(Baonghean) - Nhà máy đường sông Lam đang đối mặt với tình trạng “đói” nguyên liệu ngay trong vụ ép chính. Trước thực tế đó, nhà máy phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và người trồng mía, kịp thời ổn định vùng nguyên liệu cho niên vụ tới...

Là một người thường xuyên lái xe tải chuyên chở mía nguyên liệu cho Nhà máy đường sông Lam, anh Nguyễn Hữu Nam, ở Thị trấn Anh Sơn cho biết: “Trước đây mỗi ngày chúng tôi chở từ 4 - 5 chuyến mía/ngày, nay chỉ chở 1 - 2 chuyến mía/ngày”. Còn ông Đặng Văn Cảnh - Giám đốc Công ty CP mía đường Sông Lam lo lắng: “Chưa khi nào nhà máy lại thiếu nguyên liệu như niên vụ này, nhà máy đã đầu tư nâng công suất từ 750 tấn/ngày lên 1.500 tấn/ngày, nhưng cũng chỉ ép “cầm chừng” từ 600 - 800 tấn/ngày. Cùng kỳ năm trước nhà máy ép được trên 60.000 tấn mía, thời điểm này mới ép được trên 40.000 tấn mía. Nguyên nhân sản xuất “cầm chừng” là phải vừa song hành việc đốn chặt gắn với trồng mía. Ép không đủ công suất nhà máy còn phải thiệt thêm chi phí như điện và nhân công. 
images1129820_mia_1.jpgThu hoạch mía ở Anh Sơn.
 
Theo ông Cảnh thì lâu nay vùng nguyên liệu của nhà máy vẫn ổn định khoảng trên 1.800 ha, nhưng niên vụ này giảm sụt chỉ còn chưa đầy 1.400 ha mía. Nhiều xã, diện tích mía giảm gần nửa như các xã Thành Sơn, Hoa Sơn, Tổng đội TNXP (Anh Sơn), Thạch Ngàn (Con Cuông) … Nguyên nhân giảm diện tích mía, dẫn đến thiếu nguyên liệu là do một phần giá mía thấp, một số vùng đã chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như chè, sắn, rau màu …Chưa kể là từ những năm 2012 về trước, nhà máy chưa thực sự có sự gắn kết với nông dân để quan tâm vùng nguyên liệu dẫn đến tình trạng một số vùng đất trồng mía xấu, thiếu dinh dưỡng. Phần lớn nông dân bón phân chưa đủ định lượng, chưa đúng quy trình kỹ thuật, và chủ yếu các diện tích còn sử dụng giống cũ năng suất thấp nên bà con không mặn mà với cây mía. 
 
Bà Phan Thị Tú ở thôn 2/9 xã Châu Khê - Con Cuông cho hay: “Gia đình tôi trồng 6 sào mía, từ niên vụ 2012 - 2013 chưa được nhà máy cho vay tiền để mua phân bón, trong khi vốn đầu tư còn khó khăn, gia đình tôi không dám mạnh dạn đầu tư chăm sóc nên năng suất thấp. Thực tế nếu như được đầu tư thâm canh cày đất, mua thêm phân bón, thuốc BVTV, chăm sóc đúng với quy trình kỹ thuật, năng suất sẽ đạt 70 - 75 tấn mía/ha, bán với giá 800.000 đồng/tấn, người dân vẫn còn lãi trên 40 triệu đồng/ha. Nhiều bà con trồng mía ở huyện Anh Sơn còn cho biết thêm, đối với địa bàn này, mía vẫn là cây dễ thích nghi trên đất đồi, diện tích đất khô cằn trồng các loại cây hoa màu khác không hiệu quả thì cây mía vẫn cho năng suất khá cao. Tuy nhiên, lâu nay bà con đang sử dụng giống mía cũ, nên năng suất thấp. Cùng đó, hệ thống đường nguyên liệu đang xuống cấp trầm trọng, nhà máy cần phải duy tu, bảo dưỡng để người trồng mía thuận lợi, giảm chi phí “tăng bo” vận tải. 
 
Để hình thành được vùng nguyên liệu mía đã khó, nhưng để người dân yên tâm ổn định với cây mía càng khó hơn. Chính vì vậy, Nhà máy đường Sông Lam có giải pháp cho bà con trồng mía vay phân bón không lãi suất, thu mua mía nguyên liệu ngay tại chân ruộng và hỗ trợ nông dân mua giống mới, năng suất cao vào sản xuất. Nỗ lực đó, hy vọng cùng với giá đường biến động tăng, hiệu quả kinh tế trên ruộng mía được nâng cao, đồng nghĩa với việc gắn kết giữa nhà máy chế biến với người trồng mía được nâng lên.
 
Văn Trường