ, gia đình nào cũng có con, em là liệt sỹ, cũng có người đi bộ đội. Những người Hà gặp đều là nguồn tư liệu quý mà chị xác định “tôi cần viết, các con tôi cần biết”. Những câu chuyện Hà viết ra khi đến tay những cựu chiến binh, các bác nói, chuyện của bác còn ám ảnh hơn thế và sẵn sàng trải lòng ra cùng chị. Tôi nghĩ rằng đó là cái duyên cũng là cái tài của tác giả, khi tìm được những tư liệu quý hiếm, khi được nhân vật của mình dốc lòng sẻ chia.

Dùng tiền sửa nhà để viết sách

Hà kể, hành trình đưa sách tới độc giả ban đầu không hề dễ dàng. Ra một nhà sách hỏi là em muốn gửi ít sách vào đây được không? Sau một năm nếu không bán được em lấy về. Họ hỏi đề tài gì? Nghe xong thì gần như là từ chối. Tên tác giả không ai biết. Đề tài cũng chán.

Cuốn sách “Đừng kể tên tôi” của Phan Thúy Hà.

Trước đó nữa, khi Hà gửi bản thảo cho một nhà sách. Câu trả lời khiến chị run. "Văn phong non kém, chất lượng yếu, kém hấp dẫn, chúng tôi không thể hợp tác". Ngồi thừ ra trước máy tính. Chồng nói, em buồn cười nhỉ, đưa cho họ làm gì, để đó cho anh.

Hà nói, em ngồi thừ ra không phải là ái ngại cho mình. Mà thấy thương. Hiểu được vì sao các bác các chú chẳng buồn nói ra câu chuyện của mình. Máu và nước mắt không phải là thứ để làm quà câu chuyện.

Những chuyến đi thực tế của mẹ con Hà do chính… chồng tài trợ. Thậm chí, chuyến đi dài nhất để tiếp xúc với hàng chục nhân vật trong cuốn sách “Đừng kể tên tôi” của Hà là từ nguồn tiền… sửa nhà. Chồng đưa 100 triệu để sửa nhà, chị nghĩ lại thấy việc sửa nhà chưa cần thiết bằng việc tìm đến những cựu chiến binh. Chị trăn trở với cuốn sách đến mức có những ngày đêm thao thức, trăn trở, vì: “Những câu chuyện có lẽ là hay nhất của cuộc chiến, không phải chiến thắng nọ hay chiến thắng kia, mà là tình cảm của những người trong cuộc, sự chịu đựng và hy sinh vô bờ bến của những người lính vô danh. Nếu không còn dịp để kể, các bác ấy sẽ mất dần, đều ở tuổi trên 70, 80 cả rồi, có những câu chuyện hay tuyệt vời sẽ theo xuống lòng đất và lặng im vĩnh viễn”.

Máu và nước mắt không phải là câu chuyện làm quà 

Tác phẩm của Hà hoàn toàn không hư cấu nhưng có sức hút hơn không ít tác phẩm đầy ắp sự tưởng tượng. Bởi, nói như nhà thơ Thục Linh: “Đời sống khủng khiếp hơn mọi điều tưởng tượng. Trong tác phẩm của Hà viết về những người lính với những câu chuyện ấn tượng: Người lính đã cõng trên mình những xác đồng đội chảy rữa sau 1 tuần không thể rút ra khỏi chiến trường, những xác đã bị bầy chim xâu xé, kéo xác đi giữa làn đạn đôi khi đầu và tứ chi rời ra, người lính ấy vẫn còn mang mối bệnh trên da mình, như một thứ tâm bệnh mỗi khi nhớ lại lớp da thịt đồng đội chảy nhão trên người mình. Người lính kể về việc mình mong phía đối phương tấn công vì sau đó có thể tìm được thức ăn trong ba lô quân trang của đối phương, những nản lòng, những toan tính để rời xa tiền phương, những tráo trở… ngay khi cuộc chiến đang ở lúc hung hãn nhất được nhắc lại. Những người lính ấy thậm chí đã phải khó khăn tìm lại chính sự hiện diện của mình trong cuộc chiến ấy, để có thể được hưởng chút “chế độ” hay có khi là để minh định các sự thực về đồng đội của mình đã ngã xuống”. 

Hà chia sẻ về những nhân vật của mình: “Tại sao họ lại có thể giữ cho riêng mình câu chuyện dữ dội như vậy?

Vì họ là đàn ông. Vì họ là người lính. Hay, vì họ là người Việt Nam?

Vì không ai hỏi. Vì chúng ta đã tỏ ra không xứng đáng để được nghe?

- Ước mơ của bác khi đó là gì?

- Ước mơ của bác khi đó là được về nhà ăn với mẹ và em gái một bữa cơm rồi quay vào chiến trường chết cũng được”. 

Những nhân vật trong sách của Hà hoàn toàn có thật, với những câu chuyện hoàn toàn có thật tưởng đã bị bụi mờ quá khứ phủ quên. Nhưng rồi, khi kể cho Hà, và chị kể lại cho độc giả, những sự thật ấy được giãi bày bằng tất thảy tâm can, nỗi đau, trở lại ám ảnh với độc giả. 

Không chọn những đề tài gần gũi với thế hệ mình để có thể dễ in, dễ bán sách, Phan Thúy Hà chọn viết về chiến tranh và hậu chiến khi mà chiến tranh đã khép lại trước khi chị sinh ra 4 năm. Những trang sách của Hà thức dậy sự quan tâm và những giá trị nhân văn của độc giả về những người lính. Độc giả của chị sau khi đọc sách đã góp 800.000 mỗi tháng dành tặng một nhân vật để sẻ chia bớt gánh nặng mưu sinh, có những độc giả bỏ tiền mua sách và đề nghị Hà tặng bất kỳ cựu chiến binh nào chị gặp… 

Và Hà, vẫn luôn mộc mạc, quyết liệt như bản tính gái Nghệ sẵn có trong chị, cho biết, chị vẫn còn nhiều câu chuyện để kể, ngoài cuốn sách này.    

Cách ghi chép, cách hỏi và viết lại những lời kể mà các nhân vật đi qua chiến tranh của một tác giả trẻ, sinh ra 4 năm sau 1975, có cái gì đó khiến tôi liên tưởng đến Svetlana Alexievich, Nobel văn chương 2015, với “Chiến tranh không có một gương mặt phụ nữ”. Nghĩa là không phải viết về chiến tranh mà về những người trong chiến tranh, không phải viết lịch sử chiến tranh mà lịch sử về cảm xúc. Mà cảm xúc, đã lâu rồi có ai hỏi những thanh niên tuổi đôi mươi hăng hái lên đường giết giặc ngày ấy giờ sống và nghĩ ra sao trong những xóm làng hẻo lánh, nghèo nàn? Vấn đề hậu chiến và những gánh nặng tâm lý không phải vấn đề của riêng quốc gia nào, đó là vấn đề của con người - Facebook nhà báo Hà Phạm.

“Nếu giấy báo tử người chồng trước bị thất lạc vợ tôi liệu có dám cất bước đi tìm cuộc sống cho riêng mình? Bà ấy nói sẽ vẫn chờ. Người chưa về chưa có giấy báo về thì chẳng bước đi đâu.

Giấy báo tử không về cô gái mười bảy tuổi một hôm biến thành bà lão.

Giấy báo tử chưa về cô gái mười bảy tuổi sống cuộc đời âm thầm mặc cảm với đứa con riêng.

Giấy báo tử chưa về vì có thể nằm trong ngăn tủ chính quyền xã gián gặm mối xông thành mủn”. (Trích sách)

“Một gia đình có 8 người tham gia chiến tranh, Hai anh trai bị nhiễm độc nặng. Một anh nằm một chỗ 10 năm đã mất. Một anh như xác khô trên giường đã 15 năm...

Đánh giặc không phải một nghề. Không có nghề đánh giặc.

Nói cho cô biết, tôi không đi lính nhưng tôi tham gia chiến tranh chẳng khác gì người lính mặt trận. 

Tôi làm liên lạc cho các ông trên xã, mà xã tôi cô biết đấy. Máy bay đi ngang qua ngứa tay là ném bom, đi đâu về thừa quả bom nào là thả nốt. Bom giết chết cô người yêu của tôi đang ngồi ị cầu tiêu, chết luôn ở cầu tiêu không kịp kéo quần lên. Đằng kia có nhà ông Trí bị bom rơi chết luôn 6 đứa con và 1 đứa cháu nữa là 7... từ chiến tranh”. (Trích sách).


Võ Hương

TIN LIÊN QUAN