Thông báo nêu khẩu hiệu cho việc tiến hành là “Hành động thứ 5: chiếu tướng và hết”, được phát ra vào 10h30’ (giờ Paris) sáng 11/12/2018. Kế hoạch này được loan tin trong một nhóm người sử dụng mạng xã hội với tên “Những người áo vàng công sở”. “Chúng ta sẽ tiếp tục gặp nhau vào thứ 7, ngày 15/12 tại Paris. Địa điểm cụ thể sẽ thông báo vào thời điểm cuối cùng”.
Sau khi thông báo được phát ra có 6.510 Facebooker xác nhận “sẽ tham gia” và 35.000 người khác trả lời bằng nút “like”.
Biểu tình của những người Áo vàng đã trở thành khủng hoảng nặng nề cho nước Pháp. Ảnh: Ria Novosti Cuộc biểu tình của những người Áo vàng đã sang tuần thứ 4, lý do trực tiếp là sự tăng giá nhiên liệu mà Chính phủ Pháp vừa định làm. Tuy nhiên nguồn gốc sâu xa của vấn đề nằm ở tình trạng chênh lệch giàu nghèo quá lớn, chính sách thuế còn bất công giữa các tầng lớp xã hội, sự chênh lệch phát triển giữa Thủ đô và một số thành phố lớn với các vùng còn lại của đất nước hình lục lăng.
Để xoa dịu tình hình, Chính phủ Pháp đã quyết định hoãn tăng giá xăng dầu và ngày hôm qua Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng chính thức, đưa ra hứa hẹn ở một vài vấn đề, trong đó có việc tăng mức thu nhập tối thiểu cho người dân 100 euro/1 tháng...
Phong trào này không chỉ diễn ra ở Pháp mà đã lan sang một số quốc gia khác của Châu Âu (Ý, Bỉ...).
Cảnh sát được điều động với số lượng lớn để trấn áp cơn cuồng nộ ngày càng lan rộng của lực lượng biểu tình. Ảnh: Ria Novosti Rõ ràng giá nhiên liệu hay thậm chí là tiền lương tối thiểu của người lao động Pháp nói riêng, người lao động Châu Âu nói chung không phải là vấn đề chính của phong trào phản đối các Chính phủ Châu Âu nữa. Đằng sau đó, hay nói chính xác, căn nguyên sâu xa, nền tảng của sự nổi giận trong dân chúng nghèo khó là những mâu thuẫn xã hội sâu sắc, tích tụ từ lâu.
Phong trào Áo vàng là một cuộc khủng hoảng khá toàn diện ở Pháp, từ kinh tế cho đến xã hội, nó đe dọa không những sự ổn định trật tự của Pháp mà còn tới cả Liên minh Châu Âu, bởi đã có yêu cầu Frexit...