Ở tất cả các trường trên phạm vi cả nước, sử dụng thống nhất bộ sách tiếng Anh 7 năm (từ Tiếng Anh 6 - Tiếng Anh 12) của Bộ GD&ĐT. Do chương trình bắt buộc chỉ bắt đầu từ lớp 6 nên ở lớp này học sinh sẽ bắt đầu học những câu chào hỏi “Hello “Good...

Liên quan đến việc SGK Tiếng Anh: Học sinh lẫn giáo viên phát chán vì phải học đi học lại, PV Infonet có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Tùng – Phó tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để hiểu rõ hơn về vấn đề này. TS Nguyễn Văn Tùng cho biết: “Trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, thực hiện từ năm 2002, Ngoại ngữ là môn học bắt buộc đối với cấp THCS và THPT nhưng là môn tự chọn ở cấp Tiểu học".

"Ở cấp Tiểu học, do Tiếng Anh là một môn học tự chọn nên, tuỳ theo điều kiện và nguồn lực của mình, các trường tiểu học có thể chọn học hay không học môn học này. Khi đã chọn môn học này thì cũng tuỳ theo nguồn lực các trường có thể học 1 tiết/tuần, 2 tiết/tuần, 3 tiết hoặc hơn 3 tiết/tuần.

resize_images1450079_infonet_sgk14.jpgSách tiếng Anh lớp 6 quay về những kiến thức đầu tiên của môn học này.

Tài liệu dùng để giảng dạy môn học tự chọn này ở cấp Tiểu học rất đa dạng: các trường tiểu học có thể chọn sử dụng các bộ sách giáo khoa và tài liệu dạy Tiếng Anh tiểu học đã được Bộ GD&ĐT ban hành hoặc thẩm định và cho phép sử dụng: Sách Tiếng Anh 3, Tiếng Anh 4, Tiếng Anh 5 (Tổng chủ biên Hoàng Văn Vân, NXB Giáo dục Việt Nam); Let's Learn English 1, 2, 3 (Chủ biên Nguyễn Quốc Tuấn, NXB Giáo dục Việt Nam);... Khi bắt đầu học tiếng Anh như là một môn học tự chọn, sử dụng bất kì tài liệu giảng dạy nào học sinh cũng đều được học các câu chào hỏi như “Hello”, Good morning”, “How are you?”…”, TS  Nguyễn Văn Tùng nói

“Ở cấp THCS và THPT, nơi Ngoại ngữ là môn học bắt buộc, Tiếng Anh được dạy đại trà ở tất cả các trường trên phạm vi cả nước, sử dụng thống nhất bộ sách tiếng Anh 7 năm (từ Tiếng Anh 6 đến Tiếng Anh 12) của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do chương trình bắt buộc chỉ bắt đầu từ lớp 6 nên ở lớp này học sinh sẽ bắt đầu học những câu chào hỏi “Hello”, “Good morning”, “How are you?”…

Theo chúng tôi, hiện tượng mà phóng viên phản ánh như học sinh học cách chia động từ ở thì quá khứ, tương lai ở lớp 5, lên đến lớp 6 các em lại học lại động từ “to be” rồi học đếm từ 1 đến 20 là hiện tượng có thể xảy ra. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể được khắc phục được trong quá trình dạy học nhờ sự hiểu biết rõ về đối tượng học sinh và nghiệp vụ tổ chức dạy học của giáo viên, đặc biệt là dạy học hợp tác và cá nhân hóa. Hơn nữa, mặc dù một số nội dung tiếng Anh tự chọn trong cấp Tiểu học được gặp lại trong tiếng Anh cấp THCS nhưng được yêu cầu ở cấp độ cao hơn”, TS Nguyễn Văn Tùng tâm sự. 

Học sinh lớp tăng cường tiếng Anh bậc THCS của TPHCM phải học song song 2 bộ sách cùng lúc.

“Cũng cần nói thêm rằng, từ năm 2010 đến nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm (từ lớp 3 đến lớp 12) để phục vụ cho việc triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020”.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với hai nhà xuất bản danh tiếng trên thế giới để biên soạn bộ sách quan trọng này: với Nhà xuất bản MacMillan trong việc biên soạn tiếng Anh ở cấp Tiểu học (từ lớp 3 đến lớp 5), và với Nhà xuất bản Pearson Education trong việc biên soạn sách tiếng Anh ở hai cấp THCS (từ lớp 6 đến lớp 9) và THPT (từ lớp 10 đến lớp 12).

Sự cộng tác này bao gồm các tác giả phía Việt Nam và các tác giả tiếng Anh bản ngữ của hai nhà xuất bản đối tác, các biên tập viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các biên tập viên của hai nhà xuất bản đối tác, các hoạ sĩ của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam với các họa sĩ của hai nhà xuất bản đối tác, và đặc biệt đĩa CD do hai nhà xuất bản đối tác chịu trách nhiệm thu âm ở Anh và Hồng Kông”, TS Nguyễn Văn Tùng chia sẻ.

Theo TS Nguyễn Văn Tùng, hiện tại bộ sách tiếng Anh 10 năm đang được dạy thí điểm ở một số trường tiểu học, THCS và THPT và sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đưa vào dạy đại trà thay cho bộ sách tiếng Anh 7 năm trong một hai năm tới.

Theo đánh giá chung, nếu giáo viên tiếng Anh các cấp đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và nếu các trường có đủ điều kiện để triển khai dạy từ lớp 3 thì sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh hoàn toàn có thể đạt được hoặc thậm chí còn cao hơn trình độ B1 theo chuẩn của Khung tham chiếu chung châu Âu.

Theo Infonet