Án oan sai lại gây ra hậu quả dư luận rất lớn, ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng nhân dân vào các cơ quan tiến hành tố tụng.
Thảo luận tại hội trường ngày 28/10, đại biểu Mai Khanh - Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội Ninh Bình cho rằng, án oan sai chiếm kéo dài từ nhiều năm, chiếm tỉ lệ nhỏ trong số hàng trăm ngàn vụ án mà tòa án hai cấp xét xử.
Tuy nhiên, án oan sai lại gây ra hậu quả dư luận rất lớn, ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng nhân dân vào các cơ quan tiến hành tố tụng.
“Oan sai thực chất xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, lỗi của con người, chứ không phải nguyên nhân khách quan”, đại biểu đoàn Ninh Bình cho hay.Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình cho rằng, 3 ngành tố tụng Trung ương đã đề cập nguyên nhân phát sinh, hướng khắc phục án oan sai nhưng còn mờ nhạt và chưa rõ.
Theo ông Mai Khanh, qua một số vụ án, nguyên nhân oan sai do nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng trong thượng tôn pháp luật, trong thực hiện nghiêm ngặt trình tự, thủ tục tố tụng.
“Có nhiều vụ án xét xử, tòa án xác định có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, đã chỉ ra được những vi phạm đó, nhưng quan điểm của một số điều tra viên nói chung thì đấy là thiếu sót nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án”, đại biểu Mai Khanh nêu.
Theo trình bày của ông Khanh, theo quy định của pháp luật về mặt tố tụng, chỉ có xác định vi phạm hay không vi phạm thủ tục tố tụng, chứ không có “thiếu sót” về mặt tố tụng. Vi phạm tố tụng ở mức độ nào, có ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án hay không.
“Chính vì thế nhận thức khác nhau về quan điểm tố tụng này nên có nhiều vụ án phải xem xét lại nhiều lần, đến bây giờ chưa có kết quả”, ông Khanh nói.
Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình cho rằng, vấn đề về vi phạm tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cần phải khắc phục không chỉ đảm bảo sự thượng tôn pháp luật mà còn bảo đảm được quyền lợi của công dân, quyền con người. Bởi vậy, những quy định về thủ tục tố tụng trong hoạt động tố tụng theo ông Khanh cần phải thực hiện nghiêm túc.
Liên quan đến vấn đề oan sai, ông Nguyễn Thái Học – Trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy– Đoàn đại biểu Phú Yên cho rằng, công tác tự thanh tra, kiểm tra vi phạm pháp luật, oan sai của các cơ quan hoạt động tố tụng còn hạn chế. “Có thể nói vẫn còn tình trạng chần chừ, đùn đẩy trách nhiệm”, ông Học nêu.
Theo đại biểu đoàn Phú Yên, thực tế có những vụ án Chủ tịch nước yêu cầu, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, thế nhưng vẫn có nhiều vụ án kéo dài không có kết luận. “Điều này cho thấy có sự đùn đẩy, có sự né tránh”, ông Học nêu.
Trên thực tế, có những vụ việc công dân không vi phạm pháp luật, không phạm tội nhưng các cơ quan tố tụng lại không tuyên vô tội mà ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can.
Hoặc là khi xét xử, không tuyên bị cáo không phạm tội mà tòa án lại tuyên mức hình phạt bằng mức thời gian tạm giam. “Tôi cho rằng tình trạng như thế là không tốt”, ông Học đưa quan điểm.
Bởi vậy, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần nâng cao hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố xét xử, đồng thời đáp ứng các điều kiện cần thiết trong hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Đại biểu Học cho rằng, hiện tồn tại tình trạng 25 tòa án cấp huyện, 23 VKS cấp huyện phải đi thuê trụ sở là không được. Cần phải xem xét đáp ứng điều kiện tối thiểu nhất trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng./.
Theo VOV