Chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ ta - nhân kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có bài viết riêng cho Tạp chí Cộng sản.
Sáu mươi chín năm trước, vào mùa thu năm 1945, nhân dân Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng, đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại trong lịch sử nước nhà: đập tan xiềng xích của chế độ thực dân, phong kiến; giành lại nền độc lập dân tộc; khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước của nhân dân và vì nhân dân; nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập, tự do và khẳng định toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để bảo vệ nền tự do, độc lập ấy.
Gần 70 năm qua, nhân dân ta đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách để xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân, như lời Bác Hồ dạy: nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì. Đồng thời, nhân dân ta cũng đã phải hy sinh biết bao xương máu, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược để bảo vệ nền độc lập tự do, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Ngày nay, trong một thế giới đang diễn ra mạnh mẽ quá trình toàn cầu hóa, đan xen nhiều mối quan hệ phức tạp, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, đấu tranh gay gắt giữa các nước, giữa các nền chính trị, kinh tế và văn hóa khác nhau, sự hưng thịnh hay tồn vong của mỗi quốc gia, dân tộc không còn chỉ là chuyện riêng của từng quốc gia hay dân tộc. Điều đó đã tạo ra cả thời cơ và thách thức với mọi quốc gia, nhất là với các nước nhỏ trong việc bảo vệ lợi ích, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Trong bối cảnh đó, đặc biệt là trước diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và trên thế giới trong những năm gần đây, hơn bao giờ hết, đòi hỏi đất nước ta phải phát triển nhanh, bền vững, nâng cao sức mạnh tổng hợp, nội lực của đất nước về mọi mặt; đồng thời phải luôn nêu cao cảnh giác, kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đây là nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả của chúng ta hôm nay trước tổ tiên và các thế hệ cha anh đi trước, như lời Bác Hồ dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” và trước các thế hệ con cháu muôn đời sau.
Nước Việt Nam ta độc lập! Non sông gấm vóc Việt Nam ta thống nhất, toàn vẹn từ cao nguyên Đồng Văn đến mũi Cà Mau, từ dãy núi rừng Trường Sơn hùng vĩ đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hiên ngang trong sóng gió Biển Đông! Đất nước Việt Nam, do ông cha để lại, dọc ba miền Bắc-Trung-Nam liền một dải, đẹp đẽ vô cùng và thiêng liêng vô giá. Đồng bào Việt Nam ta dù ở miền xuôi hay miền ngược, đang ở trong nước hay ở nước ngoài đều là đồng bào con Lạc, cháu Hồng, cùng chung tay xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và giữ gìn vững chắc non sông gấm vóc của Tổ quốc.
Thời nào cũng thế, nhân dân ta không dung thứ bất cứ ai, bất cứ hành động nào làm xâm hại lợi ích của đất nước, của dân tộc. Đó chính là đạo lý thiêng liêng nhất và là pháp lý công minh nhất! Ai vi phạm hoặc làm vấy bẩn điều vô giá đó, người ấy không xứng đáng là người con đất Việt. Điều nhân dân ta cần và tôn vinh là những người yêu nước chân chính, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng của mình vì lợi ích chung của đất nước, thể hiện lòng yêu nước bằng những việc làm thiết thực, cụ thể có lợi cho dân, cho nước như lời Bác Hồ dạy: Cái gì có lợi cho dân, cho nước thì cố hết sức làm, cái gì có hại cho dân, cho nước thì cố hết sức tránh. Vì vậy, để góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, mỗi người chúng ta, dù làm gì, ở bất kỳ vị trí làm việc, công tác nào, cũng phải làm hết sức mình để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, chức trách của mình, tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các thói hư, tật xấu, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm. Chúng ta không thể chấp nhận những người miệng nói yêu nước nhưng vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm” mà tham nhũng, lãng phí, làm tổn hại đến lợi ích của đất nước, làm nghèo, suy yếu đất nước. Đây là “giặc nội xâm”, là những “khối u” trên cơ thể đất nước cần phải cắt bỏ.
Để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đất nước đòi hỏi phải có tầm nhìn xa, bản lĩnh vững vàng, kiên định về nguyên tắc nhưng tỉnh táo, linh hoạt, khôn khéo trong sách lược, “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Những bài học giữ nước của cha ông ta để lại là hết sức quý giá với chúng ta ngày nay. Những cảnh báo của nhà bác học Lê Quý Đôn về những nguy cơ làm mất nước: “Một, trẻ không kính già; hai, trò không trọng thầy; ba, binh kiêu tướng thoái; bốn, tham nhũng tràn lan; năm, sỹ phu ngoảnh mặt” là điều chúng ta cần phải suy ngẫm; hay những lời nói của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: phải biết chủ động “rút củi đáy nồi”, “phải kiềng canh nóng mà thổi rau nguội” trong xử lý quan hệ với kẻ thù; “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt”, xây dựng “quân đội một lòng như cha con thì mới dùng được”, “phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách giữ nước”... vẫn còn nguyên giá trị với chúng ta hôm nay.
Ngày nay, kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường của dân tộc, những bài học giữ nước của cha ông, bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao sức mạnh tổng hợp và uy tín quốc tế của đất nước, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh quốc tế, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất, nhân dân ta nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc non sông gấm vóc do cha ông để lại để trao truyền cho muôn đời con cháu mai sau.
***
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 30 năm đổi mới mà nhân dân ta đạt được khiến chúng ta hãnh diện và tự hào, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Nhưng, chúng ta vẫn luôn đau đáu vì nền kinh tế nước ta còn tụt hậu, cuộc sống của đồng bào ta ở nhiều vùng, nhiều đối tượng còn rất khó khăn; vẫn còn tệ tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm, thói quan liêu hống hách cửa quyền với nhân dân, tình trạng trù dập, ức hiếp người dân lương thiện, gây ra bao nỗi oán thán, bất bình trong nhân dân. Chúng ta vẫn còn phải trăn trở, đau lòng khi nghe những câu truyền miệng lâu nay trong nhân dân: “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ...” trong công tác cán bộ và những nhận xét về thứ “đạo đức bốn mặt” (trước mặt, sau lưng, trước cấp trên và trước đồng bào mình) đang là phương thức hành xử của không ít cán bộ, đảng viên, cũng như trước tình trạng không ít cán bộ “tay đã nhúng chàm” bị dư luận xã hội lên án hoặc đã và đang bị truy tố, xét xử. Đây chính là những điều đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ ta, là mầm họa đối với độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Người xưa nói: không biết xấu hổ thì không thành người được! Ấy là liêm sỉ ở đời! Không trừ một ai, dù là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị hay một công dân bình thường luôn phải tự vấn về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, luôn phải biết tự hổ thẹn với lương tâm về đạo lý làm người! Không trừ một ai, ở bất kỳ cấp nào, có việc làm hại cho dân cho nước, làm nhân dân bất bình, nếu đạo lý, lương tâm không đủ thức tỉnh, răn đe thì pháp lý phải được triệt để áp dụng. Ai vi phạm thì khuyên răn, nếu vẫn chưa thức tỉnh thì cần thiết phải nghiêm trị, “xây” phải đi đôi với “chống”, để giữ gìn, củng cố lòng tin của nhân dân, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bởi vì “dân là gốc”; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”, cũng như người Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã từng viết: “làm lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước”. Vì vậy, để có đủ sức mạnh vượt qua mọi chướng ngại, chông gai trên con đường bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, thì mối quan hệ máu thịt, sinh tử giữa Đảng với nhân dân lại đòi hỏi phải được chăm lo ở một tầm cao mới, với chất lượng mới. Chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ ta. Khối đoàn kết, thống nhất, đồng tâm hiệp lực của hơn 90 triệu đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài sẽ là sức mạnh vô địch để giữ gìn, bảo vệ non sông đất nước Việt Nam mãi mãi trường tồn.
***
Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là nhiệm vụ thường xuyên, hằng ngày, hằng giờ không được phép sao nhãng, lơ là, nhưng cũng là cuộc đấu tranh lâu dài, kiên trì, bền bỉ với những khó khăn, thử thách to lớn. Đây là sự nghiệp của toàn dân, của mọi người Việt Nam, nhưng Đảng và Nhà nước ta, những người lãnh đạo và quản lý đất nước, có vai trò và trách nhiệm to lớn.
Tháng 9 năm nay tròn 45 năm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta phải tiếp tục học tập và làm theo những lời dạy trong Di chúc của Bác: “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”, “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ của nhân dân”, “mỗi đảng viên, cán bộ phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”; đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh, Điều lệ, quan điểm, đường lối, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, trên cơ sở bảo vệ lợi ích của dân tộc, của đất nước, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Trên tinh thần đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên cần phải tiếp tục thực hiện thật tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011, của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kiên quyết đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, để giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng, để đánh giá cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, triển khai thực hiện Hiến pháp sửa đổi vừa mới được Quốc hội thông qua, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước ta thật sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, được toàn dân tin cậy, ủng hộ. Làm được như vậy thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy, chúng ta cũng nhất định thắng lợi.
Phát huy tinh thần và truyền thống vẻ vang của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, tiếp tục học tập và thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng thành một khối vững chắc, nỗ lực phấn đấu, nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách, xây dựng nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, sánh vai với các cường quốc năm châu và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, để dân tộc ta, đất nước ta phồn vinh, mãi mãi trường tồn. Đó cũng là thước đo lòng yêu nước của mỗi chúng ta lúc này.
Trương Tấn Sang (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước)