(Baonghean) - Những năm gần đấy, bên cạnh các loại cá nước ngọt, nước lợ truyền thống, người dân ven biển từng bước đưa vào nuôi các loại đặc sản như cá vược, diêu hồng, lăng chấm, bống bớp, rô đầu vuông... Thành công từ các mô hình không chỉ góp phần đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi mà còn mở ra hướng đi mới trong nâng cao giá trị kinh tế. Tuy nhiên, chưa kịp vui khi giống cá mới thích nghi tốt, người nuôi đã gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Giống cá mới thích nghi tốt
Nhằm giúp nông dân du nhập giống cá mới vào chăn nuôi, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, năm 2012, huyện Hưng Nguyên đã trích ngân sách gần 100 triệu đồng xây dựng 2 mô hình nuôi cá rô đầu vuông tại hộ ông Cao Xuân Đức ở khối 2 - Thị trấn và hộ ông Hồ Văn Nguyên ở xóm 1 - xã Hưng Tân. Mỗi hộ được hỗ trợ 1 vạn con cá giống trọng lượng trung bình 300 con/kg, 30% tiền thức ăn và được tập huấn quy trình, kỹ thuật nuôi cá… Theo ông Hồ Văn Nguyên, toàn bộ diện tích ao trên 1.200 m2 của gia đình lâu nay đang nuôi cá mè, trắm cỏ, chép. Đầu tháng 4 /2012, theo hướng dẫn của cán bộ Phòng Nông nghiệp, ông đã cải tạo ao hồ chuyển sang nuôi cá rô đầu vuông với mật độ thả cá từ 9 - 10 con/m2. Qua theo dõi, ông thấy cá rô đầu vuông thích nghi tốt với vùng nước Hưng Tân; nuôi khá dễ, tỷ lệ hao hụt ít, nguồn thức ăn phong phú. Sau 4 tháng nuôi gia đình ông đã có hơn 8 tạ cá, trọng lượng đạt 3 - 4 con/kg; tính theo giá thị trường tại thời điểm 40.000 - 45.0000 đồng/kg, nếu bán hết sẽ có nguồn thu trên 30 triệu đồng, trừ chi phí có lãi ròng khoảng 15 triệu đồng.
Trong thời gian 2 năm (2012 và 2013), nhằm khai thác hết tiềm năng phát triển nuôi thủy sản trên các hồ đập, sông suối, Trung tâm Giống thủy sản Nghệ An đã thực hiện Đề tài “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dụng mô hình nuôi thương phẩm cá chiên trong lồng bè trên thủy vực lớn tại Nghệ An” ở hồ Khe Đá - xã Nghĩa Đức (Nghĩa Đàn) với quy mô 10 lồng nuôi có thể tích 100m3; số lượng cá giống thả 3.000 con (198 kg). Sau 20 tháng nuôi, cá đạt kích cỡ trung bình từ 1,2 -1,4 kg/con, tỷ lệ sống 72%; năng suất đạt 27,65 kg/m3 lồng. Với giá bán tại thời điểm thu hoạch là 250.000 - 350.000 đồng/kg, tổng thu đạt gần 700 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng/100 m3 lồng nuôi. Mô hình đạt được hiệu quả kinh tế cao là do hệ thống lồng bè được thiết kế phù hợp, đảm bảo, thức ăn là nguồn cá dầu được khai thác trực tiếp từ hồ Khe Đá, trong quá trình nuôi cá được chăm sóc, phòng và trị bệnh kịp thời. Qua đánh giá mô hình, nuôi cá Chiên không chỉ là gìn giữ được giống thủy sản quý hiếm mà còn là cơ hội để duy trì, nhân rộng, phát triển mô hình nuôi thủy sản mới, cho hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân địa phương vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Với diện tích 2.500m2 đất sản xuất muối kém hiệu quả, năm 2011, gia đình ông Hà Quang Minh - Hợp tác xã Vạn Thành (xã Diễn Vạn - Diễn Châu) được Phòng Nông nghiệp huyện chọn xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm cá vược thương phẩm. Được hỗ trợ con giống cùng với kiến thức nuôi, sau 6 tháng nuôi gia đình ông thu hoạch được 1,2 tấn cá thương phẩm. Từ thành công của gia đình ông Hà Quang Minh, đến năm 2012, huyện tiếp tục hỗ trợ 50 triệu đồng cho 16 hộ của Hợp tác xã Vạn Thành để phát triển mô hình nuôi cá vược. Phát huy hiệu quả từ nuôi cá vược, hiện nay các hộ dân ở Vạn Thành thực hiện mô hình nuôi đa dạng bằng hình thức xen ghép. Khi cá vược còn nhỏ có thể nuôi xen cua và cá rô phi…
Đến năm 2013 và đầu năm 2014, Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản Nghệ An cũng đã triển khai hỗ trợ 3 mô hình nuôi đa dạng hóa, đó là nuôi xen ghép cá vược - cua biển - cá rô phi tại hộ ông Lưu Văn Bản; nuôi xen ghép tôm thẻ chân trắng - cua biển ở hộ ông Nguyễn Hữu Dũng tại xã Diễn Vạn (Diễn Châu); nuôi xen ghép cua biển - cá rô phi ở hộ ông Nguyễn Đình Minh tại xã Nghi Hợp (Nghi Lộc). Đến nay, các đối tượng nuôi phát triển khá tốt, sơ bộ các mô hình đáp ứng được các chỉ tiêu kỹ thuật kinh tế. Tại các mô hình nuôi cá vược - cua biển - cá rô phi, sau 6 tháng nuôi cá vược đạt kích cỡ 900 g - 1,2 kg, tỷ lệ sống khoảng 75%, sản lượng đạt hơn 2 tấn; nuôi xen ghép tôm thẻ chân trắng - cua biển, cua biển đạt 300 - 500g/con...
Ngoài ra, một số vùng đã chuyển sang hướng nuôi đa dạng như xã Diễn Vạn (Diễn Châu) có 100% hộ dân ở HTX Vạn Thành nuôi xen ghép nhiều đối tượng trong ao. Hay một số người dân ở xã Hưng Hòa (TP. Vinh), xã Nghi Hợp (Nghi Lộc) đã nuôi cua, cá bống bớp, cá chim biển thay thế đối tượng tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Qua thời gian triển khai hình thức đa dạng hoá các đối tượng nuôi trồng thuỷ sản cho thấy, kết quả các đối tượng xen ghép đều cho sản lượng tốt. Hình thức nuôi này đã nâng cao hiệu quả của việc sử dụng đất, duy trì tính ổn định của vùng nuôi; hạn chế những rủi ro do dịch bệnh do điều kiện tự nhiên, môi trường không thuận lợi. Đặc biệt đã cải tạo được những ao, đầm kém hiệu quả trong nuôi trồng thâm canh…
Nỗi lo đầu ra
Cũng như nhiều hộ nuôi ở xóm Trung Hậu, xã Diễn Vạn (Diễn Châu), công việc buổi sáng hàng ngày của ông Nguyễn Văn Sửu là cắt nhỏ cá vặt cho cá vược ăn. Thức ăn của cá vược phải là cá biển tươi dùng kéo cắt nhỏ, mỗi ngày chúng ăn hết khoảng 40 kg cá biển, giá khoảng 450.000 đồng; công việc cắt cá hết khoảng 2 tiếng /ngày, một ngày cho ăn 2 lần sáng và chiều nên người nuôi khá tốn kém và vất vả. Vụ vừa rồi ông Sửu nuôi 2 ao, một ao cá nước ngọt truyền thống và 1 ao nước lợ nuôi xen ghép cá vược - cua biển; riêng cá vược hơn 3.000 con. “Sản lượng năm nay ước đạt hơn 2 tấn. Dù đã qua thời điểm thu hoạch đại trà được hơn 3 tháng nhưng trong ao tôi vẫn còn phân nửa. Đến nay vẫn chưa liên hệ được mối để đánh cá.
Nuôi tôm có nhiều vụ mất trắng thật, nhưng nếu không gặp rủi ro luôn có thương lái đến thu mua tận đầm, đánh trắng ao cân hết luôn. Đây là năm thứ 2 cá vược bán chậm như vậy, do từ 3 hộ nuôi năm 2012 thấy có hiệu quả đã tăng lên 26 hộ nuôi đầu năm 2014. Sản lượng cá toàn xã đạt khoảng 13 tấn. Chỉ lo đến vụ cá mới mà vẫn chưa bán hết được cá tồn đọng trong ao” - Ông Nguyễn Văn Sửu chia sẻ... Cùng trong xóm Trung Hậu, ông Thái Quý, ông Lưu Phước nuôi 0,5 ha ao cá vược xen cua biển cũng đang lo lắng. Cá vược giá bán tại thời điểm là 90.000 - 100.000 đồng/kg, nhưng hiện nay cũng chưa ai liên hệ được với tư thương để bán hết số cá còn lại đã lớn đến hơn 1 kg; hàng ngày chỉ bán được một vài chục kg ở các chợ Diễn Vạn, Diễn Bích.
Nhắc đến mô hình nuôi cá rô đầu vuông do huyện Hưng Nguyên hỗ trợ, ông Hồ Văn Nguyên (ở xóm 1- xã Hưng Tân) chán nản lắc đầu: “Người dân Hưng Tân có truyền thống nuôi cá với diện tích toàn xã là 38 ha. Năm 2012 hỗ trợ con giống, chi phí vật tư để nuôi thử nghiệm cá rô đầu vuông tôi rất phấn khởi vì đây là cơ hội được tiếp cận giống cá mới có hiệu quả kinh tế để nâng cao thu nhập. Trong quá trình nuôi đến khi kết thúc mô hình lãnh đạo huyện, xã đều đánh giá là thành công, có thể nhân rộng trên địa bàn. Nhưng chưa kịp mừng vì cá thích ứng tốt đã gặp khó ngay khi đầu ra không thuận lợi. Khi cá trong ao đều đạt mức 0,2 - 0,3 kg/con mà tư thương đến hỏi mua mỗi lần chỉ chục kg vì khó bán nên sang tận vụ nuôi năm sau mới hết. Để đầu tư nuôi 1 kg cá thương phẩm đạt kích cỡ 2 - 3 con/kg tốn chi phí khoảng 30.000 đồng; còn đối với cá có kích cỡ 8 con/kg chi phí khoảng 20.000 đồng. Chi phí đầu tư nuôi cá khá cao, trong khi đó giá bán chỉ khoảng 45.000 đồng/kg cá cỡ 2 - 3 con/kg, còn cá có kích cỡ nhỏ thì giá bán thấp hơn. Trong khi một lần thu hoạch phải kéo cho được cả tạ mới đủ trả công kéo lưới ( 200.000 đồng/ lần lưới). Sang năm 2013 tôi đành phải bỏ, quay lại với giống cá truyền thống”.
Còn hộ ông Dương Xuân Thuấn ở xóm Phong Phú - xã Hưng Hòa (TP. Vinh) năm 2013 đã học hỏi, mạnh dạn đầu nuôi cá lăng chấm (thay cho 0,3 ha ao cá chép, cá mè), một loài cá da trơn không phủ vảy có giá trị kinh tế cao, ông đã bán được với giá 180.000 - 200.000 đồng/ kg, nhưng cũng do kén người mua nên ông Thuấn đang dừng không nuôi nữa. Trong quá trình nuôi cá lăng mất nhiều công, hàng tuần ông Thuấn phải thay nước thường xuyên, đảm bảo ao nuôi luôn sạch sẽ, nuôi ghép cùng cá mè trắng để làm sạch môi trường. Thức ăn cho cá lăng phải là cá biển tươi bỏ ruột, cắt nhỏ. Do vừa cầu kỳ, vừa kén người mua, không có tư thương mua với số lượng lớn nên ông Thuấn đang dừng nuôi, quay trở lại nuôi cá truyền thống và đang tìm hiểu thị trường để xem có thể nuôi tiếp được loại cá đặc sản này không…
Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản ở Nghệ An có những bước phát triển khá, đặc biệt trong lĩnh vực nuôi thủy sản mặn, lợ. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản được mở rộng, đối tượng nuôi ngày càng đa dạng, năng suất và sản lượng ngày càng tăng. Một số vùng nuôi như: Diễn Vạn, Diễn Trung (Diễn Châu), Nghi Hợp (Nghi Lộc) trước đây đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho đối tượng nuôi chính là tôm sú. Nhưng sau một thời gian nuôi do điều kiện cơ sở hạ tầng xuống cấp, mặt khác nguồn lực về tài chính, mức đầu tư của người dân hạn chế, do đó sau vụ nuôi chính, bà con thường chọn hướng thả xen ghép nhiều đối tượng trong ao như: cua biển, cá vược, cá diêu hồng, cá rô phi, cá rô đầu vuông...
Hiện nay, với sự hỗ trợ của “Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Nghệ An” có rất nhiều các hoạt động liên quan đến đa dạng hóa nuôi trồng thuỷ sản như: phục hồi trại sản xuất giống cấp tỉnh, nâng cao năng lực để những đơn vị này tiếp nhận công nghệ, chủ động sản xuất những đối tượng phù hợp yêu cầu sản xuất, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi, thiết lập các mô hình trình diễn về nuôi đa dạng hóa các đối tượng nuôi trồng thuỷ sản đã được triển khai và đem lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, về đầu ra của sản phẩm hầu hết người nuôi không có thông tin thị trường, việc kết nối giữa ao nuôi đến các nhà hàng, các đầu mối thu mua chưa có nên người dân hiện nay chủ yếu nuôi theo hình thức “ thu tỉa thả bù”. Để việc đưa các giống cá mới có giá trị kinh tế cao vào nuôi bổ sung cho thị trường đa dạng chủng loại hơn, người nuôi trong vùng cần thành lập các tổ, nhóm, HTX để liên kết, hỗ trợ trong áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như tìm kiếm thị trường. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên ngành cũng cần quan tâm để có định hướng kịp thời cho người dân trước sự phát triển của những xu thế đa dạng hóa nuôi trồng thủy sản.
Ngọc Anh