(Baonghean.vn) - "Chúng ta dễ nhận thấy, nếu địa phương nào độc canh cây lúa sẽ khó phát triển. Trong khi đó, trung du, miền núi đang đứng trước những cơ hội mới với phát triển trang trại sạch, trồng rừng cho thu nhập cao". Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Hồ Xuân Hùng nhấn mạnh tại "Hội thảo phát triển Nghệ An đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của bộ Chính trị", ngày 29/10.
Giai đoạn 2010 - 2015, phòng trào xây dựng NTM của Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả cao, tuy nhiên để địa phương tiếp tục thực hiện tốt chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM một cách sát thực hơn trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh cần làm tốt một số nội dung trọng tâm: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, kiện toàn ban chỉ đạo NTM các cấp mạnh hơn nữa. Hệ thống chính trị, đoàn thể các cấp vào cuộc quyết liệt, phải xem NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, có kế hoạch cụ thể, kiểm tra, đôn đốc trong quá trình thực hiện.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, phát huy cao sự tham gia tích cực, chủ động của nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội, để công tác xây dựng NTM trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn tỉnh. Từ đó để người dân nhận thức được vai trò chủ thể trong xây dựng NTM là sự nghiệp của dân, do nhân dân, vì lợi ích của nhân dân.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của quá trình thực hiện chương trình NTM. Xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân để vươn lên làm giàu. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đưa khoa học – công nghệ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, đưa các giống mới, tiến bộ KHKT vào sản xuất, tiến hành cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với tái cơ cấu kinh tế, gắn với xây dựng NTM.
Nghệ An cần tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, nguồn ngân sách địa phương, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nhất là nguồn lực từ các doanh nghiệp, con em ở mọi miền đất nước. huy động sự đóng góp của nhân dân trên tinh thần tự nguyện; lồng ghép các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn và các nguồn tài chính hợp pháp khác.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách từ tỉnh đến cơ sở. Các địa phương tùy tình hình thực tế để ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện các nội dung chương trình, đặc biệt là cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Tỉnh cần có phương án, lộ trình cụ thể giải quyết dứt điểm nợ đọng trong xây dựng NTM.
Là địa phương có nhiều đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn, do vậy cần tranh thủ giúp đỡ, chung sức xây dựng NTM của các đơn vị, đặc biệt là sự phối hợp giúp đỡ của các đơn vị quân đội, Bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn các xã.
Vấn đề đặt ra là cần phát triển kinh tế ở các vùng nông thôn để tăng thu nhập cho người dân. Nghệ An có nguồn lực về con người về các tài nguyên, khoáng sản nhưng trong giai đoạn mới, đòi hỏi cao hơn nên cần có chiến lược cụ thể trong phát triển.
Chúng ta dễ nhận thấy, nếu địa phương nào độc canh cây lúa sẽ khó phát triển. Trong khi đó, trung du, miền núi đang đứng trước những cơ hội mới với phát triển trang trại sạch, trồng rừng cho thu nhập cao. Vậy, bài toán đặt ra là chúng ta cần cân đối phát triển các vùng miền với cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh...
Xuân Hoàng (ghi)