Cá lăng đuôi đỏ là loài cá nước ngọt sống ở lưu vực nước sâu, chảy xiết, lắm thác ghềnh. Nhiều địa phương tại tỉnh Đắk Lắk đã phát triển nghề nuôi cá lăng, tuy nhiên cá lăng đuôi đỏ được người dân xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột nuôi dọc lưu vực sông Sêrêpốk được nhiều người biết đến và tạo nên thương hiệu đặc sản riêng của vùng.
Sêrêpốk hùng vĩ (dòng sông chảy ngược từ Đông sang Tây). Giá trị kinh tế loài cá này mang lại khá cao nên trong những năm gần đây, người dân đã tổ chức đánh bắt tràn lan khiến cá lăng đuôi đỏ đang dần cạn kiệt.
Trước nguy cơ loài cá quý mất dần trên dòng Sêrêpốk, năm 2005, các hộ dân ở xã Hòa Phú đã có sáng kiến đưa cá lăng đuôi đỏ từ tự nhiên về nuôi trong ao, hồ, môi trường nước tỉnh, dọc sông lưu vực sông Sêrêpốk để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn nguồn gen cá lăng đuôi đỏ tự nhiên.
Ông Hoàng Quốc Bài, thôn 5 là một trong những hộ nuôi cá lăng đầu tiên ở xã Hòa Phú cho biết, gia đình ông tận dụng 0,5 ha mặt hồ nước bên cạnh dòng sông Sêrêpốk để nuôi cá lăng đuôi đỏ. Để có nguồn cá giống, gia đình mua cá lăng đuôi đỏ còn nhỏ mà bà con dân chài, đánh bắt trên sông với giá với giá bán 300.000 đồng/kg về nuôi.
Cá lằng đuôi đỏ giống sau khi mua được, đem thả vào ao, hồ, cho cá ăn cám cá đậm đặc, hỗ trợ dinh dưỡng để cá phát triển, khi cá lớn được khoảng từ 3 đến 4 lạng cho cá ăn các loại thức ăn truyền thống như cá con, tôm tép... Sau hơn 1 năm thả nuôi, lứa cá giống đầu tiên của gia đình xuất bán đạt trọng lượng từ 3 - 7 kg/con, trừ các khoản chi phí gia đình thu về 270 triệu đồng.
Thành công bước đầu từ mô hình đưa cá lăng đuôi đỏ vào môi trường nước tỉnh để nuôi của gia đình ông Hoàng Quốc Bài, ngày càng nhiều hộ dân ở xã Hòa Phú thực nghiệm đưa cá lăng đuôi đỏ vào các ao, hồ nuôi. Năm 2009, người dân xã Hòa Phú đã thành lập Câu lạc bộ nuôi cá lăng đuôi đỏ với 16 thành viên nuôi thả cá lăng trên diện tích gần 10 ha.
Theo các hộ dân địa phương, để cá lăng đuôi đỏ phát triển tốt trong môi trường nước tỉnh, người dân xã Hòa Phú đã đào kênh dẫn nước từ sông Sêrêpốk ra vào ao nuôi vừa tạo môi trường nước tự nhiên, tận dụng nguồn thức ăn thực sinh cho cá.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Hòa Phú ông Từ Văn Hợi, hiện nay, các hộ gia đình nuôi cá lăng đuôi đỏ ở xã Hòa Phú phần lớn chỉ dựa vào kinh nghiệm, đầu ra cho sản phẩm chủ yếu tại các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Cá lăng được đưa từ môi trường tự nhiên sông Sêrêpốk vào ao nuôi phát triển tốt, tuy nhiên lại không thể sinh sản, nhân giống được nên người dân không thể phát triển thêm được nguồn con giống, nếu người dân phát triển số lượng đàn cá lớn mà không cạnh tranh được với thị trường thì nghề nuôi cá lăng sẽ không duy trì nhân rộng được.
Để chủ động phát triển nghề nuôi cá lăng trong ao nuôi, ngành nông nghiệp thành phố Buôn Ma Thuột đã hỗ trợ người dân về vốn, con giống để phát triển mở rộng chăn nuôi. Năm 2017, Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn MasterBrand lập Dự án Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Cá lăng đuôi đỏ Hòa Phú - Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk”. Đồng thời, đơn vị phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cá lăng đuôi đỏ Hòa Phú - Buôn Ma Thuột.
Theo bà Hồ Thị Cẩm Lai, Phó Trưởng phòng Kinh tế, Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, việc xây dựng nhãn hiệu cá lăng đuôi đỏ Hòa Phú - Buôn Ma Thuột là việc làm cần thiết, nhằm khẳng định giá trị của cá lăng đuôi đỏ Hòa Phú, khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi, nhân giống loài cá đặc sản. Đồng thời, xây dựng thương hiệu cho cá lăng đuôi đỏ còn góp phần quảng bá thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp địa phương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, con vật nuôi, tạo việc làm cho người lao động, góp phần bảo tồn nguồn gen quý cá lăng đuôi đỏ.