Chuyến thăm Hiroshima đầy nhạy cảm tới đây của ông Obama ẩn chứa những thông điệp quan trọng đối với dư luận trong nước và thế giới.
images1544014_1.jpgTổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ảnh: AP

Ngày 10/5, Nhà Trắng thông báo ông Obama sẽ là vị tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Hiroshima trong khuôn khổ chuyến công du tới Nhật Bản vào cuối tháng, nhưng ông sẽ không xin lỗi về việc Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này vào cuối Thế chiến II, theo CNN.

Hai quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki đã khiến hơn 200.000 người Nhật thiệt mạng, và đến nay vẫn là đề tài tranh luận không có hồi kết trong dư luận Mỹ.

Đa số các nhà sử học đánh giá rằng quyết định sử dụng bom hạt nhân của Tổng thống Harry Truman là hoàn toàn đúng khi giúp kết thúc chiến tranh nhanh chóng, cứu được nhiều lính Mỹ khỏi phải hy sinh vô nghĩa. Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng hành động đó là không cần thiết, bởi phát xít Nhật thời điểm đó đã rất kiệt quệ và sẽ sớm đầu hàng Đồng minh.

Vincent Michelot, giáo sư lịch sử chính trị Mỹ của đại học Lyon, nhận định chuyến viếng thăm Hiroshima của Tổng thống Obama không nhằm mục đích khẳng định ai đúng, ai sai, mà đơn chỉ muốn chứng tỏ tầm nhìn rộng của Mỹ về tương lai quan hệ hai nước.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết việc các nhà sử học và người dân Mỹ tranh luận về quyết định thả bom của Tổng thống Truman là "hoàn toàn hợp pháp". Tuy nhiên, đó không phải là những gì tổng thống Mỹ sẽ làm khi ông đến thăm Hiroshima. Điều ông Obama muốn thể hiện là nhấn mạnh mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản đã trở nên tốt hơn bao giờ hết kể từ sau năm 1945.

"Thủ tướng của quốc gia duy nhất phải hứng chịu các cuộc tấn công bằng bom nguyên tử và nhà lãnh đạo của quốc gia duy nhất trên thế giới đã sử dụng vũ khí nguyên tử sẽ cùng nhau tưởng nhớ các nạn nhân. Và đây cũng là cách chia sẻ với những người sống sót hiện vẫn đang chịu nhiều đau đớn",  Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, người sẽ đồng hành cùng ông Obama trong chuyến thăm, khẳng định.

Quang cảnh đổ nát tại Hiroshima, tháng 8/1946. Ảnh: AP

Philippe Pons, bình luận viên châu Á của Le Monde, cho rằng với chuyến thăm công viên Hòa bình, gần nơi quả bom rơi xuống năm 1945, Tổng thống Obama mong muốn thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế phổ biến, thậm chí hướng tới giải trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ thứ nhất vào năm 2010, Tổng thống Obama đã ký kết với Nga Hiệp ước START mới về cắt giảm vũ khí và đầu đạn hạt nhân có hiệu lực trong vòng 10 năm.

Đến nay, chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ tới Hiroshima cho phép người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận hạt nhân đã đạt được với Teheran cách đây hơn một năm, một trong những thành quả đối ngoại lớn của ông Obama trong nhiệm kỳ thứ hai.

Thị trưởng thành phố Hiroshima Kazumi Matsui ca ngợi kế hoạch viếng thăm của ông Obama là một quyết định táo bạo, đầy lương tâm và hợp tình hợp lý. Ông Matsui hy vọng tổng thống Mỹ sẽ lắng nghe câu chuyện của những người sống sót sau thảm họa. Thị trưởng thành phố Nagasaki Tomihisa Taue thì cho biết Tổng thống Obama sẽ "phát đi một thông điệp mạnh mẽ hướng đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân".

Lời đáp trả với Donald Trump

Chuyên gia Michelot cho rằng trong bối cảnh chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đang diễn ra quyết liệt, chuyến thăm Hiroshima của ông Obama là lời đáp trả mạnh mẽ đối với những tuyên bố "thiếu hiểu biết" về chính sách đối ngoại của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump.

Ông trùm bất động sản mới đây cho rằng hai đồng minh của Mỹ là Nhật và Hàn Quốc cần sở hữu vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình và giảm bớt gánh nặng an ninh cho nước Mỹ. Tuyên bố này bị nhiều chuyên gia phân tích và nhà ngoại giao đánh giá là "ấu trĩ", đi ngược lại với những nguyên tắc ngoại giao cơ bản mà các đời tổng thống cả hai đảng đã cố gắng duy trì suốt nhiều thập kỷ.

Trong bối cảnh đó, thông điệp phát đi từ chuyến thăm Hiroshima của ông Obama hứa hẹn sẽ giúp ứng viên đại diện đảng Dân chủ Hillary Clinton thu hút được các cử tri theo đường lối ôn hòa vốn đang do dự chưa biết nên đứng về phe nào.

"Có thể nói, ở thời điểm sắp kết thúc nhiệm kỳ, Tổng thống Obama đã có bước đi đầy thông minh và quyết đoán khi vừa thể hiện được quyết tâm theo đuổi mục tiêu đề ra, đồng thời hỗ trợ được ứng viên cùng đảng, người từng một thời là cánh tay đắc lực giúp ông triển khai các chính sách đối ngoại", Michelot nhận định.

    Theo VNE

    TIN LIÊN QUAN