44571370_1432018.jpg
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và công nghiệp VN - VCCI), phân tích thêm những thuận lợi, điểm cần đặc biệt lưu ý khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực:

- Việc phổ biến thông tin, rà soát và chuyển hóa cam kết vào quy định là những việc cần làm ngay để các ưu đãi của CPTPP được tận dụng hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy cần tránh sửa quy định trong nước quá mạnh so với cam kết...

 * Bộ Công thương cho biết quá trình đàm phán đã chú ý để có lộ trình mở cửa phù hợp cho các ngành chịu rủi ro như nông nghiệp hay chăn nuôi. Bà thấy các cam kết trong lĩnh vực trên đã phù hợp?

- Nếu so sánh cơ học, có thể thấy trong khi lộ trình loại bỏ thuế của các nước thường chỉ 3-7 năm thì các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta đang được hưởng lộ trình dài hơn đáng kể. Thịt gà chỉ xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 11-12 năm. Thịt heo tươi có lộ trình loại bỏ thuế là 10 năm, thịt đông lạnh cũng 8 năm. Đường, trứng, muối chỉ xóa bỏ thuế quan cho một khối lượng nhất định (hạn ngạch) và lộ trình cũng là 6-11 năm...

* Tuy nhiên, câu chuyện nông sản không chỉ có vấn đề thuế?

- Đúng. Nhiều nước trong CPTPP có thể loại bỏ thuế ngay đối với nông sản, nhưng quy trình cấp phép và kiểm tra kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm lại rất ngặt nghèo và vì vậy vẫn có thể ngăn cản nông sản nhập khẩu mà không cần dùng công cụ thuế.

Do đó, bảo vệ nông sản VN trước tác động bất lợi của CPTPP không chỉ dựa vào lộ trình dài mà đủ. Rất cần các biện pháp khác để góp phần vào mục tiêu này như tăng cường kiểm soát hiệu quả nông sản nhập khẩu (từ các nguồn khác nhau, chứ không chỉ từ CPTPP), tận dụng các ngoại lệ được phép trong WTO để hỗ trợ hiệu quả người làm nông nghiệp...

* Bà đánh giá thế nào về các tiêu chuẩn tạm hoãn khi CPTPP không còn Mỹ?

- Phải nhìn thẳng rằng CPTPP gần như giữ nguyên các tiêu chuẩn cao trong TPP. Thực tế những cam kết tạm hoãn là rất ít, phần lớn là các cam kết liên quan tới yêu cầu về sở hữu trí tuệ, cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư. Nói cách khác, các "tiêu chuẩn cao" trong TPP vẫn được duy trì gần như đầy đủ trong CPTPP.

CPTPP đặt ra những yêu cầu cao về bảo hộ đầu tư và cải cách môi trường kinh doanh... Vì vậy, chúng ta rất kỳ vọng việc gia tăng thu hút đầu tư vào VN sau khi CPTPP có hiệu lực.

* Từ kinh nghiệm triển khai thực thi các FTA trước đây, theo bà, cần làm gì để tránh đến lúc CPTPP tác động trên thực tế nhiều người mới giật mình?

- Theo tôi, bên cạnh việc phổ biến tuyên truyền, còn một việc khác cũng cần được đẩy mạnh là rà soát và chuyển hóa các cam kết CPTPP vào pháp luật nội địa.

Còn nhớ khi VN gia nhập WTO, nhiều quy định đã được sửa đổi. Nhìn lại, có không ít trường hợp sửa đổi không đồng bộ dẫn tới vướng mắc trong áp dụng, hoặc việc sửa đổi quá mạnh so với cam kết khiến doanh nghiệp nội thiệt thòi.

Do đó, lần này việc rà soát hệ thống pháp luật với các cam kết CPTPP cần được thực hiện thận trọng, việc sửa đổi cần được thực hiện trong sự tham vấn thường xuyên và đầy đủ giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp.

Cơ hội chủ yếu mới là tiềm năng

CPTPP mang lại nhiều cơ hội, nhưng cơ hội chỉ là tiềm năng, hiện thực hóa cơ hội được hay không là hoàn toàn khác.

Qua các FTA trước đây, chúng ta đã có bài học khá cay đắng về điều này. Ví dụ tới thời điểm này, tỉ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA của doanh nghiệp VN mới đạt trung bình 30-35%.

Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, trong đó đáng kể là chuyện doanh nghiệp không biết về những cơ hội thuế quan, không hiểu về điều kiện quy tắc xuất xứ để được hưởng thuế ưu đãi.

Cũng có lý do thủ tục phức tạp, doanh nghiệp không biết làm thế nào để tuân thủ...