(Baonghean.vn)- Chuột lang được xem là thú cưng ở nhiều nước nhưng đang được ông Lô Sỹ Nguyệt ở huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) nuôi làm thực phẩm.
Ngôi nhà gỗ 3 gian nằm bên đường lên lòng hồ thủy điện bản Vẽ của ông Lô Sỹ Nguyệt hai năm nay trở thành địa chỉ quen thuộc đối với những người đam mê nuôi và thích thưởng thức món... thịt chuột. Ông Lô Sỹ Nguyệt, một giáo viên về hưu nhưng với bản tính siêng năng, ham lao động, sau nhiều năm thử nghiệm nuôi nhiều vật nuôi như: lợn, gà, dê,… nhưng hiệu quả thu về không như mong muốn, ông quyết định chuyển nghề.
Ông Nguyệt tâm sự: “Năm 2013, trong một lần đi thăm người quen ở xã Nhôn Mai (Tương Dương), tôi được người quen mời ăn món thịt chuột do chính người dân nuôi, ăn thấy ngon tôi quá, tôi đã mua 2 cặp chuột giống về nuôi thử”.
Với đặc tính dễ nuôi, ít mất thời gian chăm sóc, thức ăn phong phú gồm: cỏ, cỏ voi và một số thức ăn tinh bột như: ngô, sắn tươi... sau 2 năm gây giống, ông Nguyệt đã có một đàn chuột lang đông đúc hơn 100 con. Ông còn cho biết, cũng thuộc họ gặm nhấm nhưng khác với chuột thường, chuột lang, không phá hại, tốc độ sinh sản thấp, mỗi lần chuột cái cũng chỉ đẻ 2-3 con. Như để chứng minh điều mình nói, ông Nguyệt chỉ vào khu chuồng nuôi, đó là các thanh tre mỏng, được ghép thưa và rào thấp. Vậy nhưng lũ chuột cũng không khi nào cắn phá hay trèo qua.
Sau khi mô hình nuôi chuột lang thành công và phát triển mạnh, ông Lô Sỹ Nguyệt bắt đầu lo đầu ra, vì vào năm 2015, khá ít người biết nuôi và chế biến loài "vật nuôi" này. Trước tình thế đó, ông Nguyệt đã đưa chuột lên bến đò ở lòng hồ thủy điện bản Vẽ bán cho khách thập phương. Dần dần nhiều người đã biết đến chuột lang của gia đình ông Nguyệt.
Từng loay hoay tìm đầu ra cho giống vật nuôi mới, nhưng hiện nay gia đình ông Nguyệt đã không còn bán chuột thịt như ngày trước nữa, vì số lượng chuột giống cũng không thể đủ cung cấp cho khách mua. Với một cặp chuột giống khoảng hơn 2 tháng tuổi, ông Nguyệt bán từ 150.000 - 200.000 đồng. Từ 50 cặp chuột bố mẹ, mỗi tháng bán từ 10 - 15 cặp con giống ông Nguyệt thu về 2 - 3 triệu đồng.
Ông Nguyệt cho biết: Hiện đang có 3 khách hàng ở các xã Nga My, Yên Tĩnh cũng đang đặt mua 15 cặp chuột giống, hẹn cuối tháng 12 đến nhận, nên những ngày này ông đang tích cực chăm sóc cho số chuột giống này”.
Trao đổi với phóng viên, ông Lô Khăm Kha - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết, việc người dân nuôi chuột lang là hoàn toàn tự phát, người nuôi cũng chưa có bất kỳ báo cáo nào lên các cơ quan chức năng địa phương. Quan điểm của phòng rất khuyến khích bà con phát triển các mô hình kinh tế nhằm nâng cao đời sống, nhưng phải tuyệt đối đảm bảo các vấn đề về vệ sinh, môi trường, dịch tễ. Ông Lô Khăm Kha cũng cho biết, nuôi chuột lang có thể không gây ảnh hưởng đến các vấn đề nói trên nhưng phòng sẽ sớm kiểm tra, xác định cụ thể các vấn đề liên quan đến khoa học và thực tiễn để có các giải pháp hợp lý.
Chuột lang được nhiều nước nuôi làm thú cưng. Tại peru, loài chuột này được nuôi theo quy mô lớn để làm các món ăn đặc sản. |
Lữ Phú