Nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nỗ lực thoát khỏi cuộc suy thoái trầm trọng nhất nhiều thập kỷ. Cùng lúc đó, số ca nhiễm Covid-19 mới tại đây vẫn đang tăng cao và cuộc bầu cử Tổng thống nghẹt thở vẫn chưa ngã ngũ.
Tuy nhiên, dù ai là chủ nhân kế tiếp của Nhà Trắng, vực dậy kinh tế Mỹ vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu. Nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu các đề xuất trong chiến dịch tranh cử của cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden để dự báo bức tranh kinh tế Mỹ trong tương lai.
Nền kinh tế dưới thời Biden
Đây cũng sẽ là điều xảy ra với Trump nếu ông tái đắc cử. Dĩ nhiên, các chính sách trong nhiệm kỳ của Biden vẫn sẽ có tác động đến nền kinh tế, nhưng hiệu quả chưa thể hiện hữu ngay lập tức.
Covid-19 chắc chắn vẫn có tác động lớn nhất lên nền kinh tế trong năm 2021 và 2022. Các chính sách công khó thay đổi được điều này, trừ việc phê duyệt vaccine và thuốc. Chính quyền Biden có thể đẩy nhanh quá trình này và chọn cách tiếp cận ít mang tính chính trị hơn so với Trump.
Chính sách có khả năng tác động lớn nhất trong nhiệm kỳ của Biden là tăng thuế. Biden muốn nâng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28%, nâng thuế cá nhân với các hộ gia đình thu nhập hơn 400.000 USD, đồng thời giảm bớt chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp và người giàu.
Hạ viện chắc chắn sẽ ủng hộ Tổng thống mới. Tuy nhiên, Thượng viện rất khó thuyết phục nếu vẫn do đảng Cộng hòa kiểm soát. Và kể cả khi tăng thuế, tác động của việc này sẽ mất nhiều năm mới hiện rõ. Theo thời gian, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ giảm phần nào.
Bên cạnh đó, chính quyền mới gần như chắc chắn sẽ tung ra gói kích thích tiếp theo. Gói kích thích cũ áp dụng từ đầu năm đã hết hiệu lực, khiến đà phục hồi của Mỹ chững lại. Vốn mới có thể sẽ ưu tiên vào các chủ đất có căn hộ giá rẻ, các nhà băng có nhiều khoản vay tiêu dùng và các công ty phục vụ những người mất việc trong đại dịch.
Oxford Economics đánh giá kế hoạch tổng thể của Biden sẽ tăng thu nhập và tạo ra nhiều việc làm so với kịch bản chính sách giữ nguyên. Biden đề xuất các gói chi tiêu lớn, gồm 1.700 tỷ USD chăm sóc y tế, 1.400 tỷ USD cho giáo dục, 775 tỷ USD chăm sóc người già và trẻ nhỏ, cùng 700 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và các chương trình khác.
Dù vậy, Oxford cho rằng Biden có thể chỉ được thông qua các chính sách chi tiêu và tăng thuế có quy mô bằng nửa đề xuất. Trong trường hợp này, tiêu dùng không chịu nhiều sức ép do người giàu vẫn còn thu nhập khả dụng lớn.
Oxford dự báo kế hoạch của Biden sẽ nâng tăng trưởng GDP thực của Mỹ năm 2021 từ 3,7% lên 5,8% - mạnh nhất kể từ năm 1984. Nền kinh tế sẽ hồi phục từ suy thoái do đại dịch vào giữa năm 2021 - nhanh hơn 6 tháng so với việc không có các chính sách kích thích trên. Đến cuối nhiệm kỳ của Biden, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm về gần 3%. Thâm hụt ngân sách vẫn nới rộng, nhưng không vượt vùng hiện tại, do thu thuế dự kiến tăng khi số lao động tăng lên.
Chính sách với lao động dưới thời Biden cũng được dự báo thân thiện hơn so với Trump. Một số đề xuất xóa bỏ luật của Biden có thể không được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, Hội đồng Quốc gia về Quan hệ Lao động chắc chắn sẽ nghiêng sân chơi về phía công đoàn nhiều hơn. Lương tối thiểu cũng có thể được nâng lên, dù không phải là mức 15 USD một giờ như Biden đề xuất. Doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực hơn trong việc giữ chân và tuyển dụng nhân tài.
Chính sách nhập cưcũng có thể được nới lỏng dưới thời Biden, giúp các đại gia công nghệ dễ thở hơn. Dù vậy, chính các nghị sĩ đảng Dân chủ cũng thường xuyên lo ngại lao động nước ngoài cạnh tranh với lao động Mỹ, khiến lương bị kéo xuống thấp.
Về chính sáchthương mại, Biden có quan điểm hòa hoãn hơn nhiều so với Trump. Tuy nhiên, đảng Dân chủ từ lâu vẫn ủng hộ thuế nhập khẩu và các biện pháp hạn chế thương mại. Vì thế, dù chính quyền Biden được dự báo vẫn đi theo hướng đi của Trump, các chính sách sẽ được thực hiện chậm và dễ đoán hơn. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng lập kế hoạch, dù hướng chính sách với họ là không thuận lợi. Các công ty được điều hành tốt sẽ vẫn có khả năng kiếm lợi nhuận.
Kinh tế Mỹ nếu Trump làm Tổng thống thêm 4 năm nữa
Forbescho rằng nếu Trump tái đắc cử, nền kinh tế sẽ gần như không khác gì so với hiện tại. Chính quyền Trump vẫn sẽ tập trung vào khu vực tư nhân và nguồn cung trong nền kinh tế. Quan điểm của ông là lĩnh vực tư nhân, chứ không phải chính phủ, là nơi tạo ra việc làm, năng suất cao và sự thịnh vượng.
Covid-19 sẽ vẫn là rào cản lớn với nền kinh tế trong hai năm tới. Ngoài ra, Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát sẽ gây khó dễ cho các chính sách mới của ông Trump, ít nhất là trong hai năm đầu.
Thay đổi có khả năng xảy ra nhất sau bầu cử là thông qua gói kích thích mới. Cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều muốn có gói kích thích tiếp theo. Tuy nhiên, việc đàm phán gặp khó nhiều tháng nay và hai bên vẫn chưa thể nhượng bộ về quy mô và nội dung gói này. Khi cuộc bầu cử kết thúc, việc thông qua sẽ có triển vọng lớn hơn. Những người hưởng lợi lớn nhất sẽ là các lao động thu nhập thấp đã mất việc làm. Một số ngành, như hàng không, cũng có khả năng được trợ cấp cao hơn.
Trong 2 năm tới, một dự luật chi tiêu lớn cho cơ sở hạ tầng cũng có thể được thông qua. Đề xuất của Biden khác về chi tiết so với kế hoạch của Trump, nhưng cả hai bên đều đồng tình với ý tưởng này. Hoạt động xây dựng sẽ diễn ra trên cả nước.
Tuy nhiên, Forbes cho rằng nó sẽ không có hiệu quả vực dậy cả nền kinh tế. Vấn đề của Mỹ không phải là chi tiêu yếu, mà là thiếu các dịch vụ khuyến khích mọi người chi tiêu, như nhà hàng ngoài trời, khách sạn tại các khu vực giải trí và du lịch qua đường hàng không. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang thiếu nhân lực và vật liệu xây dựng, khiến hiệu quả kinh tế của chính sách này bị hạn chế.
Trump còn muốn gia hạn chính sách cắt giảm thuế đã áp dụng từ năm 2017. Việc này khó có khả năng thực hiện nếu đảng Dân chủ nắm Hạ viện. Nhưng nếu đảng Cộng hòa giành lại Hạ viện năm 2022, việc gia hạn có thể xảy ra.
Danh sách những chính sách được giữ nguyên thì rất dài. Quan hệ thương mại quốc tế của Mỹ với các nước sẽ tiếp tục lao dốc. Chính sách nhập cư tiếp tục bị siết chặt. Chính quyền Trump sẽ vẫn giảm bớt các quy định, như về môi trường hay lao động. Ngân sách liên bang Mỹ sẽ tiếp tục thâm hụt trong 4 năm tới.
Nghiên cứu của tổ chức Committee for a Responsible Federal Budget cho thấy các đề xuất của Trump cho nhiệm kỳ 2 sẽ khiến khối nợ của Mỹ tăng thêm 4.950 tỷ USD cho đến năm 2030. Nợ công nước này cũng sẽ tương đương 125% GDP năm đó. Với kịch bản Biden thắng cử, các số liệu này lần lượt là 5.600 tỷ USD và 125%.
Moody’s Analytics thì dự báo việc Trump tái đắc cử và quyền kiểm soát lưỡng viện chia đều cho hai đảng sẽ khiến GDP Mỹ tăng trung bình 2,4% trong thập kỷ tới. Số việc làm được tạo thêm là 13,9 triệu. Các con số này trong nhiệm kỳ của Biden sẽ là 2,9% và 21,7 triệu.
Cả hai ứng cử viên đều tuyên bố cuộc bầu cử này rất quan trọng với nền kinh tế. Dù vậy, Forbes cho rằng sẽ chẳng có kết quả nào ngăn được đại dịch hay ngăn người Mỹ thức dậy mỗi sáng và đi làm. Các thay đổi vẫn sẽ có, nhưng rất nhỏ và tổng thể nền kinh tế sẽ chẳng khác biệt là bao. Các doanh nghiệp chỉ tập trung phục vụ khách hàng sẽ vẫn đạt kết quả tốt hơn những công ty bận tâm với chính trị.