Nữ kiệt đất Hồng Lam

 

Dễ đã có đến hàng nghìn bài báo, nghiên cứu về đất và người Thổ Đôi trang xưa - Quỳnh Đôi nay, nhưng dường như viết mấy, nói mấy vẫn còn chưa thỏa. Thổ Đôi trang vốn nức tiếng gần xa bởi danh thơm “làng khoa bảng”, “đất phát tích Đế vương”, người Thổ Đôi trang nổi danh học giỏi, tài hoa, khí khái và yêu nước. Chẳng cứ gì các đấng nam nhi, mà các bậc nữ nhi cũng đi vào sử vàng dân tộc với những đóng góp lớn lao cho đất nước, trong đó có “Tiểu Trưng” Trần Thị Trâm.

bna_cong_lang_quynh_doi7049504_732019.jpgQuỳnh Đôi - nơi sản sinh ra nhiều người con tài hoa, khí phách, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, trong đó có bà Trần Thị Trâm. Ảnh tư liệu: Việt Hùng
Người ta kể rằng, một lần danh sĩ Phạm Đình Toái sau khi khảo đính xong quyển Đại Nam quốc sử diễn ca, liền đem ra cho những học trò xem và hỏi cảm tưởng của họ. Sau đôi ba ý kiến khen ngợi, một cô gái trẻ đã mạnh dạn đứng lên thưa rằng: “Cuốn sách hay, nhưng con nghĩ thầy đánh giá về Hai Bà Trưng là chưa đúng. Mặc dù, việc kình chống với Mã Viện có thất bại, nhưng cũng không thể nào hạ bút viết câu: “Nữ nhi chống với anh hùng được nao?"

Người phát biểu đó chính là cô Trần Thị Trâm, con gái Tiến sĩ Trần Hữu Dực, từng là Tri phủ Vĩnh Tường và là một nhà hoạt động nổi tiếng từ thời Cần Vương. Lời phát biểu ngắn gọn song bộc bạch tài hoa và bản lĩnh của một người con gái dẫu tiếp thu sở học phong kiến, vẫn mạnh mẽ bứt phá, khát khao đóng góp cho quê hương, đất nước. 

Chuyện về bà Trần Thị Trâm được ghi chép lại trong rất nhiều sách sử, tài liệu nghiên cứu. Phần lớn tài liệu đều thống nhất rằng, bà Trần Thị Trâm sinh năm 1860 ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Mồ côi cha năm lên 1 tuổi, bà được mẹ và anh ruột Trần Anh nuôi dạy khôn lớn. Ở làng Quỳnh, Trần Thị Trâm nổi tiếng với lòng hiếu học, nết na, khéo léo. Năm 1876, bà được danh sỹ Phạm Đình Toái (bạn học của cha) mai mối về làm dâu làng Quỳnh cùng Hồ Bá Trị (con án sát Hồ Trọng Toàn).

Năm 1885, sau 9 năm làm dâu, bà chịu nỗi đau lớn mất chồng khi Hồ Bá Trị anh dũng hy sinh trong cuộc thảm sát của thực dân Pháp đối với làng Bào Hậu và Quỳnh Đôi. Chịu cảnh góa bụa với hai con thơ còn nhỏ dại là Hồ Xuân Khiêm mới lên 5 và Hồ Xuân Lan (Hồ Học Lãm) mới lên 2 tuổi, Trần Thị Trâm đã nén nỗi đau vào lòng, quyết tâm đóng góp sức mình cho phong trào yêu nước đang âm ỉ cháy chờ thời cơ sẽ bùng lên mạnh mẽ lúc bấy giờ. Bà đã tham gia tích cực vào phong trào Cần Vương và có những đóng góp không nhỏ vào những thắng lợi của nghĩa quân Phan Đình Phùng và Nguyễn Xuân Ôn.

Nghề dệt lụa của phụ nữ Việt Nam thế kỷ XIX (trái) và ông Hồ Học Lãm - con trai bà Trần Thị Trâm. Ảnh: Internet
Làng Quỳnh thuở bấy giờ nổi danh với nghề dệt lụa. Để che mắt kẻ thù, dễ bề hoạt động, bà đã cải trang thành người đi buôn lụa khắp vùng Nghệ - Tĩnh, thực chất là bí mật làm liên lạc, quyên góp tiền mua vũ khí cho nghĩa quân…

Vào cuối năm 1892, sau khi giả làm người điên, giúp nghĩa quân của Cao Thắng và Nguyễn Huy Thuận đột kích thắng lợi vào Thị xã Hà Tĩnh, bà Trâm bị bắt vào Nhà lao Vinh. Tên án sát khét tiếng gian ác Cao Ngọc Lễ đã đích thân tra khảo và hỏi cung bà với những âm mưu thâm độc và hành động tàn ác nhất từ dụ dỗ mua chuộc đến dọa dẫm tra tấn. Dù phải chịu đựng đủ mọi ngón đòn roi, cực hình tra tấn bà vẫn không nao núng.

Không lấy được lời khai, tên án sát Cao Ngọc Lễ khét tiếng gian ác đã trút mọi tức giận lên bà, đích thân chỉ huy việc hỏi cung, tra khảo với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc. Rút kinh nghiệm về sau, mỗi lần bị bắt vào Nhà lao Vinh xét hỏi, tra tấn, bà Trâm lại bí mật thủ vào người một nắm thuốc lào thật ngon, phòng khi chúng có tra tấn tàn ác quá, bà liền nuốt một nắm thuốc để say ngất đi, buộc bọn chúng phải buông tha cho bà. Sau những lần từ Nhà lao Vinh trở về, bà Trần Thị Trâm lại có thêm kinh nghiệm trong công tác hoạt động bí mật.

Bà đã 3 lần được cụ Phan Đình Phùng ủy thác sang Xiêm (Thái Lan) mua sắm vũ khí. Từ căn cứ Vũ Quang ở Hương Khê (Hà Tĩnh), bà đã không quản thân gái dặm trường theo đường rừng xuyên đất Lào sang thị trấn Na Khỏn của Xiêm để làm tròn nhiệm vụ được giao. Con đường xuyên rừng này về sau đã trở thành con đường đi của những người yêu nước xuất dương trong phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu vào những năm đầu thế kỷ XX. 

Chiếc khăn tay của người mẹ 

 

Bước vào những năm đầu thế kỷ XX, Trần Thị Trâm gia nhập hội Triêu Dương Thương quán (một tổ chức yêu nước) do Đặng Thái Thân và Ngô Đức Kế sáng lập nhằm tập hợp những người yêu nước xây dựng cơ sở khuyến khích và xúc tiến các hoạt động yêu nước dưới nhiều hình thức như mở trường dạy học, tuyên truyền văn hóa, mở mang dân trí… Chính bà đã góp phần quan trọng vào  việc xây dựng cơ sở vật chất, tài chính cho Hội.

Khi phong trào yêu nước ở Nghệ Tĩnh phát triển mạnh mẽ theo xu thế mới, bà đã tích cực hoạt động trong hội Duy Tân (1904) và phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng (1905). Bà được cụ Phan tin tưởng giao nhiệm vụ đưa thanh niên yêu nước như: Nguyễn Thức Canh, Trần Hữu Lực, Hồ Sỹ Thanh… vượt biên sang Nhật du học. Bà cũng đã gạt nước mắt, quyết tâm vận động con trai thứ hai là Hồ Học Lãm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.

Một số nhân vật tham gia phong trào Đông Du do Phan Bội Châu dẫn đầu. Ảnh: Pinterest
Người mẹ được cụ Phan Bội Châu khâm phục gọi là “quốc mẫu” này có câu nói nổi tiếng khi tiễn con lên đường. Năm 1906, hưởng ứng phong trào Đông Du, bà Trâm cho Hồ Học Lãm xuất dương sang Nhật học tập. Khi chia tay nhau ở biên giới, bà đã xé một chiếc khăn đưa cho con rồi nói rằng: “Con sinh ra là để rửa nhục cho đất nước, cũng như cái khăn mặt này dệt ra là để lau sạch mặt người. Chuyến đi này chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trắc trở, con phải cố gắng vượt qua, nhất thiết không được bỏ cuộc giữa chừng, không được phản bội Tổ quốc. Nếu con làm trái lời mẹ thì mẹ sẽ coi con không khác gì cái khăn bị xé bỏ này”.

Trong những năm tiếp theo, với lòng yêu nước, tinh thần nghị lực phi thường của người con gái xứ Nghệ, bà Trần Thị Trâm tiếp tục cống hiến hết mình cho các phong trào yêu nước như: Việt Nam Quang Phục Hội (1912), cuộc vận động sang Xiêm xin đất lập Trại Cày của cụ Đặng Thúc Hứa, phong trào đấu tranh đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, truy điệu cụ Phan Châu Trinh, hoạt động của tổ chức Tân Việt và Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Những thanh niên yêu nước ở làng Quỳnh lúc bấy giờ muốn bắt liên lạc với cách mạng hoặc đọc sách báo tiến bộ đều tìm đến bà. Nhà bà cũng đã trở thành nơi liên lạc và nuôi dấu cho nhiều nhà hoạt động yêu nước trong suốt hơn 40 năm, chính vì vậy gia đình bà thường xuyên bị lục soát, khám xét và bà được xem là đối tượng nguy hiểm trong mắt kẻ thù, dù không giữ chức vụ gì to lớn trong hoạt động yêu nước.

Vào năm 1928, khi bà Trần Thị Trâm gần 70 tuổi, công sứ Nghệ An gọi bà vào nhà lao Vinh dụ dỗ: “Thôi bây giờ bà đã già rồi, nếu bằng lòng thì ở lại đây. Nhà nước bảo hộ sẽ nuôi dưỡng chu đáo…”. Không cần suy nghĩ, bà khẳng khái trả lời ngay lập tức: “Người Nam chúng tôi không quen lối sống tầm gửi. Còn riêng tôi không quen dùng những thứ mà người khác bố thí cho mình. Xin ông cho tôi về”.

Năm 1929, dù sức khỏe yếu nhưng bà Trần Thị Trâm vẫn cố gắng vào Huế thăm cụ Phan Bội Châu. Đầu năm 1930, lúc sắp mất nhưng được tin phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nổi lên mạnh mẽ, với nụ cười rạng rỡ, bà nói: “Sự nghiệp cứu nước trước đây chưa thành thì nay đã có anh em cộng sản làm tiếp rồi”.Ngày 6/5/1930, khi ngọn lửa đấu tranh của công - nông Nghệ Tĩnh bắt đầu được thắp lên thì trái tim yêu nước của bà Trần Thị Trâm cũng ngừng đập, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho con cháu và quê hương.

Tròn 70 năm sống, cống hiến, thầm lặng hy sinh cho phong trào yêu nước của quê hương, bà Trần Thị Trâm với tâm hồn, tinh thần, nghị lực luôn sáng như ngọc, thơm như hoa và nồng như lửa, xứng đáng với danh hiệu “Tiểu Trưng” mà cụ Phan Bội Châu đã tặng. Bà trở thành tấm gương sáng về truyền thống yêu nước, cách mạng của các bậc tiền bối, của phụ nữ Nghệ An trên quê hương Xô Viết anh hùng./.