Hợp đồng miệng, không đóng bảo hiểm xã hội
Chị Nguyễn Thị Doan (SN 1971) quê ở xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành đã có 5 năm làm nghề giúp việc. Chị Doan cho biết, vì hoàn cảnh cần kiếm thêm thu nhập, công việc giúp việc gia đình lại khá hợp với bản thân nên qua giới thiệu của bạn bè, bà con chị vào TP. Vinh làm giúp việc.
Cũng may mắn là chị gặp được người chủ tốt bụng, gia đình lại ít người nên suốt 5 năm làm giúp việc cho một gia đình ở TP. Vinh, công việc chủ yếu của chị Doan là nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa.
Chia sẻ về thỏa thuận giữa chị và người sử dụng lao động, tức là chủ nhà nơi chị giúp việc, chị Doan cho biết, hai bên được người quen giới thiệu, rồi tự thỏa thuận bằng miệng về các yêu cầu làm việc chứ không có hợp đồng lao động. “Chủ nhà cũng không thấy nói đến việc trả tiền đóng bảo hiểm. Mà bản thân tôi cũng không nghĩ đến việc sẽ mua bảo hiểm xã hội” - chị Doan cho hay.
Hiện chị đã chuyển tới giúp việc cho một hộ gia đình ở huyện Đô Lương, nhưng trong thỏa thuận giữa chị và chủ nhà cũng không đề cập tới việc đóng BHXH hay hợp đồng lao động.
Chị Doan cho biết, mỗi tháng chị kiếm được vài triệu đồng, nếu trích đóng bảo hiểm xã hội thì số tiền còn lại chẳng bao nhiêu. Hơn nữa, hiện chị đã gần 50 tuổi, nếu mua bảo hiểm xã hội, đến khi được nhận thì tính ra lương được hưởng hàng tháng cũng chẳng ăn thua gì.
Cũng theo chị Doan thì những người chị quen biết làm nghề giúp việc gia đình hầu hết chưa mua bảo hiểm xã hội, mà chỉ mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Đa số người đi giúp việc là người còn nhiều khó khăn, việc mua bảo hiểm y tế cũng đã là một sự cố gắng đối với họ.
Tương tự, chị Ngô Thị Dung ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu năm nay đã ngoài 50 tuổi, và đã có thâm niên làm nghề giúp việc gia đình ở nhiều thành phố như Hà Nội, TP Vinh, TP Hà Tĩnh. Chị cho biết, chị và nhiều người đi giúp việc chưa bao giờ nghĩ đến việc mua bảo hiểm xã hội.
Hiện nay, chị đang phụ giúp việc nhà cho một gia đình ở phường Quang Trung, TP Vinh, tiền lương mỗi tháng chị nhận được là 5 triệu đồng, không kể ăn uống. “Chủ nhà cũng là người tốt, ngoài tiền lương thì mỗi khi về quê chị đều được chủ nhà biếu quà bánh, quần áo. Song đối với việc đóng bảo hiểm xã hội thì bản thân tôi cũng chưa nghe lần nào” - chị Dung chia sẻ.
Sớm áp dụng vào thực tiễn
Về các chính sách pháp luật mới liên quan quyền lợi, nghĩa vụ của NSDLĐ và NLĐ giúp việc gia đình, Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự cho biết, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Nghị định số 27/2014/NĐ-CP; Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 27/2014/NĐ-CP; Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung Nghị định 88/2015/NĐ-CP; được thay thế bởi Nghị định 28/2020/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành bắt đầu từ 15/04/2020), NSDLĐ, NLĐ giúp việc gia đình phải ký kết hợp đồng lao động, thời gian do các bên thỏa thuận.
Có thể nhận thấy quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Các quy định về hợp đồng lao động (quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, trợ cấp thôi việc...); chính sách về tiền lương (mức lương, tiền lương ngừng việc, khấu trừ tiền lương, tiền thưởng, chi phí khám, chữa bệnh...); thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi (thời giờ làm việc đối với lao động chưa thành niên, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ...); an toàn lao động, vệ sinh lao động; kỷ luật... của NSDLĐ, lao động là người giúp việc gia đình được quy định rõ ràng tại Nghị định số 27/2014/NĐ-CP và Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH đảm bảo đầy đủ các quyền và nghĩa vụ cơ bản của NSDLĐ, NLĐ thuần túy.
Về vấn đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tại Khoản 2, Điều 181, Bộ luật Lao động, Điều 19, Nghị định 27/2014 nhận thấy NSDLĐ có nghĩa vụ ký kết hợp đồng lao động đối với người lao động giúp việc trong gia đình, nhưng không bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội cho người giúp việc. Thay vào đó, NSDLĐ phải có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của NSDLĐ theo quy định của pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế để người lao động tự lo bảo hiểm”.
Như vậy, NSDLĐ có nghĩa vụ phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản nhưng không bắt buộc phải đóng BHXH cho NLĐ là giúp việc gia đình. Tuy nhiên, việc pháp luật quy định các chính sách liên quan NLĐ giúp việc gia đình cũng đã thể hiện bước tiến quan trọng giúp bảo vệ quyền lợi cho NLĐ và đưa giúp việc gia đình trở thành một nghề chính thức trong xã hội. Đồng thời giúp bảo vệ quyền lợi cho NLĐ là giúp việc gia đình trước pháp luật nếu tranh chấp xảy ra, tạo điều kiện cho người giúp việc gia đình được đóng BHXH và BHYT như các nghề khác.
Ngoài ra, cũng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để NSDLĐ và NLĐ nắm bắt và thực hiện nghiêm việc ký kết hợp đồng lao động, cũng như những vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội của người lao động là giúp việc gia đình, bởi đây cũng là căn cứ để giải quyết các tranh chấp lao động phát sinh, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người lao động.