Sáng 9/3, UBND tỉnh có buổi làm việc với Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam và các ngành, đơn vị liên quan về tình hình phát triển Khu kinh tế Đông Nam (KKT) và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
TỔNG VỐN ĐĂNG KÝ GẦN 70.000 TỶ ĐỒNG
KKT Đông Nam được thành lập vào tháng 6/2007, đến nay có tổng diện tích hơn 20.776 ha, nằm trên địa bàn 6 huyện, thành phố. Ngoài KKT Đông Nam, trên địa bàn tỉnh còn có 6 Khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 1.660 ha.
Tính đến tháng 3/2021, KKT Đông Nam và các KCN có 251 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 69.762 tỷ đồng (tương đương 3,02 tỷ USD). Trong đó, có 48 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký 1,09 tỷ USD;203 dự án trong nước vốn đăng ký đầu tư 1,93 tỷ USD.
Hiện đã có 129 doanh nghiệp đi vào hoạt động. Năm 2020, doanh thu của các doanh nghiệp đạt 35.114 tỷ đồng; xuất khẩu 6.568 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 1.811 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 23.630 lao động.
Năm 2020, bám sát nhiệm vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, Ban Quản lý KKT Đông Nam (gọi tắt là Ban) thực hiện nhiều nhiệm vụ với mục tiêu nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển. Ban đã chủ động đề xuất, tích cực phối hợp tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư thiết thực, hiệu quả.
Ban đang thực hiện công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch và tổ chức không gian phát triển KKT, các KCN. Tính đến tháng 3/2021, Ban đã cơ bản hoàn thành quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng trong KKT, các KCN trên địa bàn tỉnh.
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh được đổi mới tích cực. Năm 2020, Ban đã tham mưu UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 24 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 5.413,8 tỷ đồng. Điều chỉnh tăng vốn 17 dự án, vốn đầu tư tăng thêm 8.876,2 tỷ đồng. Tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm đạt 14.289,2 tỷ đồng/KH 2020: 10.000 - 15.000 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch thu hút đầu tư năm 2020, tăng 75,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 2 tháng đầu năm 2021, Ban đã cấp mới 4 dự án và điều chỉnh tăng vốn 2 dự án. Tổng vốn đầu tư đăng ký và điều chỉnh tăng thêm đạt 6.014,84 tỷ đồng/KH 2021: 15.000 - 20.000 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch. Đặc biệt, hoàn thành cấp GCNĐT dự án Everwin (200 triệu USD), dự án Khu công nghiệp Hoàng Mai I (750 tỷ đồng). Hiện Ban đang tập trung hỗ trợ để cấp phép đầu tư dự án Ju Teng (200 triệu USD).
Ban cũng đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ triển khai các dự án trọng điểm trong KKT, các KCN; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu KKT, các KCN và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với KKT, các KCN về tài nguyên môi trường, xây dựng, quản lý doanh nghiệp và lao động. Ban cũng quan tâm công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung đề xuất, tham mưu tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về chính sách giá đất, hỗ trợ đầu tư, vùng nguyên liệu đất san lấp mặt bằng các KCN...
Tuy nhiên, sau 13 năm triển khai, quy hoạch chung KKT Đông Nam đã bộc lộ nhiều điểm bất cập như thiếu quỹ đất phát triển khu công nghiệp; khu phi thuế quan không còn phù hợp, một số khu chức năng khác khó triển khai do sự gia tăng dân cư hiện hữu trong vùng quy hoạch, thiếu quy hoạch mỏ đất san lấp hạ tầng khu công nghiệp,...
Vẫn chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn mang tính động lực phát triển, tiến độ triển khai các dự án sau cấp phép còn thấp; công tác BTGPMB còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đồng bộ, hợp lý.
Năm 2021, Ban phấn đấu thu hút được khoảng 20-25 dự án, trong đó có 1 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu chức năng trong KKT Đông Nam hoặc KCN. Tổng vốn đầu tư đăng ký dự kiến đạt khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 600 - 700 triệu USD. Giai đoạn 2021-2025, thu hút được trên 100 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 70.000 tỷ đồng, trong đó có 30% dự án FDI, với tổng vốn là 2,26 tỷ USD.
Tại buổi làm việc, đại diện các địa phương trong KKT Đông Nam và các sở, ngành đã nêu nhiều ý kiến xung quanh công tác thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ nhà đầu tư, tạo nguồn nhân lực... Đồng thời, đề xuất nhiều kiến nghị nhằm nâng cao công tác phối kết hợp để giúp Ban quản lý KKT Đông Nam thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, sau 13 năm thành lập, đến nay KKT Đông Nam đang mặc “chiếc áo quá chật”. Vì vậy, cần phải sắp xếp, kiện toàn, tái cấu trúc lại để Ban quản lý KKT Đông Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nhấn mạnh trong thời gian tới, nguồn thu ngân sách chủ yếu của tỉnh sẽ tập trung vào KKT Đông Nam, đồng chí Lê Ngọc Hoa yêu cầu các sở, ngành cùng phối hợp chặt chẽ với Ban để tham mưu cho UBND tỉnh có đề án sắp xếp, tái cấu trúc của Ban. Bên cạnh đó, Ban cần quy hoạch để xây dựng nhà ở cho chuyên gia và người lao động; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào hạ tầng KKT; quan tâm thu hút đầu tư hạ tầng cảng biển.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Ban quản lý KKT Đông Nam là đơn vị đầu tiên được UBND tỉnh chọn làm việc trong năm 2021. Qua đó thể hiện vai trò, vị trí của Ban trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Buổi làm việc nhằm thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, vướng mắc; đánh giá, xác định đúng vai trò, vị thế Ban quản lý KKT Đông Nam để thực hiện tốt nhiệm vụ, nhằm xây dựng KKT Đông Nam trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà Ban quản lý KKT Đông Nam đã đạt được trong thời gian qua. Trong đó, Ban đã có tính chủ động trong rà soát, kiến nghị các cơ chế, chính sách để giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cũng như hỗ trợ đầu tư; chủ động rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể KKT Đông Nam, quy hoạch các phân khu; chủ động phối hợp, tích cực kiến nghị giải quyết các vấn đề với các bộ, ngành Trung ương; phối hợp giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư trong địa bàn Khu kinh tế...
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đánh giá, việc tham mưu điều chỉnh quy hoạch KKT của Ban cần phù hợp hơn; công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều tồn tại; kết quả thu hút đầu tư vẫn còn khá khiêm tốn, hiệu quả nhiều dự án chưa cao. Về đầu tư hệ thống hạ tầng trong KKT và các KCN còn thiếu đồng bộ, chưa phát huy được hiệu quả cao. Trong công tác vận hành tổ chức bộ máy còn chưa hợp lý, chưa đạt hiệu quả cao; ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức của Ban chưa cao.
Nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, trong điều kiện tổ chức bộ máy cần phải tinh gọn, Ban cần quan tâm tổ chức lại tổ chức bộ máy, rà soát, sắp xếp cán bộ, công chức, người lao động phù hợp nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm, năng lực kinh nghiệm của từng cán bộ nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao.
Về công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, người đứng đầu UBND tỉnh yêu cầu trong tổng thể quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 thì Ban phải tính toán điều chỉnh không giạn phát triển của KKT Đông Nam cho đồng bộ, phù hợp với sự phát triển dài hạn của tỉnh và của KKT.
Nhấn mạnh cơ hội đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư, đặc biệt là cơ hội thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, đồng chí Nguyễn Đức Trung đề nghị Ban phải chuẩn bị điều kiện thuận lợi nhất về hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực, thủ tục cho nhà đầu tư.
Ban cũng phải rà soát các cơ chế, đặc biệt là các cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư, trước mắt là hỗ trợ ngay những nhà đầu tư đang triển khai thực hiện dự án để các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh và mở rộng đầu tư. Đồng thời, lựa chọn các nhiệm vụ về đầu tư dự án hạ tầng theo hướng ưu tiên, trong điều kiện ngân sách còn hạn chế; hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện đầu tư hạ tầng KCN để đảm bảo điều kiện đón nhận các nhà đầu tư thứ cấp.
Để tạo mặt bằng thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Ban rà soát các dự án đang triển khai trong địa bàn quản lý, có biện pháp xử lý các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai. Trong thu hút đầu tư, cần lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, đúng định hướng phát triển, đảm bảo thân thiện môi trường; Quan tâm hỗ trợ thủ tục cho các nhà đầu tư hạ tầng như VSIP, WHA mở rộng diện tích KCN theo nguyên tắc công bằng.
Ban quản lý KKT Đông Nam phải rà soát, hoàn thiện các quy chế phối hợp với các sở, ngành, địa phương để thực hiện nhiệm vụ được giao và giúp dự án trong địa bàn triển khai nhanh. Đồng thời, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính. Trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nếu xây dựng được cơ sở dữ liệu tốt thì sẽ giúp các nhà đầu tư tiếp cận nhanh hơn các thông tin của KKT, các thủ tục, chính sách liên quan.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng yêu cầu các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết những kiến nghị, đề xuất của Ban quản lý KKT Đông Nam.