(Baonghean) - Trước vấn đề về kinh tế mà các thành viên của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (Opec) phải đối mặt, đại diện các nước trong tổ chức này nhóm họp tại Vienna (Áo) vào ngày 30/11 để thảo luận về vấn đề cắt giảm sản lượng. Việc có cắt giảm sản lượng hay không và cắt giảm bao nhiêu còn chưa ngã ngũ, nhưng một vấn đề chính có thể được bàn bạc kỹ là về chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Cắt giảm sản lượng
Theo một ước tính độc lập, sản lượng dầu thô của Opec trong tháng 10 là 33.64 triệu thùng/ngày, và hầu hết các phân tích đều nhận định rằng, tổ chức này sẽ ký một thỏa thuận nhằm cắt giảm sản lượng để kiểm soát một cuộc khủng hoảng thừa có thể đẩy giá lên đến 55 USD/thùng.
Tuy vậy, theo Bloomberg, chỉ có 7/20 phân tích có thể chỉ ra sản lượng dầu mà từng thành viên phải cắt giảm, do vậy rất khó để đoán trước được tác động lên thị trường.
Đây là cuộc họp đánh dấu năm thứ 2 Opec từ bỏ việc thiết lập giá dầu thô và để thị trường quyết định. Đồng thời, cũng là nỗ lực hạn chế đầu ra của các sản phẩm không thuộc Opec, đặc biệt là các nhà sản xuất dầu từ Mỹ.
Opec đã thành công trong việc hạn chế đáng kể sản phẩm dầu do Mỹ sản xuất khi giá dầu giảm mạnh dưới 30 USD vào tháng 2/2016. Tuy nhiên, bản thân các nước thành viên cũng chịu những hậu quả trong quá trình này. Các nước thành viên như Venezuela đang trong tình trạng khủng hoảng kinh tế còn Saudi Arabia phải huy động nguồn tài chính trên thị trường trái phiếu quốc tế cho các quỹ của nước mình.
Dự đoán về sự thỏa thuận trong Opec đã đẩy giá dầu thô tăng trong tuần này với giá dầu thô tiêu chuẩn Brent ở mức 47$/thùng. Opec đang sản xuất lượng dầu kỷ lục và nếu đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng thì đây sẽ trở thành vấn đề nóng.
Các nước như Saudi Arabia dường như không còn kiên nhẫn với mức giá dầu thấp, bên cạnh đó lại có được sự ủng hộ từ các nước thành viên chính như Iraq và Iran, thậm chí là nước không thuộc Opec như Nga về việc giới hạn sản lượng. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề cần cân nhắc như sản lượng cần cắt giảm hay hạn ngạch đối với mỗi quốc gia.
Lo ngại về ảnh hưởng của Donald Trump
Đối với Tổng thống đắc cử Donald Trump, trong quá trình vận động tranh cử, ông đã tuyên bố sẽ tháo gỡ các quy định phiền toái cho ngành công nghiệp dầu mỏ và sắp xếp lại lĩnh vực này. Đây chính là mối quan tâm lớn của các nước Opec trong cuộc họp lần này.
Scott Roberts - chuyên gia về thị trường dầu mỏ cho rằng, mối quan tâm lớn nhất của Ả Rập là nếu Mỹ khuyến khích các công ty tăng thêm 50.000 thùng dầu/ngày trong 12 tháng tới thì áp lực lên giá cả sẽ rất lớn.
Micheal Cohen - một nhà phân tích của Barclays cũng đồng ý rằng, việc ông Trump thắng cử đặt Opec vào tình thế khó khăn. Điều này có thể khiến Opec không dễ dàng đi tới một quyết định chung bởi vì chiến dịch của Trump đã đưa ra ẩn ý về việc phá vỡ các thỏa thuận hạt nhân với Iran, cũng như cam kết sự độc lập về năng lượng cho Mỹ.
Điều này đồng nghĩa với câu hỏi, làm cách nào để Iran có thể tham gia vào tiến trình cắt giảm sản lượng trong bối cảnh nền kinh tế có thể gặp nhiều thách thức hơn, nếu gặp các trừng phạt từ Mỹ, và nếu Iran không sẵn sàng thì Saudi Arabia cũng sẽ khó có thể đồng ý.
Saudi Arabia cũng không mấy hài lòng với lời lẽ của ông Trump trong chiến dịch. Trump tuyên bố sẽ có thể cắt giảm nhập khẩu dầu tại vùng Vịnh, một quyết định không được chào đón từ hoàng gia Saudi Arabia. Nếu Saudi Arabia cảm thấy việc quản lý thị trường bằng cách đặt ra giới hạn cho các sản phẩm của Mỹ mà ảnh hưởng đến các cổ phiếu trên thị trường của họ thì họ sẽ không can thiệp vào thị trường.
Trên thực tế, có rất nhiều điều chưa biết về chính sách năng lượng trong nước của Trump, từ việc mở các vùng đất liên bang cho hoạt động khoan dầu và hủy bỏ các dự án năng lượng sạch để thúc đẩy sản xuất than.
Tuy vậy, giá cả chứ không phải các chính sách mới là điều quyết định hoạt động sản xuất dầu mỏ, việc Trump mở thêm các vùng đất mới để khoan dầu không có nghĩa là các công ty sẽ tự động lắp đặt giàn khoan lên đó. Do vậy, nỗi lo về sự tăng sản lượng dầu sản xuất từ Mỹ là chưa chắc chắn.
Michael Hsueh - nhà phân tích tại ngân hàng Deutsche đồng tình rằng, những lo ngại về ảnh hưởng của Trump lên năng lượng của nước Mỹ cũng như toàn cầu có thể đã được phóng đại. Những thay đổi từ chính sách năng lượng hiện thời của nước Mỹ có thể không ảnh hưởng đến phạm vi rộng và lâu dài ở các nước khác.
Hsueh cũng cho rằng, việc nhập khẩu dầu thô đã giảm trong 10 năm qua và kế hoạch cho dầu và khí đốt giai đoạn 2017 - 2022 đã được phát triển rõ ràng.
Trên thực tế, chính sách tác động lớn nhất có thể là việc Trump không ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Iran, điều này giống như áp đặt lại các biện pháp trừng phạt có thể ảnh hưởng tới lợi ích xuất khẩu và mục tiêu sản lượng của Opec.
Phan Vũ