Với 107 phiếu ủng hộ, 14 phiếu chống và 52 phiếu trắng, Palestin đã chính thức trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), nâng tổng số thành viên của tổ chức này lên 195 nước.
Palestin sẽ phải ký và phê chuẩn Hiến chương của tổ chức này để quy chế thành viên có hiệu lực.
Thế giới mong ước Palestine có một ghế chính thức tại Liên Hiệp Quốc - Ảnh: AFP
Cuộc bỏ phiếu thông qua tư cách thành viên đầy đủ của Palestin diễn ra ngày 31-10 tại khóa họp thường niên của Đại Hội đồng UNESCO ở Paris (Pháp). Pháp cùng các nước Ả rập, châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, đã bỏ phiếu ủng hộ Palestin. Với kết quả này, UNESCO đã trở thành cơ quan đầu tiên thuộc Liên hợp quốc (LHQ) dành cho Palestin quy chế thành viên đầy đủ.
Trước đó, ngày 23-9 vừa qua, Tổng thống Palestin Mahmoud Abbas đệ đơn xin làm thành viên chính thức của LHQ và Hội đồng Bảo an LHQ dự kiến sẽ thảo luận vấn đề này trong tháng 11 tới.
Hồi đầu tháng 10, Hội đồng chấp hành UNESCO đã thông qua một khuyến nghị về dành cho Palestin quy chế thành viên đầy đủ. Palestin là quan sát viên của UNESCO từ năm 1974.
Trong một phản ứng đầu tiên, Ngoại trưởng Palestin Riyad al-Maliki khẳng định "đây là thời khắc lịch sử trả lại cho Palestin các quyền của mình".
Việc trở thành thành viên của UNESCO được coi là một thắng lợi của Chính quyền Tổng thống Abbas trong mục tiêu thành lập nhà nước Palestin độc lập và trở thành thành viên đầy đủ của LHQ. Tuy nhiên, Mỹ và Israel đã phản đối kết quả cuộc bỏ phiếu trên. Các nghị sĩ Mỹ đã dọa sẽ rút khoản hỗ trợ hàng năm trị giá 80 triệu USD dành cho các hoạt động của UNESCO, tương đương 22% nguồn quỹ của tổ chức này.