(Baonghean) - Đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh,  Bí thư Huyện ủy Nam Đàn trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An
images1201318_a6_l_nh_d_o_huy_n_nam___n_tham_m__h_nh_trang_tr_i_t_i_x__nam_giang___nh_s__minh.jpgLãnh đạo huyện Nam Đàn thăm mô hình trang trại tại xã Nam Giang. Ảnh: Sỹ Minh
P.V:Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật mà Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Đàn nỗ lực phấn đấu đạt được trong nhiệm kỳ qua?
 
Đồng chí Thái Thanh Quý:Nhiệm kỳ qua, mặc dù có những khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nên huyện Nam Đàn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: 
 
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 10,05%/năm đạt mục tiêu đại hội (MTĐH), cao hơn bình quân chung toàn tỉnh 2,15%). Trong đó: nông - lâm - thuỷ sản tăng bình quân 3,85%/năm (đạt MTĐH); công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 18,2%/năm (vượt MTĐH), dịch vụ tăng bình quân 10,07%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm (đạt MTĐH và cao hơn mức bình quân chung toàn tỉnh  1 triệu đồng).
 
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông - lâm - thuỷ sản từ 46,25% năm 2010 xuống 35% năm 2015 (cơ bản đạt MTĐH); CN - XD tăng từ 27,12% năm 2010 lên 36,28% năm 2015 (vượt MTĐH); dịch vụ từ 26,63% năm 2010 lên 28,72% năm 2015. 
 
Thực hiện tốt việc chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp để tích tụ và xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. Diện tích cánh đồng thu nhập cao ngày càng tăng; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2015 ước đạt 1.790.600 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực ước đạt 91.876 tấn (vượt 1.867 tấn so MTĐH). Lâm nghiệp được quan tâm chỉ đạo thực hiện, trong 5 năm trồng rừng tập trung đạt trên 100 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 23%.
Dây chuyền sản xuất may ở Chi nhánh Dệt may Nam Đàn HANOSIMEX. Ảnh: Sỹ Minh
Công nghiệp phát triển nhanh, tạo nên diện mạo mới trong kinh tế của huyện. Trong nhiệm kỳ đã hoàn thành quy hoạch 3 cụm công nghiệp, 1 dự án đầu tư với 92,07 ha đất; tổng kinh phí lập quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp 35.993 triệu đồng; tổng vốn đăng ký thực hiện các dự án 3.326,42 tỷ đồng, đến nay đã thực hiện khoảng 1.600 tỷ đồng. 
 
Huy động nội lực, thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đạt nhiều kết quả quan trọng. Khởi công xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều công trình lớn như: Nhà máy Bia Sài Gòn - Sông Lam; may xuất khẩu HAIVINA - Kim Liên; dệt may Nam Đàn HANOSIMEX, phân xưởng số 1 - Dự án Tổ hợp công nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH VN-Nam Đàn Vạn An… Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn nhiệm kỳ qua đạt 7.578.931 triệu đồng, tăng gấp 4,75 lần so với nhiệm kỳ trước.
 
Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng. Toàn huyện đã đầu tư 1.034 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 227 tỷ đồng, hiến 121.000m2 đất, 28.000 ngày công để xây dựng hạ tầng NTM. Đến hết 2015 toàn huyện có 10 xã đạt chuẩn NTM (vượt 2 xã so MTĐH).
 
Văn hóa, xã hội có những bước tiến đáng ghi nhận. Giáo dục và đào tạo tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Trong nhiệm kỳ có thêm 18 trường đạt chuẩn quốc gia, đưa tổng số trường đạt chuẩn lên 51 trường, chiếm 65,4% (đạt MTĐH). Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa đạt kết quả tích cực; tổ chức tốt các lễ hội, các sự kiện văn hóa lớn diễn ra trên địa bàn.
Kiểm tra mô hình giống lúa năng suất, chất lượng cao tại xã Nam Xuân. Ảnh: T.L
Công tác xây dựng Đảng đạt được những kết quả quan trọng. Nội dung, phương pháp lãnh đạo của cấp ủy huyện và cơ sở đối với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện thường xuyên, kịp thời và đúng quy định, khắc phục tình trạng cấp ủy bao biện, làm thay. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, thông qua quy chế làm việc quy định rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy về chế độ tập thể lãnh đạo, đề cao trách nhiệm cá nhân phụ trách.
 
P.V:Thưa đồng chí! Trong nhiệm kỳ qua, bên cạnh những thành quả đã đạt đươc, có mặt nào còn hạn chế? 
 
Đồng chí Thái Thanh Quý: Một số hạn chế cần được khắc phục như sau:
 
1. Kinh tế tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện cũng như sự quan tâm của tỉnh, Trung ương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng song chưa bền vững. Nông nghiệp phát triển chưa toàn diện, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất hiệu quả chưa cao. Sản xuất hàng hóa còn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng thấp.
 
2. Một số cụm công nghiệp đã quy hoạch song chưa thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư. Triển khai một số dự án đầu tư trên địa bàn tiến độ chậm.
 
3. Thu ngân sách huyện không đạt MTĐH, nợ đọng vẫn còn nhiều. 
 
4. Quản lý y tế về hành nghề y dược tư nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế. Chất lượng khám, chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa huyện và các trạm y tế chưa cao. Số người vi phạm chính sách dân số còn nhiều, thậm chí có chiều hướng gia tăng. 
 
5. Công tác xây dựng Đảng trên một số lĩnh vực, ở một số thời điểm còn bộc lộ hạn chế, yếu kém. Đảng bộ huyện nhiều năm không đạt vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở một số cơ sở chưa toàn diện, chưa hiệu quả.
 
P.V:Xin đồng chí cho biết những bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua?
 
Đồng chí Thái Thanh Quý: Sau khi đã phân tích nguyên nhân từ những tồn tại, hạn chế, chúng tôi rút ra 4 bài học kinh nghiệm sau:
 
Một là: Phải thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị thực sự vững mạnh, trong đó xây dựng Đảng là then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển toàn diện của huyện. Xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị vững mạnh trước hết phải tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong Thường trực, Ban Thường vụ, cũng như trong cấp ủy để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, qua đó tạo đồng thuận trong nhân dân
 
Hai là: Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ công tác đánh giá, nhận xét, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển, sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. 
 
Ba là: Việc lựa chọn, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, đề án phải sát đúng với tình hình thực tiễn, có tính khả thi, phù hợp với xu hướng phát triển. Thực hiện tốt dân chủ, mở rộng đối ngoại, nắm bắt thời cơ, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo môi trường và động lực tốt nhất cho phát triển kinh tế -  xã hội.
 
Bốn là: Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở cần bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, chủ trương, định hướng của cấp trên để phát động sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các phong trào thi đua yêu nước. Cũng cần chú ý công tác kiểm tra đôn đốc, có sơ kết, tổng kết đánh giá phong trào nhằm nhân rộng những tập thể cá nhân điển hình.
 
P.V: Vậy, thưa đồng chí, để đạt được mục tiêu trở thành huyện khá nhất của tỉnh, quan điểm phát triển của Đảng bộ huyện trong nhiệm kỳ tới như thế nào?
 
Đồng chí Thái Thanh Quý:Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, khơi dậy các tiềm năng và lợi thế của địa phương trong nhiệm kỳ tới, quan điểm chỉ đạo của BCH Đảng bộ huyện như sau:
 
Thứ nhất: Không ngừng củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa Đảng với chính quyền, với MTTQ, các đoàn thể và với nhân dân; theo phương châm "Lấy đoàn kết trong Đảng làm gương, đoàn kết trong dân làm nền tảng, đoàn kết giữa các thành phần trong tổ chức chính trị, xã hội làm sức mạnh".
 
Thứ hai: Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Nhất là năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở.
 
Thứ ba: Tích cực phát huy các tiềm năng, tranh thủ tối đa sự đầu tư của Trung ương, của tỉnh và các nguồn lực khác để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. 
 
Thứ tư: Chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Quyết tâm phấn đấu đến năm 2020 có 20-23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2020. 
 
Thứ năm: Quyết tâm xây dựng và hoàn thiện hơn nữa để Nam Đàn xứng đáng là huyện điểm văn hóa của tỉnh, của toàn quốc; là điểm tựa, là sức mạnh tinh thần của nhân dân; là địa chỉ hấp dẫn của bạn bè và du khách. Trước hết, và quan trọng nhất là xây dựng con người trên quê hương Bác phù hợp với yêu cầu mới.
 
Thứ sáu: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của chính quyền về quốc phòng - an ninh. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng yếu và các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội diễn ra trên địa bàn.
 
Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực quyết tâm, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà kỳ vọng về một nhiệm kỳ mới sẽ có nhiều thành tích, nhiều đổi thay, mang đến diện mạo mới, vị thế mới của quê hương - xứng đáng với niềm tự hào và trọng trách Nam Đàn - quê Bác.
 
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
 
Thanh Nga
(Thực hiện)
10 Chỉ tiêu đảng bộ huyện nam đàn phấn đấu đến năm 2020 đạt và vượt: 
 
1. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2020: từ 10 - 11%/năm.
2. Cơ cấu kinh tế đến 2020: Công nghiệp - xây dựng: 41 - 42%; Dịch vụ: 31 - 32%; Nông nghiệp: 27 - 28%.
3. Thu nhập bình quân đầu người: 70 - 75 triệu đồng/năm.
4. Thu ngân sách huyện trên địa bàn đạt mức 102 tỷ đồng.
5. Có 90% diện tích đất nông nghiệp đạt 75 triệu đồng/ha/năm, trong đó có 70 - 75% diện tích đất nông nghiệp đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.
6. Sản lượng lương thực đạt 95 ngàn tấn.
7. Có 20 - 23 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, huyện đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2020.
8. Có 86 - 88% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 75 - 80% khối xóm, 85 - 90% cơ quan đạt danh hiệu xóm, khối, cơ quan văn hoá; có 85 - 90% xã, thị có thiết chế văn hoá thể thao đạt chuẩn.
9. Tạo việc làm bình quân hàng năm  2.500 - 3.000 lao động.
10. Đảng bộ huyện 5 năm liền đạt vững mạnh.