Giữa những phân tích lợi - hại, thậm chí hoài nghi về cuộc gặp quan trọng tới an ninh khu vực này, cựu đặc sứ Hong Seok Hyun có đề xuất khá thú vị: một liên minh Mỹ - Triều Tiên.
Trong bài viết cho báo Washington Post đăng ngày 14/3, ông Hong Seok Hyun đưa ra những phân tích cho thấy cả Triều Tiên và Mỹ đều hưởng lợi từ ý tưởng liên minh này.
Đầu tiên, ông Hong chỉ ra rằng cố lãnh tụ Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) vốn dĩ đã căn dặn những người đi sau hãy cẩn thận với Trung Quốc.
Chi tiết này được ông Hong dẫn lại từ lần gặp Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung tại cuộc họp liên Triều đầu tiên trong lịch sử ở Bình Nhưỡng năm 2000. Ông Kim Dae Jung gặp ông Kim Jong Il (Kim Chính Nhật) - lãnh đạo Triều Tiên vào thời điểm ấy.
Theo lời kể của ông Hong, ông Kim Jong Il nói với ông Kim Dae Jung như sau: "Thậm chí khi Triều Tiên và Hàn Quốc thống nhất, tôi đồng ý với ông rằng quân lực Mỹ tại Hàn Quốc vẫn nên được duy trì".
Trong chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc đã giúp Triều Tiên chống lại Mỹ. Tuy nhiên ông Kim Il Sung vẫn cẩn thận với Trung Quốc, và lời khuyên này truyền từ ông Kim Jong Il đến con trai và là lãnh đạo Kim Jong-un ngày nay.
Ông Hong lấy thêm dẫn chứng cho sự "cẩn thận" ấy bằng việc dẫn ra thực tế rằng ông Kim Jong Un, từ lúc nắm quyền năm 2011 tới nay, vẫn chưa một lần mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Bình Nhưỡng. Thậm chí năm ngoái, ông Kim Jong-un cũng không gặp gỡ một đặc sứ Trung Quốc mang lá thư của ông Tập sang Triều Tiên.
Thêm vào đó, ông Hong cho rằng cảm nhận thù địch mà Bình Nhưỡng dành cho Bắc Kinh liên quan tới các biện pháp trừng phạt quốc tế của Liên Hiệp Quốc là điều "ngoài sức tưởng tượng của chúng ta".
Vì lẽ đó, khi ông Kim Jong -un lại mớm lời mời đàm phán trực tiếp với Mỹ, thì Tổng thống Trump nếu có con mắt sắc sảo trên bàn cờ nên thấy rõ cảm giác chống Trung Quốc nơi Triều Tiên. Và vì vậy, ông Trump nên xem cuộc gặp sắp tới với ông Kim Jong-un là thời cơ vàng để duy trì sự hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á.
Ngoài ra, ông Hong còn nghĩ tới chuyện ông Trump nên để ý tới việc ông Kim Jong Un là một người đam mê môn bóng rổ, và là cổ động viên của Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA).
Là một nhà ngoại giao kỳ cựu, ông Hong nhìn thấy sự tương đồng về văn hóa, sở thích ấy nơi ông Kim, dẫu hiếm hoi, có thể là nhịp cầu dẫn tới việc ông Kim có thể "thân Mỹ" nếu các điều kiện được tối ưu hóa.
Về mặt kinh tế, Triều Tiên đang nỗ lực đa dạng hóa khả năng kiếm tiền và nhất là tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều này không gì khác cũng là thời cơ cho Mỹ nếu chính quyền ông Trump thuyết phục được Triều Tiên.
Trong trường hợp ấy, theo ông Hong, Mỹ nên lưu ý tới 4 điều không nên làm: không tìm cách "thay đổi chế độ" hoặc "lật đổ chế độ", không cố thúc ép quá trình thống nhất hai miền Triều Tiên, và không đưa quân đội tới khu vực vĩ tuyến 38 chia cắt Triều Tiên và Hàn Quốc.