1729036_1832018.jpgKinh tế Nga gặp khó khăn từ năm 2014 do giá dầu thô giảm và cấm vận phương Tây. Trong ảnh, Tổng thống Putin quan sát giá thịt ở Matxcơva. Ảnh: Ria Novosti
143,4 triệu là dân số Liên bang Nga. Từ năm 2009, dân số Nga tăng trở lại sau nhiều năm giảm khi đạt đến ngưỡng 148,689 triệu dân vào năm 1992.

Từ khi ông Vladimir Putin cầm quyền, tỉ lệ sinh vốn giảm mạnh từ năm 1987 đã tăng trở lại nhưng mức tăng vẫn chưa cao. Tỉ lệ sinh vào năm 2015 chỉ đạt bình quân 1,75 con.

1.469,3 tỉ USD là GDP của Nga theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Nga xếp thứ 12 thế giới về GDP, đứng giữa Hàn Quốc (1.529,7 tỉ USD) và Tây Ban Nha (1.307,2 tỉ USD) nhưng thua xa Mỹ (19.362,1 tỉ USD). GDP của Nga chiếm gần 2% GDP thế giới.

+1,8% là tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Nga năm 2017 theo đánh giá của IMF. Theo Chủ tịch Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina, năm 2018 tăng trưởng ước đạt từ 1,5% đến 2%. 

Nga chưa thoát khỏi suy thoái bùng phát từ năm 2014 do tác động kép từ giá dầu thô giảm và các biện pháp cấm vận của phương Tây. Quá trình kinh tế hồi phục bấp bênh do sản xuất công nghiệp đột ngột giảm tốc vào tháng 11/2017.

 
Ngân sách quốc gia của Nga phụ thuộc nhiều vào nguồn thu dầu khí .Ảnh: Finacial Tribune
-8,4% là mức thâm hụt ngân sách ngoài nguồn thu dầu mỏ năm 2017 của Nga, theo số liệu của IMF. Nếu tính gộp nguồn thu dầu mỏ, mức thâm hụt còn 1%. Điều này chứng tỏ ngân sách quốc gia Nga phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu dầu khí.

10.307 USD là thu nhập bình quân đầu người của Nga năm 2016 theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Sau khi tăng gần như ổn định trong khoảng 10 năm, thu nhập bình quân đầu người giảm từ năm 2013. Về chỉ tiêu này, Nga xếp từ hạng 55 đến hạng 60 (tùy theo cách thức tính toán), ở vị trí hơn Kazakhstan nhưng thua Ba Lan và Hungary.

71,3 tuổi là tuổi thọ bình quân của người Nga vào năm 2015 theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế. Tuổi thọ cách nhau khá xa giữa nam (65,9 tuổi) và nữ (76,7 tuổi). So ra tuổi thọ ở Nga thấp hơn phần lớn các nước phát triển như Pháp (82,4 tuổi) hay Mỹ (78,8 tuổi).

Chính sách trợ cấp gia đình của ông Putin nhằm hỗ trợ từ con thứ hai trở đi đã không được thực hiện tốt ở thành phố và chỉ đạt ở nông thôn"

Giáo sư Philippe Pelé-Clamour ở Trường Cao cấp thương mại Paris-Pháp

103.438 ca là số ca nhiễm HIV mới ghi nhận trong năm 2016 theo Chương trình Phối hợp của LHQ về HIV/AIDS trong khi số ca nhiễm mới năm 2010 chỉ 62.581 ca. Dịch HIV/AIDS phát triển với nhịp độ đáng lo ngại. 

19,8 triệu người là số người sống dưới ngưỡng nghèo khó năm 2016 theo thống kê của chính phủ Nga và vừa được Tổng thống Vladimir Putin thừa nhận trong Thông điệp Liên bang đọc hôm 1/3. 

Có 13% dân số Nga sống dưới mức thu nhập tối thiểu 9.691 rúp (196,7 USD). Đây là tỉ lệ cao nhất trong 10 năm qua. Năm 2014 chỉ có 16,1 triệu người sống dưới ngưỡng nghèo khó trước khi Nga bước vào thời kỳ suy thoái kinh tế. 

13% dân số Nga sống dưới mức thu nhập tối thiểu. Trong ảnh là người ăn xin trên tàu điện ở Matxcơva. Ảnh: Kommersant
Nga bước vào bầu cử chính thức

Đến nay, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống Nga cũng đã hoàn tất và được đánh giá là rất tốt, kỹ lượng và chu đáo. 

Với mục đích tạo sự công khai và minh bạch tối đa cho cuộc bầu cử, Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (SIK) đã áp dụng nhiều biện pháp như cấp phép cho 1.455 quan sát viên đến từ 86 quốc gia và 14 tổ chức quốc tế đến giám sát bầu cử, gấp đôi so với cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. 

Ủy ban SIK cũng khuyến khích các tổ chức xã hội, chính trị khác nhau ở trong nước tham gia giám sát tiến trình bầu cử. Ngoài ra, trong lực lượng quan sát viên cũng có hơn 5.560 nhà báo đại diện cho phương tiện truyền thông đại chúng trong nước và 367 nhà báo nước ngoài. 

Đặc biệt Nga chi gần 3 tỉ ruble để lắp đặt hệ thống máy quét lá phiếu cử tri, máy đếm phiếu tự động, hệ thống camera theo dõi và thiết bị truyền hình ảnh trực tiếp tại hầu hết trong tổng số hơn 97.000 điểm bỏ phiếu trên cả nước.  

Người dân thành phố Vladivostok đi bỏ phiếu sớm vào sáng 18/3. Ảnh: Reuters
Công tác bảo đảm an ninh cho bầu cử được tăng cường với sự vào cuộc của hầu hết các lực lượng chức năng. 

Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga cho biết sẽ triển khai 115.000 nhân viên và gần 19.000 trang thiết bị để bảo đảm an ninh cho tất cả các khu vực bầu cử trên cả nước. 

Chỉ riêng tại Matxcơva, chính quyền thủ đô đã huy động hơn 17.000 nhân viên công vụ nhằm bảo đảm trật tự vào ngày bỏ phiếu hôm nay (18/3). Hoạt động giao thông trong ngày bỏ phiếu ở thủ đô vẫn động bình thường, nhưng hoạt đồng tuần tra, kiểm soát được siết chặt. 

Việc bỏ phiếu sớm ở nước Nga đã được bắt đầu từ ngày 25/2 ở những khu vực xa xôi, đi lại khó khăn, trên tàu thuyền mà theo lịch trình vào ngày 18/3 đang ở ngoài khơi. 

Tính đến hết ngày 16-3, đã có khoảng 153.500 cử tri đi bỏ phiếu, trong đó có hơn 30.000 cử tri bỏ phiếu tại 50 quốc gia trên thế giới.