Ấn Độ đang có kế hoạch tăng cường sức mạnh quốc phòng ở các vùng biên giới trên bộ lẫn trên biển, đồng thời phát triển lực lượng biệt kích.
Theo Báo cáo Cán cân quân sự châu Á 1990 - 2011 của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Mỹ), lực lượng vũ trang Ấn Độ hiện có quân số lớn thứ 2 ở châu Á với hơn 1,1 triệu binh sĩ. Thời gian qua, nước này không ngừng gia tăng chi phí quân sự, từ mức 21,9 tỉ USD hồi năm 2000 lên thành 33,5 tỉ USD vào năm 2010, để tăng cường sức mạnh quốc phòng.
Tăng trên bộ lẫn trên biển
Tờ The Times of India ngày 2.11 đưa tin chính phủ Ấn Độ đang có kế hoạch tăng thêm khoảng 100.000 binh sĩ ở khu vực biên giới giữa nước này với Trung Quốc trong giai đoạn 2012 - 2017. Theo đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã phê duyệt kế hoạch hiện đại hóa quân đội trị giá 13 tỉ USD, bao gồm việc tăng thêm 4 lực lượng mới dọc biên giới phía bắc.
Những lực lượng mới gồm 2 quân đoàn chuyên hoạt động ở miền núi cùng 2 lữ đoàn độc lập ở khu vực Ladakh gần Kashmir và vùng Uttarakhand giáp giới Tây Tạng. Đây được xem là động thái mạnh mẽ nhất trong việc tăng cường quân đội ở biên giới của New Delhi kể từ cuộc xung đột Ấn - Trung năm 1962. Không chỉ tăng quân, Ấn Độ còn thực hiện kế hoạch hiện đại hóa quân sự toàn diện cho các lực lượng vũ trang tại những khu vực trên. Theo The Times of India, New Delhi sẽ nâng cấp hỏa lực, bổ sung các loại súng có tính cơ động cao, phù hợp trong tác chiến ở miền núi và tăng cường máy bay trực thăng chiến đấu. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng như bãi đáp trực thăng và đường băng tại vùng biên giới phía bắc.
Ấn Độ đang tăng cường sức mạnh cho quân đội - Ảnh: Radiobras
Ấn Độ và Trung Quốc có đường biên giới chung dài hơn 3.000 km và giữa hai nước vẫn còn một số tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ. Gần đây, giới chức New Delhi tỏ ra lo ngại việc Bắc Kinh tăng cường binh sĩ và xây dựng cơ sở hạ tầng gần biên giới. Ngoài ra, tờ The Economic Times ngày 6.10 dẫn lời Tổng tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ Vijay Kumar Singh cho rằng binh sĩ Trung Quốc đang hiện diện tại khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát. Theo ông Singh, lính Trung Quốc nằm trong số 3.000 - 4.000 người hiện diện dưới các vai trò khác nhau tại vùng này. Cả Trung Quốc lẫn Pakistan đều phủ nhận thông tin trên.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng có kế hoạch tăng cường không quân lẫn hải quân cho khu vực quần đảo Andaman và Nicobar của nước này trên Ấn Độ Dương, sau những diễn biến đáng quan ngại về an ninh biển gần đây trong khu vực.
Phát triển biệt kích
Cũng theo The Times of India, Ấn Độ còn quyết định tăng cường lực lượng đặc nhiệm. Tờ báo dẫn lời giới chức cho hay New Delhi có kế hoạch tăng thêm 2 đơn vị biệt kích với tổng quân số 1.600 người trong vòng 5 năm tới. Hiện tại, đơn vị 800 biệt kích đầu tiên đã bắt đầu được đào tạo và sẽ sớm sẵn sàng hoạt động. Mỗi đơn vị sẽ gồm nhiều nhóm nhỏ có số lượng từ 6 - 7 người, được đầu tư xấp xỉ 1 triệu USD.
Biệt kích Ấn Độ sẽ được tăng cường khả năng chiến đấu độc lập, đủ sức hoạt động trong trạng thái bị cô lập suốt 48 giờ. Ngoài ra, mỗi binh sĩ được trang bị hệ thống định vị toàn cầu, thiết bị liên lạc cá nhân tiên tiến gắn trực tiếp trên người và không cần điều khiển bằng tay. Kèm theo đó, các biệt kích cũng được trang bị hệ thống máy tính và bản đồ số được tích hợp trong quần áo để phân tích tình trạng tác chiến. Những thiết bị này giúp các nhóm biệt kích có thể tác chiến độc lập hay phối hợp hiệu quả theo diễn biến nhiệm vụ, dưới sự giám sát liên kết chặt chẽ với cơ quan chỉ huy.
Kế hoạch này do Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ cùng Công ty điện tử Bharat phối hợp thực hiện. Các thành tựu ứng dụng cho biệt kích được bảo mật tối đa nên không chia sẻ cho các lực lượng khác.