Tuyên bố được ông Trump đưa ra trong cuộc họp với các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ngày 12/4.
Người phát ngôn Nhà Trắng Lindsay Walters cho hay trong cuộc gặp đó tổng thống Trump tiết lộ ông đã chỉ đạo Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Cố vấn kinh tế Larry Kudlow xem xét khởi động lại các cuộc đàm phán.
Tháng 1/2017, vài ngày sau khi nhậm chức, tổng thống Trump đã ký tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP song để ngỏ khả năng quay lại nếu các điều khoản trong hiệp định này có lợi hơn cho Mỹ.
Tổng thống Trump đã chỉ trích quyết định gia nhập TPP của chính quyền tiền nhiệm, cho rằng đó là một thảm họa sẽ cướp mất việc làm của người Mỹ.
"Tổng thống luôn khẳng định ông sẽ kiếm lại một thỏa thuận với các điều khoản tốt hơn cho nước Mỹ", bà Walters khẳng định.
Kể từ khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 quốc gia khác đã tiến hành các cuộc đàm phán riêng, trong đó loại bỏ các chương, điều khoản về đầu tư, mua sắm chính phủ và sở hữu trí tuệ - những mảng chính mà Washington phản đối dưới thời Trump.
Một hiệp định mới với tên gọi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau đó đã được ký kết tại Chile hồi đầu tháng 3 vừa qua.
Canada và Mexico, hai quốc gia đang "vất vả" đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mỹ cũng có mặt trong CPTPP.
Khi được hỏi về những diễn biến mới từ Mỹ, một quan chức cấp cao của chính phủ Canada cho biết vào thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm để nói CPTPP sẽ ra sao hay TPP sẽ hồi sinh nếu Mỹ tham gia.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump cho thấy ông là người hoài nghi các hiệp định thương mại đa phương, cho rằng các thỏa thuận song phương có thể đưa ra các điều khoản tốt hơn.