(Baonghean) - Đồng chí Cao Thanh Long, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An

Phóng viên:Thưa đồng chí Bí thư Huyện ủy, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ và nhân dân huyện Quỳ Hợp đã đạt được những thành tựu nổi bật nào?
 
images1201868_xu_ng_ch__bi_n_d___p_l_t_t_i_c_ng_ty_d__ph__qu_._h_u_nghia.jpgXưởng chế biến đá ốp lát tại Công ty đá Phủ Quỳ. Ảnh: Hữu Nghĩa
Đồng chí Cao Thanh Long:Quỳ Hợp là địa phương có nhiều thuận lợi căn bản. Tuy nhiên, giai đoạn 2010 - 2015 có rất nhiều khó khăn, nhất là về lĩnh vực kinh tế. Trước thực tế đó, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc cùng cộng đồng các doanh nghiệp đã đoàn kết nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả quan trọng. 
 
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 9,8%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 26,26 triệu đồng, tăng 1,9 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần giá trị sản xuất dịch vụ - thương mại. Thu ngân sách đạt bình quân hơn 137 tỷ đồng/năm. 
 
Trong đó, nông, lâm, ngư nghiệp có bước phát triển khá, hình thành các sản phẩm mũi nhọn, cây, con đặc sản có giá trị kinh tế cao. Tổng giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) toàn ngành thực hiện đến năm 2015 đạt hơn 1.165 tỷ đồng. Cơ cấu cây trồng được bố trí hợp lý, phát huy được tiềm năng lợi thế về đất đai, trình độ thâm canh, thị trường. Hình thành vùng sản xuất chuyên canh, từng bước nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích như các loại cây ăn quả có múi, đặc biệt là cây cam, quýt. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung thực hiện, đã có 2 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (Nghĩa Xuân, Minh Hợp) dự kiến cuối năm 2015, Quỳ Hợp có 5 xã về đích nông thôn mới. 
 
Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đạt khá; tổng giá trị sản xuất đến năm 2015 (theo giá so sánh) đạt hơn 3.354 tỷ đồng. Đến nay toàn huyện có 3 cụm công nghiệp; 4 khu chế biến đá tập trung; 1 làng có nghề; 303 doanh nghiệp các loại, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Lĩnh vực dịch vụ phát triển mạnh, tổng giá trị sản xuất đến năm 2015 (theo giá so sánh) đạt hơn 1.107 tỷ đồng. 
 
Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Đến năm 2015, toàn huyện có 48 trường đạt chuẩn quốc gia, bằng 100% chỉ tiêu nghị quyết. Liên tục 3 năm học (từ 2011-2014), ngành Giáo dục Quỳ Hợp đều được tỉnh đánh giá là đơn vị xuất sắc về giáo dục, đào tạo. Bên cạnh đó, huyện đã tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Xây dựng huyện điểm văn hóa miền núi, dân tộc thiểu số” và đang thực hiện giai đoạn 3 của đề án... Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm, còn 15% vào năm 2015. 
 
Quốc phòng - an ninh ngày càng được củng cố, trật tự ATXH đảm bảo. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng đạt nhiều kết quả quan trọng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng lên rõ rệt. 
 
Phóng viên: Trong điều kiện huyện miền núi, những kết quả Quỳ Hợp đạt được trong 5 năm qua thực sự ấn tượng;  nhưng liệu đã phản ánh hết tiềm năng, lợi thế của địa phương, thưa đồng chí? 
 
Đồng chí Cao Thanh Long: Thực tế nếu giải quyết tốt một số tồn tại, hạn chế, thì kết quả đạt được của Quỳ Hợp còn cao hơn so với hiện nay. Chúng tôi đã nghiêm túc đánh giá và chỉ ra những tồn tại, hạn chế sau:
 
- Tăng trưởng kinh tế đạt dưới mức tiềm năng, một số chỉ tiêu kinh tế chưa đạt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa mạnh. Một số mô hình kinh tế có hiệu quả nhưng chưa nhân ra được diện rộng. Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiếu ứng dụng KHKT. Tình trạng khai thác, chế biến khoáng sản trái phép và gây ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra. Chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư trên địa bàn, xây dựng một số công trình trọng điểm chưa đạt chỉ tiêu đề ra...
 
Văn hóa, xã hội tuy có tiến bộ nhưng chất lượng chưa cao, chất lượng dạy, học ở một số trường vùng đặc biệt khó khăn còn thấp. 
 
Công tác quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn một số vấn đề cần được quan tâm. Tình hình tranh chấp đất rừng giữa nhân dân một số xã với các lâm trường tuy đã được giải quyết nhưng một số vụ việc chưa dứt điểm, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn. 
 
Hoạt động của chính quyền các cấp, MTTQ và các đoàn thể nhân dân trên một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao. Công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền để thực hiện một số nghị quyết của cấp ủy chưa mạnh mẽ, thiếu triệt để. Thực hiện cải cách hành chính chưa mạnh. 
 
Công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng còn một số hạn chế. Thực hiện các nguyên tắc của Đảng, nhất là tự phê bình và phê bình, nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của một số cấp ủy chưa nghiêm túc. Chưa chăm lo đúng mức xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có mặt hạn chế; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) ở một số TCCS đảng chưa mạnh. 
 
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc và lãnh đạo huyện Quỳ Hợp thăm quan mô hình tưới nhỏ giọt cho cây cam tại xã Minh Hợp. Ảnh: Hữu Nghĩa
Phóng viên: Từ những kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại, Đảng bộ huyện rút ra những bài học kinh nghiệm nào cho chặng đường tới?
 
Đồng chí Cao Thanh Long: Đảng bộ huyện Quỳ Hợp đã nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và rút ra các bài học sau: 
 
Thứ nhất, thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh, củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh về mọi mặt. Coi trọng và thực hiện tốt các nguyên tắc của Đảng, quy chế làm việc; thật sự phát huy dân chủ, nói đi đôi với làm; kỷ luật, kỷ cương; đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm nền tảng cho sự nhất trí, đồng thuận trong xã hội. Phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân…
 
Thứ hai, đoàn kết nội bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền; làm tốt công tác dân vận; thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân; quan tâm giải quyết kịp thời, dứt điểm các kiến nghị, đề xuất của nhân dân...
 
Thứ ba, tăng cường phát huy nội lực, các tiềm năng, thế mạnh của huyện, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, tăng cường thu hút đầu tư phát triển trên tất cả các lĩnh vực. 
 
Thứ tư, việc ban hành nghị quyết, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án... phải trên cơ sở khoa học, phù hợp với tình hình của huyện, đảm bảo tính khả thi cao. Đồng thời phải quyết liệt hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quán triệt tổ chức thực hiện. 
 
Thứ năm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn với đề cao tính tiên phong, gương mẫu, "nói đi đôi với làm" trung thực, trách nhiệm, sâu sát cơ sở của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Lựa chọn, sử dụng và bố trí cán bộ đúng người, đúng việc, nhất là cán bộ chủ chốt, phát huy đúng sở trường, năng lực công tác của cán bộ.
 
Phóng viên: Trong giai đoạn 2015 - 2020, Đảng bộ huyện Quỳ Hợp đặt ra các mục tiêu cụ thể như thế nào?
 
Đồng chí Cao Thanh Long: Nhiệm kỳ 2015 - 2020, dự báo tình hình kinh tế sẽ có nhiều thuận lợi; đồng thời tỉnh ta thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Trong bối cảnh đó, Quỳ Hợp xác định khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh gắn với ứng dụng công nghệ cao để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản, du lịch, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện; cải thiện rõ rệt và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội; từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của người dân trong huyện so với mức bình quân chung của tỉnh. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh và ổn định chính trị. Phấn đấu đến năm 2020 xây dựng thành công huyện điểm văn hóa, đưa Quỳ Hợp trở thành một trong những huyện có nền kinh tế phát triển khá nhất vùng Tây Bắc Nghệ An.
 
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
 
Thành Duy 
(Thực hiện)
 
Những chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020:
 
1- Tốc độ tăng trưởng bình quân 2016-2020 đạt: 11 - 12%.
 
2 - Thu nhập bình quân đầu người từ: 70 - 75 triệu đồng/năm
 
3- Cơ cấu kinh tế: CN - XDCB: 41 - 42%; DV - TM: 35 - 36%; Nông, lâm nghiệp: 23 - 24%.
 
4-Thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt: 220 tỷ đồng. 
 
5- Số trường đạt chuẩn quốc gia: 57 trường, chiếm 82,6%.
 
6- Tỷ lệ xã, thị trấn có thiết chế VHTT - thể thao đạt chuẩn quốc gia: 67%.
 
7- Tỷ lệ hộ nghèo mức giảm hàng năm 3 - 4%.
 
8- Có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
 
9-  Đảm bảo giữ vững quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội. Có 85% số xã, thị trấn đạt vững mạnh toàn diện. 
 
10- Đảng bộ huyện đạt danh hiệu Đảng bộ vững mạnh.