Để đạt được những tiến bộ mới, rõ nét trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất mà đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này.
 
images914257_hoingi_vanhoa.jpgHội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).
 
Sáng 15/1, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
 
Báo cáo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh nêu rõ, mục tiêu cụ thể về xây dựng nền văn hóa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là phấn đấu đạt được những tiến bộ mới trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; hình thành hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam mới trong thời đại Hồ Chí Minh; đạt kết quả rõ rệt trong xây dựng môi trường văn hóa, ý thức bảo vệ môi trường văn hóa; tạo chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng văn hóa trong Đảng; bảo đảm có đủ các thiết chế cơ bản ở các địa phương và hoạt động có hiệu quả thực chất.
 
Báo cáo và tham luận của đại biểu tại Hội nghị đã khẳng định những bước tiến quan trọng về nhận thức và hành động sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa, đồng thời kiến nghị bổ sung những nội dung về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
 
Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã biểu dương các Bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh, thành phố đã nghiêm túc thực hiện việc tổng kết Nghị quyết với nhiều cách làm sáng tạo, đóng góp nhiều ý kiến có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.
 
Đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh để đạt được những tiến bộ mới, rõ nét trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất mà đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa; xây dựng văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý trong hệ thống chính trị. Xây dựng môi trường văn hóa, kết hợp giữa “xây” và “chống” một cách hiệu quả. Nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
 
Theo đồng chí Lê Hồng Anh, xây dựng và phát triển văn hóa là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò quản lý Nhà nước cần được đề cao, vì vậy, các ngành, các cấp đẩy nhanh việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa, xử lý hài hòa mối quan hệ phát triển kinh tế, xây dựng Đảng với phát triển văn hóa. Hướng các hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật, làm cho văn hoá trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực và quan hệ con người. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy các giá trị truyền thống, đạo lý của dân tộc. Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa, việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ văn hóa phải được thực hiện đồng bộ, mang tính chiến lược lâu dài.
 
Nhấn mạnh hội nghị này có ý nghĩa rất quan trọng chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị các đại biểu dự Hội nghị nêu cao trách nhiệm đóng góp xây dựng Báo cáo tổng kết, giúp Ban Chỉ đạo hoàn thiện Đề án, đồng thời lĩnh hội tinh thần Hội nghị, tiếp tục chủ động triển khai các nhiệm vụ văn hóa ở cơ quan, đơn vị, địa phương.
 
Theo chinhphu.vn