(Baonghean) - Để chủ động ứng phó với tình hình thiên tai, bão lụt, UBND tỉnh, các ngành, địa phương đã tổ chức kiểm tra, bổ cứu kế hoạch phòng, chống lụt bão (PCLB). Nhiều công trình hồ đập, đường cứu hộ, cứu nạn đang được gấp rút đẩy nhanh tiến độ.
Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, trên công trường nâng cấp đập chứa nước Khe Rọ, xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu rộn ràng xe, máy thi công. Hồ chứa nước Khe Rọ có diện tích lưu vực 1,2 km2, công trình cấp III do UBND huyện Diễn Châu làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH Hoàng Sơn. Anh Lê Văn Hiển, cán bộ kỹ thuật công ty cho biết, trước khi được đầu tư nâng cấp, thân đập bằng đất yếu gây rò rỉ, thất thoát nước ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, cuộc sống của bà con. Năm 2013, dự án nâng cấp hồ chứa nước Khe Rọ, xã Diễn Lâm được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4743/QĐ.UBND-NN. Đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo an toàn cho mùa mưa bão và tích nước cho vụ xuân 2016 (hồ chứa nước Khe Rọ cung cấp nước tưới ổn định cho 50 ha đất sản xuất lúa 2 vụ và phục vụ dân sinh). Hiện nay, dự án nâng cấp đập Khe Rọ đã hoàn thành được khoảng 80%, gồm: đắp áp trúc phía thượng lưu, mái thượng lưu, cống lấy nước, tràn xả lũ…
Ông Hoàng Văn Ba, Giám đốc BQL dự án huyện Diễn Châu cho biết: “Ngoài công trình hồ chứa nước Khe Rọ, cũng trên địa bàn Diễn Lâm, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự án sửa chữa nâng cấp hồ Bàu Gáo và hồ Khe Truông; thi công đập Bàu tại xã Diễn Phú. Tuy nhiên, dự án hồ Bàu Gáo nhà thầu chưa triển khai do kinh phí bố trí quá ít (hiện Dự án hồ Bàu Gáo và Khe Rọ UBND tỉnh mới bố trí 3 tỷ đồng, trong khi tổng mức dự án là 25 tỷ đồng). Dự án hồ Khe Truông cung cấp nước tưới cho 20 ha lúa, 15 ha màu với tổng mức đầu tư hơn 8,6 tỷ đồng, nhưng mới bố trí 1,5 tỷ đồng”.
Riêng đối với hệ thống các tuyến đường cứu hộ, cứu nạn và các trục giao thông chính trên địa bàn huyện, khu vực phía Nam như tuyến đường cứu hộ, cứu nạn Diễn Trung - Diễn Phú - Diễn Lợi đã thi công xong 8 km phần nền đường và một số công trình trên tuyến. Các trục đường từ Diễn Thịnh - Diễn Thọ - Diễn Lợi đã được sửa chữa những đoạn hư hỏng trong năm 2011 và 2012, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, đặc biệt là phục vụ ứng cứu trong mùa mưa bão. Khu vực tuyến giữa và phía Bắc có tuyến đường 205 với quy mô đường cấp V đồng bằng nối QL7 đến QL48 đã hoàn thành, đang khẩn trương thi công cầu qua sông Bùng tại xã Diễn Quảng. Tuyến đường cứu hộ, cứu nạn Diễn Hải đi Diễn Thịnh đã thi công xong hơn 3 km đường và nền đường đoạn qua xã Diễn Quảng, Diễn Tân…
Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Thế Huyền, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện tích cực đôn đốc các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án và nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tu sửa các công trình. Đặc biệt là đối với công trình nâng cấp hồ Khe Rọ, hồ Khe Truông đảm bảo thi công xong các hạng mục cống, đập và tràn để có thể tích nước đảm bảo an toàn ngay trong mùa mưa năm 2015. Kiểm tra hiện trạng hệ thống công trình hạ tầng trước mùa mưa bão, đặc biệt là các công trình đầu mối hồ đập, cống tiêu thoát lũ, đê sông, đê biển; đẩy nhanh tiến độ các dự án tu bổ, nâng cấp đê cửa sông còn lại, đảm bảo an toàn vượt lũ trước ngày 30/8/2015. Chỉ đạo UBND các xã tăng cường kiểm tra, giải tỏa cây cối, công trình trong hành lang đê điều, hành lang các tuyến tiêu: Các tuyến đê biển Kim - Hải - Hùng; Trung - Thịnh - Thành; Tuyến kênh tiêu Sơn Tĩnh, kênh Nhà Lê…”.
Để ứng phó tốt trong mùa mưa lụt, ngành NN&PTNT cũng tập trung đôn đốc tiến độ thi công xây dựng một số đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn. Điển hình như Dự án củng cố, nâng cấp tuyến đê Tả Lam đoạn từ Nam Đàn đến Rào Đừng đi qua địa bàn huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và TP.Vinh, do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư theo chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu (chương trình SP-RCC), ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác. Công trình nhằm đảm bảo ổn định cho tuyến đê Tả Lam chống được lũ sông Lam để bảo vệ cho gần 800 ngàn người dân và gần 60.000 ha đất ở, đất sản xuất, cơ sở hạ tầng trong vùng bảo vệ, nhất là khu vực TP.Vinh. Bên cạnh đó, công trình cũng có ý nghĩa chống xói lở bờ sông Lam nhằm ổn định tuyến đê Tả Lam, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân dọc hai bên bờ sông Lam. Công trình do liên danh 5 nhà thầu thi công, hiện đã hoàn thành cơ bản lát mái đê kè và đang thi công công trình trên đê.
Cùng đó, Chi cục Đê điều và PCLB tỉnh đang trực tiếp chỉ đạo thi công đường cứu hộ, cứu nạn huyện Hưng Nguyên đi qua địa bàn các xã Hưng Lam, Hưng Nhân, Hưng Xuân. Dự án thuộc hợp phần 4, dự án quản lý thiên tai (WB5) và dự án đường cứu hộ, cứu nạn huyện Đô Lương. Tuyến đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn đi qua các xã Thái Sơn, Minh Sơn (Đô Lương) có tổng chiều dài 5,7 km từ nguồn vốn Chính phủ đang được gấp rút thi công. Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn giao thông nông thôn loại A, hướng tuyến cơ bản bám theo hướng tuyến cũ chỉ nắn chỉnh cục bộ các vị trí để đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, đảm bảo tầm nhìn an toàn giao thông tại những vị trí có đường cong, góc cua hẹp.
Mặc dù mới thi công từ tháng 5/2015, còn khó khăn về nguồn vốn nhưng đến thời điểm này, nhà thầu là Công ty TNHH Hoàng Sơn đã thông tuyến và đẩy nhanh tiến độ các hạng mục. Có thể nói, đây là tuyến đường huyết mạch quan trọng trong mùa mưa lũ, tạo cơ hội để người dân nơi đây tránh được những thiệt hại do lũ lụt, mở ra hướng phát triển kinh tế - xã hội. Ông Nguyễn Thái Tuấn, ở xã Thái Sơn cho biết: “Khi Nhà nước xây dựng tuyến đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn, người dân ở đây đồng tình ủng hộ cao. Bởi đây là một tuyến đường quan trọng, không chỉ giúp cho người dân đi lại, tránh lũ trong mùa mưa mà còn giúp cho việc giao thương giữa các xã khác được thuận lợi”.
Một vấn đề đặt ra hiện nay là các công trình đang gặp khó khăn trong GPMB (như đối với dự án củng cố, nâng cấp tuyến đê Tả Lam đoạn từ Nam Đàn đến Rào Đừng), cùng đó là nguồn vốn bố trí chưa kịp thời, trong khi yêu cầu cấp bách về tiến độ thi công. Nhiều nhà thầu phải bỏ vốn trước để kịp tiến độ nhưng cũng gặp không ít khó khăn sau khi cân đối chi phí thi công. Bởi vậy, tìm giải pháp khắc phục khó khăn về nguồn vốn là mong muốn của các nhà thầu, chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các công trình PCLB hiện nay.
Thu Huyền