(Baonghean) - Kết thúc năm 2013, bước vào năm 2014, có một người "gàn" bình chọn sự kiện số 1 trong năm 2013 của Nghệ An là việc “Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26 về Nghệ An”. Đó là tác giả Trương Công Anh với bài viết đăng trên số Tết Dương lịch 2014 với tựa đề "Nghị quyết 26-Chìa khóa và động lực để chiến thắng đói nghèo, tụt hậu: Tính cách và trí tuệ". Bài viết đã  được bình chọn là bài viết hay trong tuần đầu tiên của năm 2014…

image_4325100.jpgNhiều tuyến bay từ Vinh đi các địa phương đã được mở (Trong ảnh- tuyến bay Vinh - Đà Lạt). Ảnh: H.V

1. Ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị, Ban chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TƯ hoạch định con đường phát triển của tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Nghị quyết cũng chỉ rõ, xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An-quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An nhưng cũng là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, Nhà nước, MTTQ ở Trung ương.  

Trước một sự kiện có tầm chiến lược như vậy, tác giả bài viết đã nhận định đây là kim chỉ nam cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An trong chặng đường 7 năm tới, đồng thời còn là "chìa khóa" để mở thông mọi cánh cửa trong nhận thức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. Dùng từ chìa khóa và cánh cửa, hẳn tác giả đã rất có ngụ ý khi muốn nhắc đến những rào cản vô hình trong nhận thức hay hữu hình trong sự chồng chéo nhiêu khê của giấy tờ và thái độ bàng quan trước thời hội nhập. 
 
2. Trong bài viết này, tác giả đã 3 lần dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Thể hiện sự trân trọng vô vàn đối với những mong mỏi của Bác với quê hương. Sinh thời, Bác đã gửi về Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà 26 bức thư. Lá thư đầu tiên Người viết gửi các địa phương sau khi Cách mạng tháng Tám thành công là “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” đề ngày 17/9/1945. Và, không phải ngẫu nhiên mà một trong những văn bản cuối cùng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu lại là “Thư gửi Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Nghệ An” ngày 21/7/1969. Chỉ mấy tháng trước khi Người đi xa.
 
Trong  lời ký thác của Hồ Chủ tịch ở bức thư cuối cùng, Người mong mỏi: "Rất mong các đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một tỉnh khá nhất ở miền Bắc". Nhưng ngẫm lại, "Đã có nhiều kỳ Đại hội Đảng bộ, cũng đã có không ít Lễ kỷ niệm ngày sinh của Bác, chúng ta hứa sẽ thực hiện được điều mong mỏi của Người. Nhưng cho đến năm 2013 này "Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp, chỉ bằng 70% của cả nước".
 
Tác giả đã trăn trở đặt câu hỏi :Vì sao mình vẫn đang nghèo? Để rồi tự cật vấn, tự tìm phương cách thoát nghèo. Trong đó, từ tỉnh đến huyện, thị, xã đều phải có phương cách riêng trong cái chung tổng thể, đồng thời khẳng định "Trong nền kinh tế thị trường, trong xu thế hội nhập quốc tế, sẽ chẳng có bất cứ ai, kể cả một quốc gia lại có thể phát triển lên được nếu như tách mình ra một cách biệt lập. Làm được một cách nghiêm túc, cũng là phần nào thực hiện được Di nguyện của Người hằng mong mỏi. Muốn làm được vậy, thiết tưởng cần nhắc lại hình ảnh Bác trong bức ảnh nổi tiếng "Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn" do NSNA Lâm Hồng Long chụp trong dịp chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960). "Kết đoàn chúng ta là sức mạnh", điều này đã được Người nhắc lại trong bức thư ngày 21/7/1969: "Tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa. Cùng với đó phải thực sự đoàn kết từ chi bộ đến toàn Đảng bộ tỉnh, đoàn kết trong cấp ủy, đoàn kết trên dưới, trong ngoài". Đó là một biểu tượng trường tồn, có giá trị bất biến nếu chúng ta muốn đi tới.
 
3. Tính cách người xứ Nghệ: sẵn sàng vượt khó, vượt khổ. Có nhiều phẩm chất cao quý "Người xứ Nghệ quen lâu/Quen rồi thì sâu lắng". Tuy nhiên như tác giả nhận định "Với suy nghĩ qua nhiều dằn vặt, tôi cho rằng: Nghệ An ta phát triển chậm (thoát nghèo chậm) có nhiều nguyên nhân (như Nghị quyết 26 đã chỉ ra), trong đó có nguyên nhân là ta ít bạn, ta chưa giỏi kết bạn, ta chưa giỏi kết bạn và làm bạn". Đến đây, tác giả chỉ thẳng ra nguyên nhân của vấn đề. Bởi mặc dầu có nhiều tính cách quý báu, điều này đã được minh định qua biết bao tầng nấc, kiểm chứng của lịch sử cũng như của bạn bè. Nhưng hình như người Nghệ mới vẫn chỉ dừng lại ở nền văn hóa làng xã, với nền kinh tế tự túc tự cấp, đèn ai nấy rạng, mà nay là kinh tế thị trường với tất cả những cạnh tranh khốc liệt của nó. Mà một trong những yêu cầu tiên quyết của kinh tế thị trường thì hội nhập là lẽ "không phải nói thì ai cũng biết". Nói cho hình ảnh hơn, thì xứ Nghệ nói chung với những suy nghĩ thủ cựu của mình vẫn mãi dừng lại ở hình hài một đứa trẻ không lớn lên. Ôm ấp quá khứ, gặm nhấm nó mà không chịu rời bỏ để hòa cùng dòng chảy đang cuồn cuộn trào dâng trong cuộc mưu sinh vĩ đại của loài người.
 
Tác giả đã có chút biện minh nhẹ nhàng mà rất khéo cho "sự làm bạn của người Nghệ" bằng một câu thơ của cố nhà thơ Huy Cận: "Người xứ Nghệ quen lâu/Quen rồi thì sâu lắng". Quen lâu mà thực chất là lâu quen. Nghĩa là được làm bạn với người Nghệ nó cũng trầy trợt, nhọc nhằn, thử thách lắm. Nhưng mà rồi thì đằm sâu đáo để "Đã thương thì thương cho chắc/ Mà trục trặc thì trục trặc cho luôn". Nhưng tưởng chừng đó là nét hay, hóa ra lại là cái bậc cửa của những ngôi nhà kiểu cũ ở quê, nó khiến cho người ở trong nhà khi bước ra ngoài thì phải cẩn thận, còn người ngoài khi vào nhà chơi cũng phải chú ý cúi đầu nhìn bậc cửa. Cái bậc nhỏ thấp thôi, nhưng ai đến chơi không để ý, "lạ nước, lạ cái" là vấp, là ngã, là giận được rồi. Bởi cái sự kén bạn, "ăn chắc mặc bền" ấy nên đã thành cái bậc cửa "nhiều khôn mà ít khéo", thành rào cản của cái sự quảng giao cần thiết mà hội nhập. Đã đành có thể đó là "vài vết xước nhỏ của một viên ngọc quý" nhưng lại làm vẻ ngọc kém sắc lung linh. Làm cho những chân giá trị của người Nghệ, ở góc độ nào đó bị che mờ đi vì những khiếm khuyết không đáng có, dẫu là vết nhỏ. Cổ nhân đã nói "Ngọc bất trác bất thành khí" (Ngọc không mài giũa thì không thành đồ quý). Bởi vậy nên, muốn đôi ba vết xước nho nhỏ ấy mất đi, viên ngọc của tính cách xứ Nghệ phải tự tìm cách mài dũa mình. Tức là biết học hỏi, biết tự sửa mình mà tìm đường hội nhập, kết bạn và giữ bạn.
 
4. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Đây là một nguyên lý. Nhìn lại xứ Nghệ, mảnh đất này vẫn được xem là đất học. Vì nghèo khó nên giàu chí tiến thủ. Theo một tổng kết, cho thấy “suốt 39 khoa thi Hội, thi Đình thời Nguyễn, học trò đất Hồng Lam lại chiếm ngót 1/5 tổng số”  Trên đất nước này, đất Nghệ được coi là một vùng đất học. Người Nghệ trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam có một vị trí, một ý nghĩa lớn, có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển của quốc gia dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến, không đâu không có mặt tham gia của người xứ Nghệ. Thêm nữa, như nhiều nhà nghiên cứu nhận định “…bất cứ thời nào Nghệ Tĩnh cũng là một trong những cái nôi đào tạo và cung cấp nhân tài cho Tổ quốc”;  “…đóng góp lớn nhất của Nghệ Tĩnh cho Tổ quốc vẫn là cái “vốn” con người có chất lượng cao”.
 
Thế nhưng, day dứt nhất như tác giả đã ngẫm "Nhưng tỉnh táo mà xem xét thì Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo. Tại sao vậy? Học giỏi mà làm ăn không ra? Học giỏi mà lại nghèo? Có phi lý không?". Đúng là phi lý. Bởi vậy, người Nghệ "cần bắc một cái cầu từ học giỏi sang làm ăn giỏi, từ "đất học sang đất làm ăn". Đó cũng chính là vấn đề người Nghệ và hội nhập. Đất nước hôm nay đang trên đà đổi mới và hội nhập. Lẽ đương nhiên người Nghệ cũng có sự đổi mới và hội nhập nằm trong trào lưu chung của đất nước, đồng thời vẫn thể hiện những bản ngã của mình. Người Nghệ cũng sẽ tiếp nhận được nhiều cái hay cái đẹp, đồng thời cũng phải chấp nhận ở mức độ nhất định những “cái dở” từ bên ngoài mang lại. Ở đây nhân tố con người, đặc biệt những con người có cơ hội đi ra khỏi địa phương, những người có cơ hội giao lưu học hỏi đóng vai trò quan trọng trong sự tiếp nhận đổi mới và hội nhập của người Nghệ. Phát huy truyền thống đẹp đẽ để phát triển đó là một nguyên lý của mọi cộng đồng người. Người Việt Nam nói chung, người Nghệ nói riêng cần phải nhìn nhận nghiêm túc khoa học về vấn đề này, để tận dụng lợi thế “tiềm năng sẵn có” của mình...
 
5. Trước ngưỡng cửa năm 2014, Nghệ An đã đề ra một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội, những nấc thang đầu trong công cuộc mới. Theo đó, ngoài các giá trị tăng trưởng đặt ra, còn có những số liệu cụ thể như thu ngân sách đạt 6.732 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 520 triệu USD, Tổng nguồn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33-34 ngàn tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 25 triệu đồng. Đó là những con số không lớn, nhưng cũng chẳng hề nhỏ với một guồng máy không chịu khởi động. Trong thời đại toàn cầu hóa, phát triển kinh tế và văn hóa trên cơ sở ổn định chính trị – xã hội là những nội dung cơ bản để đi tới bến bờ hạnh phúc, văn minh, tiến bộ. Để làm được điều này, người Nghệ chỉ có thể trên cơ sở khai thác hiệu quả nội lực văn hóa của mình, đó cũng là một cách để bồi đắp, khẳng định những hằng số văn hóa xứ Nghệ bao đời, không những thế còn nâng văn hóa ấy lên một tầm cao mới
 
Như vậy, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Ban chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam được ban hành cũng có nghĩa đã mở ra một con đường lớn cho Nghệ An. "... Đường lớn đã mở đi tới tương lai. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay..".
 
 
Công Mạnh