Vàng da là 1 dấu hiệu hay gặp ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân là do hiện tượng hồng cầu vỡ, chức năng chuyển hóa bilirubin của gan chưa hoàn thiện.
Vàng da bệnh lý có thể gây biến chứng vàng da nhân não, có thể khiến trẻ tử vong hoặc để lại di chứng chậm phát triển thể chất tinh thần vận động ở trẻ. Do vậy, người chăm sóc trẻ đặc biệt là các bà mẹ nên nhận biết được 1 số dấu hiệu của vàng da bệnh lý và vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh.
Một số biểu hiện của vàng da sinh lý:
- Vàng da sinh lý thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến 5 sau đẻ
- Thường không kéo dài quá 1 tuần ở trẻ đủ tháng và 2 tuần ở trẻ non tháng
- Vàng nhẹ, thường từ mặt đến thân, chi, vàng nhạt dần
- Thể trạng chung: bình thường
- Phân vàng, tiểu trong
Một số biểu hiện của vàng da bệnh lý:
- Vàng da xuất hiện sớm hoặc muộn, kéo dài trên 14 ngày
- Vàng nhẹ hoặc đậm. Xuất hiện ngay vàng toàn thân. Vàng tăng dần
- Thể trạng chung: kém
- Phân vàng hoặc bạc màu, nước tiểu vàng
Khi trẻ có 1 trong số các dấu hiệu sau thì gia đình nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và tìm nguyên nhân điều trị kịp thời:
- Vàng da xuất hiện sớm trước 48 giờ tuổi
- Vàng toàn thân, vàng đến cả lòng bàn tay, lòng bàn chân
- Vàng da kéo dài trên 1 tuần đối với trẻ đủ tháng, trên 2 tuần với trẻ non tháng
- Trẻ bị vàng da kèm các dấu hiệu bất thường khác như bú kém, co giật, sốt, phân bạc màu ...
Để nhận định được đúng dấu hiệu vàng da ở trẻ nhỏ yêu cầu cần bộc lộ vùng da của trẻ dưới ánh sáng tự nhiên là tốt nhất hoặc ánh sáng trắng. Do vậy, các bà mẹ cần quan sát màu sắc da của con mình hàng ngày dưới ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng đèn trắng để phát hiện sớm dấu hiệu vàng da.
Theo Sức khỏe và đời sống