(Baonghean) - Đồng chí Nguyễn Duy Thủy, Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An
image_4177389.jpgLãnh đạo huyện Tân Kỳ thăm mô hình tưới nhỏ giọt cho cây mía tại xã Nghĩa Dũng. Ảnh: hữu nghĩa
Phóng viên:Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật mà Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Kỳ nỗ lực đạt được trong nhiệm kỳ 2010 - 2015?
 
Đồng chí Nguyễn Duy Thủy: Nhiệm kỳ 2010 - 2015 tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế - xã hội huyện Tân Kỳ vẫn có bước phát triển khá, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 9,1%, có 18/24 chỉ tiêu đạt và vượt. Cụ thể: 
 
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: tỷ trọng công nghiệp - xây dựng 25,4%, tăng 2,57%; dịch vụ 38%, tăng 3,43%; nông lâm ngư nghiệp 36,6%, giảm 6,05%; giá trị gia tăng bình quân đầu người đạt 22,6 triệu đồng, tăng 2 lần so với năm 2010. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 32,379 tỷ đồng, tăng bình quân 15,6%/năm. 
 
Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp phát triển và có mức tăng trưởng khá. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp có chuyển dịch đúng hướng. Giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đạt 44 triệu đồng/ha, tăng 13,3 triệu đồng/ha so với đầu nhiệm kỳ. Tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các đề án, mô hình sản xuất có hiệu quả nên năng suất, sản lượng các loại cây trồng đều tăng. Thực hiện tốt Đề án nâng cao chất lượng đàn gia súc, xây dựng được 47 trang trại, 474 gia trại chăn nuôi tập trung hiệu quả, chất lượng. Công tác trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ, phòng chống cháy rừng đạt kết quả tốt. 
 
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thu được kết quả quan trọng. Năm 2014 xã Nghĩa Đồng và Tân Phú đã được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến năm 2015 có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 19%/KH 15 - 19%, các xã còn lại bình quân mỗi xã đạt 10,38 tiêu chí, tăng 8,18 tiêu chí so với 2010. 
 
Công nghiệp xây dựng tiếp tục tăng trưởng và có bước phát triển. Một số cơ sở sản xuất, chế biến đã được nâng công suất, cải tiến thiết bị, công nghệ hiện đại: Nâng công suất nhà máy đường, đầu tư thiết bị chống ô nhiễm môi trường; xây dựng nhà máy gạch không nung công suất 40 triệu viên/năm; lắp đặt dây chuyền sản xuất phôi ngói công nghệ cao công suất 25.000 viên/ngày; 2 dây chuyền sản xuất ngói không nung công suất 1,2 triệu viên/năm; nhà máy gạch tuynel công suất 40 triệu viên/năm; chuyển đổi 13 cơ sở sản xuất gạch thủ công áp dụng công nghệ mới. Xây dựng mới 197 km đường nhựa và bê tông, nâng tổng chiều dài đường nhựa và bê tông toàn huyện hiện lên 444 km. Hiện nay, đang tiếp tục thi công một số dự án lớn, như: Đường 15B Lạt - Nghĩa Hợp, đường vào trung tâm xã Tiên Kỳ, cầu Khe Thần, đường từ Công ty TNHH TNXP 4 - Sông Con đi trung tâm xã Tân Hợp,... 
Hệ thống cần dỡ nguyên liệu mía của Nhà máy đường Sông Con. Ảnh: Công Sáng
Dịch vụ tiếp tục phát triển nhanh, cơ sở hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư. Hiện đã quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển thương mại huyện giai đoạn 2011 - 2020. Tổ chức rà soát kết quả thực hiện Đề án Xây dựng mạng lưới chợ nông thôn; đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng một số chợ. Lập quy hoạch chi tiết xây dựng chợ thị trấn, quy hoạch phát triển dịch vụ 2 bên đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn, đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Tân Kỳ. 
 
Dịch vụ vận tải tiếp tục phát triển, tốc độ tăng luân chuyển hàng hóa 9%; luân chuyển hành khách tăng 11%. Năm 2015, đã đưa vào vận hành tuyến xe buýt Tân Kỳ - Vinh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách trên địa bàn. Toàn huyện hiện có 5 tổ chức tín dụng, chi nhánh tài chính tín dụng. 
Văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường chuyển biến tích cực, đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên cả về chất lượng mũi nhọn và chất lượng đào tạo. Công tác y tế có nhiều tiến bộ. Công tác xoá đói, giảm nghèo được quan tâm và thực hiện tốt an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo từ 32%, dự kiến 2015 xuống dưới 10%. 
 
Quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tệ nạn xã hội được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
 
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng và đạt nhiều kết quả tốt. Chất lượng tổ chức cơ sở đảng được nâng lên, hệ thống chính trị vùng giáo được tăng cường; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ. 
 
Phóng viên:Thưa đồng chí! Bên cạnh kết quả đạt được tạo đà cho nhiệm kỳ tới thì rõ ràng vẫn còn có những hạn chế, yếu kém cần khắc phục?
 
Đồng chí Nguyễn Duy Thủy:Đảng bộ Tân Kỳ đã kiểm điểm chỉ rõ một số hạn chế yếu kém cần phải khắc phục như sau: 
 
- Một số chỉ tiêu đạt thấp so với Nghị quyết đại hội đề ra, có 6 chỉ tiêu (5 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội và 1 chỉ tiêu về quốc phòng an ninh) không đạt kế hoạch. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư. Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp đạt thấp so với kế hoạch và chiếm tỷ trọng không cao trong cơ cấu kinh tế. 
 
- Công tác quản lý tài nguyên và môi trường ở một số nơi chưa thực sự chặt chẽ, tình trạng tranh chấp đất đai vẫn còn diễn ra; công tác dồn điền, đổi thửa còn chậm. 
 
- Vẫn còn tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại chậm được khắc phục trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Một số cấp ủy quá trình triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng còn chung chung, không có nhiều đổi mới, sáng tạo. 
 
Phóng viên:Vậy những bài học kinh nghiệm gì đã được Đảng bộ Tân Kỳ rút ra trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Nguyễn Duy Thủy:Một số bài học kinh nghiệm đã được Đảng bộ Tân Kỳ rút ra như sau: 
 
- Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền; phân công phân cấp rõ ràng cho từng tổ chức, cá nhân; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. 
 
- Xây dựng mối đoàn kết nhất trí, đồng thuận trong Đảng và cả hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát huy dân chủ trong Đảng, tăng cường đấu tranh tự phê bình và phê bình.
 
- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát huy nội lực, kết hợp với việc vận dụng cơ chế chính sách, các nguồn lực từ bên ngoài để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
 
 - Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng môi trường bình yên cho hoạt động của hệ thống chính trị, xây dựng cuộc sống của nhân dân và thu hút đầu tư.
 
Phóng viên:Thưa đồng chí! Để nhiệm kỳ tới, Tân Kỳ vươn lên trở thành một huyện khá vùng miền Tây, mục tiêu, phương hướng đặt ra như thế nào?
 
Đồng chí Nguyễn Duy Thủy:Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 trong điều kiện thuận lợi như: một số công trình, dự án đầu tư giai đoạn trước được phát huy hiệu quả; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện; Tân Kỳ nằm trong vùng quy hoạch trung tâm phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An. Do đó, phương hướng phát triển của Tân Kỳ là: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển. Ưu tiên đầu tư cho công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng của huyện. Từng bước xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thuỷ lợi và vùng kinh tế khó khăn. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. 
 
Từ đó, thực hiện tốt mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, năng lực quản lý của chính quyền, năng lực tập hợp của mặt trận, đoàn thể, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong toàn huyện; khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của huyện; phát triển bền vững công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, y tế, văn hoá, giáo dục; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; gắn phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh bền vững, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện; phấn đấu đưa Tân Kỳ trở thành huyện khá của khu vực miền Tây tỉnh Nghệ An vào năm 2020.
 
Phóng viên:Xin cảm ơn đồng chí!
 
P.V (Thực hiện)
Một số chỉ tiêu chủ yếu Đảng bộ Tân Kỳ phấn đấu đến năm 2020 đạt và vượt:
 
1- Tổng giá trị sản xuất tăng bình quân 5 năm là 10 - 11%.
2- Giá trị gia tăng bình quân đầu người đến năm 2020 là 40 - 41 triệu đồng. 
3- Thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 50 tỷ đồng. 
4- Cơ cấu giá trị gia tăng theo ngành kinh tế: Công nghiệp - xây dựng khoảng 27-28%; các ngành dịch vụ khoảng 37-38%; nông - lâm - ngư nghiệp khoảng 34-35%.
5- Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 14-15 ngàn tỷ đồng.
6- Số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020 từ 10 - 11 xã.
7- Tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm 1,5 - 2%.
8- Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 32 - 35%; giải quyết việc làm bình quân hàng năm từ 1.300 - 1.500 người.
9- 100% số xã, thị trấn đạt cơ sở vững mạnh toàn diện an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu; tổ chức huấn luyện diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện đạt loại giỏi.
10- Phấn đấu đạt và giữ vững Đảng bộ huyện vững mạnh.