Từ ngày mai, phiên xét xử 12 người dự kiến diễn ra 10 ngày tại TAND Hà Nội. Đây là vụ án thứ 4 ông Thăng hầu tòa, từ khi bị bắt vào tháng 12/2017.
Dự án Ethanol Phú Thọ được lập với mục đích sản xuất ethanol làm nguyên liệu phối trộn tạo xăng sinh học. Tháng 6/2009, dự án triển khai xây dựng trên diện tích 50 ha tại ba xã Cổ Tiết, Tam Cường, Văn Lương của huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Đến tháng 3/2013, các nhà thầu dừng thi công dự án, chưa có hạng mục nào hoàn thành.
Hiện dự án đã dừng hoạt động toàn bộ. 6 chốt bảo vệ và hàng rào cao 3 m được thiết lập với 12 người luân phiên canh gác 24/24h. Các hạng mục, nhà điều hành và thiết bị máy móc đều han gỉ.
Tháng 8/2008, PVB và Công ty cổ phần thiết kế Công nghiệp hóa chất (CECO) ký hợp đồng tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng công trình và hồ sơ mời thầu. Tháng 2/2009, dự án được phê duyệt xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, thực hiện trong 18 tháng, dự kiến tháng 10/2010 đưa vào sử dụng.
Khi PVB mời sơ tuyển gói thầu TK05 "Chìa khóa trao tay" xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ, 6 nhà thầu gửi hồ sơ. Trong đó có Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T, do Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) không đáp ứng đủ yêu cầu.
CECO đánh giá cả 6 nhà thầu chưa đạt 100% tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm. Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T chưa đạt các tiêu chí về năng lực kỹ thuật, tư vấn thiết kế, xây dựng và báo cáo tài chính năm 2006 thể hiện PVC đang thua lỗ.
Theo cáo buộc, biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về lĩnh vực Ethanol nhưng từ trước khi PVB triển khai lựa chọn nhà thầu, ông Thăng đã chủ trì nhiều cuộc họp của PVN, định hướng giao thầu cho PVC theo đề nghị của Trịnh Xuân Thanh.
Ông Thăng kết luận: "Cho phép từ 2008-2010, với các công trình chuyên ngành đặc thù, có yêu cầu đặc biệt trong ngành dầu khí được ưu tiên giao thầu cho PVC. Trong năm 2009, PVC phải phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, trong đó có dự án Ethanol Phú Thọ".
Sau đó thực hiện chủ trương của PVN và chỉ đạo của ông Thăng về việc chỉ định thầu, PVB lại không tổ chức đấu giá theo kế hoạch mà chuyển sang chỉ định thầu cho liên danh của PVC. Quá trình thực hiện, các thành viên tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu và thẩm định đấu thầu đều biết rõ các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm của Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T bị đánh giá không đạt song vẫn làm trái, nhà chức trách xác định.
Do quá trình thực hiện hợp đồng không đúng tiến độ, PVC thừa nhận không đủ năng lực. Tháng 3/2013, PVC đơn phương dừng thi công dự án, chưa có hạng mục nào hoàn thành.
Khi thực hiện dự án, PVB vay ngân hàng và Công ty tài chính Dầu khí Việt Nam hơn 750 tỷ đồng. Từ ngày triển khai dự án (tháng 9/2009) đến khi khởi tố vụ án (tháng 6/2018), PVB đã thanh toán cho PVC hơn 600 tỷ đồng, Alfa Laval hơn 230 tỷ đồng. Chủ đầu tư sử dụng hơn 1.400 tỷ đồng để thực hiện dự án.
Trịnh Xuân Thanh biết rõ liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực thực hiện gói thầu nhưng vẫn nhận chỉ đạo từ lãnh đạo PVN để ký văn bản xin được chỉ định thầu. Cựu chủ tịch PVC này còn chủ trì cuộc họp HĐQT và ban Tổng giám đốc PVC đồng ý thực hiện gói thầu; ký công văn gửi ông Thăng xin cam kết thực hiện gói thầu.
VKS xác định "hành vi làm trái các quy định của ông Thăng, Thanh và các bị can dẫn đến thiệt hại cho PVB hơn 540 tỷ đồng".
Trong vụ án này, Trịnh Xuân Thanh còn bị cáo buộc thành lập công ty do bố đứng tên để nhận chuyển nhượng 3.400 m2 đất nhằm hưởng lợi.
Cùng vụ án, Trịnh Xuân Thanh (cựu Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT PVC) về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 224 Bộ luật Hình sự 2015 và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, theo khoản 3 điều 356.
Đỗ Văn Hồng về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, theo khoản 3 điều 356.