Những câu chuyện buồn
Ngày 16/12, Công an thành phố Vinh (Nghệ An) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Doan (SN 1972), trú huyện Đô Lương về tội “Hành hạ người khác”. Trước đó, đoạn clip được trích xuất từ camera ghi lại cảnh bà Doan - người giúp việc cầm chân dốc ngược em bé 1 tuổi như đồ vật khiến dư luận hết sức phẫn nộ.
Camera ghi lại cảnh người giúp việc bạo hành cháu bé con anh Hoàng Anh T. Clip tư liệu |
Cụ thể, vào khoảng 19h30 ngày 4/12, vợ chồng anh Hoàng Anh T (SN 1992), trú tại TP. Vinh, đi ra ngoài ăn tối cùng với một số người bạn, đứa con 1 tuổi được bà Nguyễn Thị Doan ở nhà trông coi. Sau khoảng 1 giờ, vợ chồng anh trở về thì thấy con khóc. Lúc này người giúp việc nói là do thay đổi thời tiết nên cháu bị mệt.
Tuy nhiên, vào sáng 5/12, anh T. đi làm thì người vợ mở camera xem lại, lúc này chị tá hỏa phát hiện người bảo mẫu này đã có hành vi vô cùng thô bạo đối với con mình. Theo camera ghi lại, thấy cháu bé không chịu ngủ, bà giúp việc này đã cầm chân cháu bé dốc ngược lên, rồi lại ném xuống giường. Do quá đau nên cháu bé đã òa khóc, tuy nhiên, người phụ nữ này không dừng lại mà có nhiều hành động mạnh hơn.
Anh T. tra hỏi nhưng người giúp việc này vẫn một mực từ chối. Chỉ tới khi được xem lại hình ảnh từ camera thì bảo mẫu này mới chịu thừa nhận mình đã sai và xin lỗi gia đình. Được biết, gia đình mới thuê bà Doan từ ngày 6/11, thông qua một công ty môi giới việc làm ở TP. Vinh với giá 4,5 triệu đồng/tháng. Sau sự việc, anh T. đã cho bà này nghỉ việc rồi báo cho cơ quan công an.
Một vụ việc tương tự cũng đã xảy ra trên địa bàn TP. Vinh vào cuối tháng 10/2017 tại gia đình anh Đinh Văn T (SN 1994), trú tại phường Bến Thủy. Anh T cho biết, vào ngày 5/10/2017, gia đình anh đã thuê bà Đinh Thị L. (SN 1961), trú tại xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) làm “bảo mẫu” với giá tiền 4 triệu đồng/tháng.
Nhiệm vụ của bà L. là chăm sóc con trai mới 5 tháng tuổi của anh. “Tuy nhiên, sau thời gian thuê bà L. thì vợ chồng tôi phát hiện cháu có những biểu hiện khác thường như hay quấy khóc, kén ăn hẳn đi, hay bị nôn… nhưng chúng tôi vẫn không hề biết rằng con mình bị đánh đập như vậy”, anh T. kể.
Ngày 24/10/2017, khi anh T. đang ăn sáng tiện thể mở camera trong nhà để xem thì thấy có những khoảng thời gian không được ghi lại. Nghi ngờ có chuyện xảy ra nên anh T. đã nhờ bạn đến kiểm tra lại camera. Đến chiều cùng ngày, sau khi khôi phục lại dữ liệu thì anh T. mở ra xem.
Lúc này, anh phát hiện những hình ảnh vào ngày 11/10, camera ghi lại cảnh bà “bảo mẫu” đang đánh vào đầu con của mình. “Tôi thực sự choáng váng, chân tay run lên khi xem những hình ảnh do camera ghi lại. Tôi không ngờ rằng bà L. lại có thể nhẫn tâm đánh cháu như vậy”.
Camera cho thấy bà L. cầm gối đập lên mặt, vào đầu cháu bé con anh Đinh Văn.T. Ảnh tư liệu |
Ngày hôm sau, gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ xác định nội tiết cháu bình thường, sau thóp bị phồng. Mặc dù không có những dấu hiệu rõ ràng nhưng nghi ngờ cháu bị phồng não. Do sự việc quá nghiêm trọng nên sau khi bàn bạc, gia đình quyết định chấm dứt việc thuê bà L., đồng thời báo cho Công an phường Bến Thủy và đơn vị đã chuyển toàn bộ hồ sơ sự việc lên Công an TP.Vinh.
Đây chỉ là 2 trong số những vụ việc bạo hành trẻ em liên quan đến người giúp việc bị phát hiện, được xem là bề nổi của tảng băng chìm, còn thực tế có bao nhiêu vụ việc tương tự thì khó có thể thống kê.
Đâu là giải pháp?
Theo Công an TP. Vinh, những vụ việc với đủ căn cứ nói trên đều được điều tra xử lý nghiêm. Đơn cử, ngay sau khi có đơn trình báo của gia đình anh Hoàng Anh T, sáng 6/12/2019, Công an TP.Vinh đã đến nhà để trích xuất camera điều tra theo nội dung đơn tố cáo. Bà Doan sau đó bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Hành hạ người khác”. Quá trình điều tra, bị can Doan đã thừa nhận hành vi phạm tội, tỏ ra ăn năn, hối hận về hành vi của mình đã gây ra với nạn nhân.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù đã bị xử lý thích đáng, nhưng đáng buồn là những vụ bạo hành trẻ em từ những người giúp việc vẫn không thể chấm dứt triệt để, gây tâm lý lo lắng, hoang mang cho các gia đình cũng như bức xúc trong dư luận xã hội.
Một bác sĩ tại Bệnh viện Sản - Nhi cho rằng: Những tổn thương về mặt sức khỏe có thể chữa khỏi, nhưng tổn thương về tâm lý có thể sẽ theo trẻ đến suốt cuộc đời. Theo đó, trẻ sẽ bị sợ hãi tột bậc, mà đặc biệt với trẻ thần kinh yếu có thể bị trầm cảm, sang chấn tâm lý… Điều này làm cho mối quan hệ của trẻ với những người xung quanh trở nên khó khăn hơn. Chưa kể, sau này khi nhìn thấy cảnh đánh đập, phần vô thức đó sẽ “sống lại”, trẻ sẽ bị hoảng loạn khi nhớ lại cảnh bị hành hạ trước đó, điều này rất nguy hại.
Để giảm thiểu nạn bạo hành trẻ em từ những người giúp việc, trước tiên người mẹ cần để ý đến con nhiều hơn. Theo đó, khi tuyển người trông trẻ bố mẹ nên tìm về địa bàn nơi người đó cư trú để tìm hiểu, ngoài việc người đó có khỏe mạnh không, có bệnh truyền nhiễm không thì quan trọng nhất là người đó có kiên nhẫn, có biết cách chơi với trẻ không, có yêu trẻ không...
Bà Nguyệt cho rằng, một người giúp việc, nếu có xu hướng bạo lực và nóng nảy sẽ lộ ra ngay chỉ với vài hành động nhỏ, bởi đó là bản năng. Thêm nữa, việc trò chuyện, lắng nghe, quan sát con mỗi ngày sẽ giúp bố mẹ phát hiện con thích hay sợ hãi người giúp việc, bởi bản năng nhận biết yêu thương của trẻ em rất mạnh. Đây là kiến thức bố mẹ nên biết và tận dụng trong việc tìm người giúp việc, chăm sóc con mình.
Chị V.T.N, nhân viên một công ty có dịch vụ cung ứng người giúp việc, trông trẻ trên địa bàn TP. Vinh cho rằng, trên thực tế nhu cầu tìm người giúp việc, trong đó có cả việc trông giữ trẻ rất lớn, đặc biệt ở những đô thị lớn. Yêu cầu với người giúp việc hiện nay không chỉ là dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, giặt quần áo mà đòi hỏi nhiều kỹ năng, trong đó có cả vấn đề trông trẻ.
Nhu cầu xã hội lớn nhưng trên thực tế hiện nay giúp việc chưa được xem là một nghề, bởi vậy không cần đào tạo, bằng cấp, thay vào đó chỉ là việc làm thêm dành cho những người nhàn rỗi, người già, người mất sức lao động, chủ yếu ở quê. Chính bởi vậy, khó có thể đòi hỏi cao ở họ.
Như vậy có thể thấy, để trẻ em không bị bạo hành ngay trong chính gia đình của mình từ những người giúp việc, trông trẻ thì việc xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi bạo hành không giải quyết được tận gốc vấn đề, mà quan trọng hơn là phải tuyên truyền, giáo dục, làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng.
Trong đó, bố mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc con cái, không nên khoán trắng cho người giúp việc. Về lâu dài, nên xác định nghề giúp việc, nhất là việc liên quan đến trông trẻ là một nghề, bởi vậy, cần có cơ sở đào tạo, cấp chứng chỉ và phải có tổ chức quản lý, chứ không thể phó mặc cho các công ty, trung tâm giới thiệu việc làm như hiện nay.
Quy định tại Điều 140 về tội hành hạ người khác theo Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên;
c) Đối với 2 người trở lên.