(Baonghean) - Phóng viên Báo Nghệ An trò chuyện với bà Vi Thị Khuyên, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Sơn
 
- Chào bà Vi Thị Khuyên! Được biết, mới rồi bà vinh dự tham gia trong đoàn đại biểu Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An dự Đại hội Thi đua yêu nước Ngân hàng CSXH Việt Nam, lại có tham luận gửi tới Đại hội. Điều này cho thấy, ngành đã có sự đánh giá rất cao kết quả hoạt động của Ngân hàng CSXH Kỳ Sơn và của bản thân bà?
 
images1198454_a4.jpgBà Vi Thị Khuyên, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Sơn
- Tôi là một trong những cán bộ có mặt từ ngày đầu khi Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Sơn được thành lập. Đứng chân trên địa bàn vùng biên khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 98%, tỷ lệ hộ nghèo cao, nên tôi xác định để hoàn thành nhiệm vụ phải nỗ lực phấn đấu không ngừng, vừa làm vừa trau dồi kiến thức nâng cao trình độ, ý thức tự giác về trách nhiệm  đảng viên trong công tác... Từ khi được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Ngân hàng CSXH Kỳ Sơn, trên cơ sở nhận thức được việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và chuyên môn trên địa bàn huyện nghèo 30a là vô cùng khó khăn, gian khổ, tôi đã bám sát các quy định của Ngân hàng CSXH, quan tâm đến công tác nâng cao chất lượng tín dụng, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
 
Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn Kỳ Sơn ngày càng tăng trưởng cao, an toàn và hỗ trợ tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn. Tổng dư nợ đạt gần 195 tỷ đồng, tổng số khách hàng hiện còn quan hệ vay vốn là 11.014 hộ, có 3.813 hộ được vay vốn đã thoát nghèo; giúp hộ nghèo xây dựng 2.423 ngôi nhà. Nhân dân huyện Kỳ Sơn cũng đã vay vốn xây dựng, tu sửa hơn 2.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; vay đầu tư mua hơn 40.000 con trâu, bò, tạo ra hơn 40.000 việc làm; góp phần khôi phục phát triển 3 làng nghề dệt thổ cẩm. Nguồn vốn Ngân hàng CSXH Kỳ Sơn là nhân tố quan trọng giúp tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện đã giảm mạnh từ 80,2% năm 2010 xuống còn 52,9% năm 2014. 
 
- Những con số trên rất ấn tượng. Nhưng Kỳ Sơn vẫn đang  là một huyện nghèo. Vậy, Ngân hàng CSXH Kỳ Sơn có giải pháp gì để nâng cao hơn hiệu quả của đồng vốn trên địa bàn?
 
- Bên cạnh những mặt tích cực thì bản thân nhiều hộ vay vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa hiểu đầy đủ tính quan trọng của nguồn vốn vay trong việc vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình và góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Việc quan tâm và phối hợp giữa các ngành với Ngân hàng CSXH trong việc thực hiện xóa đói, giảm nghèo cũng vẫn chưa đồng bộ và sâu sắc. Do đó, đầu năm 2014, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất và tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 21-CT/HU ngày 11/1/2014 về việc huy động toàn thể hệ thống chính trị vào việc xã hội hóa quản lý tín dụng chính sách và tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn và lãi tồn đọng của Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Sơn. Từ đó, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và hộ vay trong việc quản lý và thực hiện có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH tại địa phương.
 
UBND huyện đã thành lập Ban thu hồi nợ cấp huyện đủ mạnh để chỉ đạo thống nhất việc thu hồi nợ trên toàn huyện; đồng thời phối hợp với các tổ thu nợ tại xã kiên quyết thu hồi nợ quá hạn đã phát sinh, lãi tồn đọng, tạo bước chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng tín dụng tại địa phương; nợ xấu trong những năm qua đã được khống chế ở mức an toàn. Đầu năm 2015, đơn vị tiếp tục tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 33/CT-HU ngày 27/1/2015, ngoài phân công các nhiệm vụ chính trị cụ thể cho các cơ quan, ban, ngành đóng trên địa bàn huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy còn giao UBND huyện hàng năm dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương với số tiền 200 triệu đồng/năm chuyển cho Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Sơn để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện. Ngoài ra, hàng năm, huyện còn hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, hỗ trợ tài chính cho Ngân hàng CSXH về công tác kiểm tra, đào tạo, tập huấn cho tổ tiết kiệm và vay vốn.
 
- Từng tham gia nhiều vị trí trong hệ thống chính trị địa phương, mới đây lại được Đại hội Đảng bộ huyện Kỳ Sơn nhiệm kỳ 2015 - 2020 tín nhiệm bầu vào BCH Huyện ủy, chắc bà có thêm những trăn trở, dự định mới để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ?
 
- Ở mỗi cương vị được giao tôi đều có kế hoạch, chương trình cụ thể cho mình để chủ động thực hiện. Được tín nhiệm bầu vào BCH Huyện ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, ngoài việc coi trọng công tác tín dụng chính sách trên địa bàn, thì tôi càng tự tin nỗ lực đóng góp vào phong trào xóa đói, giảm nghèo ở Kỳ Sơn. Trên cương vị công tác của mình,  trước hết tôi sẽ tích cực tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện có những chủ trương, cơ chế để vốn tín dụng chính sách ngày càng có hiệu quả hơn trên địa bàn, đồng thời để Ngân hàng CSXH Kỳ Sơn luôn là địa chỉ tin cậy đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. 
 
- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!
 
Hữu Nghĩa