Theo Thông báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã phát hiện 01 ca tử vong đầu tiên trên thế giới do nhiễm vi rút cúm A/H5N6. Các quốc gia khác như Đức, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Đài Loan đã phát hiện cúm A/H5N6 độc lực thấp trên đàn vịt trời và chim hoang dã. Ở Lào cũng đã phát hiện các mẫu gia cầm dương tính với vi rút cúm A/H5N6 nhưng không gây bệnh lâm sàng cho gia cầm tại tỉnh Luồng Prabang vào tháng 7/2014.
 
Tại Việt Nam cũng đã phát hiện một số trường hợp dương tính với vi rút cúm A/H5N6 trên đàn gà nuôi tại thôn Kéo Quang (khu vực giáp biên giới) của xã Chi Lăng, huyện Tràng Định thuộc tỉnh Lạng Sơn và trên đàn vịt nuôi tại thôn Tân Sơn, xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh của tỉnh Hà Tinh. Kết quả giải trình tự gien của các mẫu vi rút này cho thấy chúng có tỷ lệ tương đồng trên 99% so với chủng vi rút cúm A/H5N6 gây tử vong trên người tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ngay sau khi phát hiện dịch, các địa phương đã tiêu hủy ngay đàn gia cầm mắc bệnh, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực có dịch, tăng cường giám sát lâm sàng và lấy mẫu các đàn gia cầm xung quanh khu vực có dịch để xét nghiệm. Đến nay không phát hiện thêm đàn gia cầm mắc bệnh cúm gia cầm.
 
Để chủ động ngăn chặn vi rút cúm A/H5N6 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác lây nhiễm vào địa bàn tỉnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngày 21/8/2014, UBND tỉnh có Công điện khẩn số 22 yêu cầu Chủ tịch UNND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành liên quan thực hiện nghiêm túc, kịp thời công tác phòng chống dịch cúm gia cầm theo nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 200/CĐ-TTG ngày 14/02/2014   Về việc tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người; Công điện số 6529/CĐ-BNN-TY ngày 14/8/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm; Công điện khẩn số 05/CĐ-UBND ngày 18/2/2014  của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tập trung phòng, chống dịch cúm gia cầm, trong đó tập trung chỉ đạo các biện pháp cụ thể sau:
 
1.UBND các huyện, thành phố, thị xã.
 
a)Chỉ đạo các lực lượng liên quan (Thú y, Quản lý thị trường, Công an,..) thường xuyên kiểm tra, giám sát các tụ điểm kinh doanh, buôn bán, giết mổ gia cầm; tăng cường quản lý, ngăn chặn vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm từ vùng dịch, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, xuất phát tại các địa phương xẩy ra dịch vào địa bàn huyện. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
 
b, Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác giám sát, phát hiện nhanh các trường hợp gia cầm mắc bệnh để xử lý Ổ dịch trong diện hẹp. 
 
UBND các huyện giáp tỉnh Hà Tĩnh: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương và Tp. Vinh: Xây dựng kế hoạch giám sát chủ động vi rút cúm trên gia cầm và môi trường tại chợ buôn bán gia cầm sống, khu vực có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm ổ dịch. Xử lý tiêu hủy triệt để đàn gia cầm dương tính với vi rút cúm A/H5N6 theo hướng dẫn của cơ quan thú y. 
 
c, Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên đài phát thanh, truyền hình huyện, thành, thị; hệ thống loa phóng thanh của xã, phường, thị trấn về nguy cơ lây nhiễm chủng vi rút cúm mới A/H5N6 cho người và gia cầm địa phương. Yêu cầu người dân báo dịch khi phát hiện gia cầm ốm, chết bất thường; nghiêm cấm việc dấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh; không buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.
 
d, Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm, thủy sản trực tiếp xuống cơ sở để đôn đốc, chỉ đạo và giám sát công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, chú trọng các địa bàn có nguy cơ lây nhiễm dịch cao; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với vi rút cúm A/H5N6 và các chủng vi rút cúm khác.
 
e, Thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi, tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao phát sinh ổ dịch cúm gia cầm (khu vực chăn nuôi gia cầm, chợ buôn bán, điểm thu gom gia cầm, cơ sở ấp nở, cơ sở giết mổ gia cầm,...).
 
2.Sở Nông nghiệp và PTNT:
 
-Chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tăng cường giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.
 
-Chỉ đạo Chi cục Thú y:
 
+ Tăng cường lấy mẫu giám sát trên gia cầm và môi trường nhằm phát hiện sớm vi rút cúm A/H5N6 và các chủng vi rút cúm khác trên gia cầm để có biện pháp xử lý kịp thời.
 
+ Thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm vận chuyển nội, ngoại tỉnh; tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng liên ngành để kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý vi phạm vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra, vào địa bàn tỉnh.
 
+ Chỉ đạo Trạm kiểm dịch Bắc Nghệ An phối hợp với Công an Thị xã Hoàng Mai và lực lượng sảnh sát giao thông của tỉnh làm nhiệm vụ trên quốc lộ 1 A trực gác 24/24 giờ kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo quy định của Pháp luật. 
 
+ Khi phát hiện có vi rút cúm A/H5N6 xuất hiện trên gia cầm hoặc trong môi trường phải báo cáo ngay cho UBND tỉnh, đồng thời tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý triệt để, kịp thời theo hướng dẫn của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và PTNT, không để vi rút phát tán ra diện rộng.
 
3.Sở Công Thương: Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng Thú y, Công an, Thanh tra giao thông đấu tranh xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường.
 
4.Công an tỉnh:Chỉ đạo các lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, thành, thị điều tra, theo dõi nắm tình hình và có biện pháp giáo dục, răn đe các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu; gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm.
 
5.Sở Giao thông vận tải:Nghiêm cấm các phương tiện vận tải vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Xử lý nghiêm các chủ phương tiện vi phạm.
 
6.Sở Y tế: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai các biện pháp phòng ngừa bệnh cúm A/H5N6 và các chủng vi rút cúm khác có thể lây sang người.
 
7.Sở Thông tin và truyền thông, Báo Nghệ An, Đài PT và TH tỉnh: 
 
Phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT, Y tế thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về sự nguy hiểm của bệnh cúm A/H5N6 và các chủng vi rút cúm khác có thể lây sang người; các biện pháp phòng, chống để nhân dân biết và tự giác thực hiện.
 
8.Sở Tài chính:Chủ động tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để phục vụ cho công tác phòng chống dịch; hỗ trợ người chăn nuôi có gia cầm bị dịch Cúm gia cầm buộc phải tiêu huỷ kịp thời, đúng quy định hiện hành.
 
Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh khẩn trương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, trình UBND tỉnh để có các biện pháp giải quyết kịp thời./.
 
TM. UBND tỉnh
Chủ tịch
Nguyễn Xuân Đường